Nói về biện pháp để ngăn chặn hành vi bạo lực và bảo vệ nạn nhân, có thể áp dụng rất nhiều biện pháp đã được pháp luật quy định trong đó tiêu biểu nhất là biện pháp giải cứu, bảo vệ nạn nhân. Đây là một trong những biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được quy định tại Điều 19, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với mục đích bảo vệ nạn nhân, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra.
Giải cứu nạn nhân cũng là việc rất cần thiết khi mà họ đang lâm vào tình trạng sức khỏe nguy kịch do hành vi bạo lực gây nên. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi cũng rất ít khi thực hiện nghĩa vụ này; còn những người xung quanh nếu không phải có quan hệ thân thiết với nạn nhân thì không có lý do gì can thiệp vào “chuyện gia đình” người khác, đưa nạn nhân đi cấp cứu. Dù đó là việc làm tốt thì họ cũng sẽ phải gánh chịu những lời dị nghị của dư luận xã hội, gặp phải sự phản đối của gia đình nạn nhân cũng như gia đình mình, thậm chí có thể chính người thực hiện hành vi bạo lực ngăn chặn, trả thù.
Chính vì những định kiến, những cản trở về mặt xã hội như vậy, pháp luật đã quy định: người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình và cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình. Điều này không chỉ có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm của mọi cá nhân trong xã hội tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân bị bạo lực cũng như người tham gia phòng, chống, mà còn thông qua đó nâng cao ý thức, giáo dục những người khác về sự cần thiết phải tham gia công tác này.
Khắc phục được những hạn chế trong công tác giải cứu, bảo vệ nạn nhân, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đều xây dựng kế hoạch tổ chức tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống
bạo lực gia đình và cùng tham gia với Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương và các Sở, ban, ngành liên quan hoặc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh về hoạt động toàn dân tích cực tham gia giải cứu, bảo vệ nạn nhân ngay tại địa phương.
Trong 5 năm (2008-2013), các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tư vấn tâm lý, pháp luật cho 7.205 nạn nhân; 935 nạn nhân được đưa đến sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 1.430 nạn nhân được chuyển đến các cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe; 4.210 nạn nhân được đưa đến địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 2.625 nạn nhân được hỗ trợ tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình của tỉnh [38].
Từ kết quả giải cứu, bảo vệ nạn nhân trên toàn tỉnh cho thấy bước đầu Thanh Hoá đã thành công trong việc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình đã giảm tính nghiêm trọng và phức tạp vì tất cả các vụ việc đều được phát hiện sớm và có sự can thiệp sớm và sự vào cuộc của đồng xã hội. Đặc biệt, trên địa bàn toàn tỉnh các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và các tổ hoà giải của các phố, thôn, xóm, làng, bản đã kịp thời phát hiện phòng ngừa ngăn chặn nhiều vụ việc mâu thuẫn nảy sinh trong các gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình.