Từ thực tế cuộc sống, có thể hiểu phòng, chống bạo lực gia đình là tổng thể những biện pháp được tiến hành nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra những hành động bạo lực chống lại những thành viên trong gia đình, dưới mọi hình thức.
Về phương diện tổ chức, phòng ngừa bạo lực gia đình cần đặt trong chiến lược hay kế hoạch chung về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực chống lại phụ nữ, bởi lẽ, như đã đề cập, bạo lực gia đình về cơ bản là bạo lực chống lại phụ nữ trong gia đình. Các biện pháp phòng ngừa cần được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và cần phải được duy trì một cách liên tục, rộng khắp, từ cấp trung ương đến cơ sở, trong đó cần chú trọng cấp cơ sở.
Về mặt lô-gic, một chiến lược phòng ngừa bạo lực gia đình có hiệu quả và bền vững nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này, đặc biệt là tục trọng nam khinh nữ, tình trạng bất bình đẳng, phân biệt đối xử với phụ nữ trên các phương diện pháp lý, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Liên quan đến vấn đề trên, Luật mẫu của Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia thông qua các chương trình hỗ trợ phòng ngừa và xóa bỏ bạo lực gia đình, bao gồm việc nâng cao nhận thức và giáo dục cho quần chúng về các biểu hiện, các nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình, từ đó khuyến khích cộng đồng tham gia phòng, chống hiện tượng này. Ở cấp độ quốc gia, Luật về phòng, chống bạo lực gia đình của các nước Nhật Bản, Phi-líp-pin, Cam pu chia, Đài Loan, Đông Ti-mo và Malaysia có những quy định cụ thể về các biện pháp phòng ngừa chung, trong đó bao gồm việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của quần chúng và nghiên cứu về bạo lực gia đình.
Trong số này, Luật về phòng, chống bạo lực gia đình của Đông Ti-mo có cách tiếp cận toàn diện hơn cả. Cụ thể, Luật của nước này quy định, để phòng ngừa bạo lực gia đình, nhà nước phải: (a) Tạo điều kiện và xây dựng một chương trình giáo dục về quyền con người ở cả cấp tiểu học và trung học; (b) Tạo điều kiện để biên soạn một chương trình giáo dục về quyền con người và các hình thức bạo lực gia đình dành cho cảnh sát, công tố viên, thẩm phán, luật sư tham gia giải quyết những vụ việc bạo lực gia đình; (c) Cung cấp thông tin cho quần chúng, những lãnh đạo cộng đồng về quyền con người và về bạo lực gia đình với ý nghĩa là một sự vi phạm các quyền con người; (d) Các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức dựa trên cộng đồng cần phối hợp các nỗ lực phòng ngừa bạo lực gia đình và giải quyết những yếu tố kinh tế-xã hội dẫn đến nguy cơ làm gia tăng bạo lực gia đình.
Ở Việt Nam cần xác định việc phòng, chống bạo lực gia đình là kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó lấy phòng ngừa là chính. vì vậy phải xác định chiến lược phòng ngừa bạo lực gia đình dựa trên ba biện pháp chính: Thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, và Tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình. Ngoài ra, có thể xem việc áp dụng các chế tài kỷ luật, hành chính và hình sự với các đối tượng có hành vi bạo lực gia đình (mà được quy định trong các văn bản pháp luật khác) cũng là những biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình.
Theo Luật Phòng, Chống Bạo lực Gia đình năm 2007, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xoá bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Vì vậy, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các yêu cầu: Chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực; Phù hợp với từng đối tượng, trình độ,
lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo; Không làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân bạo lực gia đình và các thành viên khác trong gia đình.
Theo pháp luật Việt Nam, phòng, chống bạo lực gia đình có thể tiếp cận từ những góc độ cụ thể sau đây:
- Phòng, chống bạo lực gia đình ở góc độ hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình:
Hòa giải, theo nghĩa thông thường, được hiểu là quá trình các bên tranh chấp, với sự hỗ trợ của một người hoặc một vài người trung gian, cùng nhau phân tích các vấn đề tranh chấp một cách có hệ thống để từ đó cùng cân nhắc, lựa chọn và quyết định các giải pháp cho vấn đề trên cơ sở đồng thuận của tất cả các bên.
Thực tế cho thấy hòa giải, nếu được tiến hành kịp thời và tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn, có tác dụng rất tích cực đến việc phòng ngừa bạo lực gia đình, bởi lẽ các hành vi bạo lực gia đình về bản chất là một biện pháp cực đoan (và thông thường là biện pháp cuối cùng) mà các thành viên gia đình áp dụng để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Trong bối cảnh gia đình có mâu thuẫn, tranh chấp, hòa giải cung cấp giải pháp thay thế cho biện pháp cực đoan là sử dụng bạo lực trước khi nó được các thành viên gia đình áp dụng.
- Phòng, chống bạo lực gia đình ở góc độ tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình:
Tư vấn được hiểu là một quá trình giao tiếp hai chiều nhằm trợ giúp, cung cấp, trao đổi thông tin phân tích giữa một bên là chủ thể tư vấn (cá nhân hoặc cơ quan/tổ chức) với chủ thể được tư vấn (cá nhân hoặc cơ quan/ tổ chức) về một chủ đề khó khăn vướng mắc nhất định và những cách thức giải quyết khác nhau để từ đó giúp chủ thể được tư vấn tự đưa ra quyết định về cách thức giải quyết khó khăn vướng mắc của mình.
Tư vấn về gia đình là một dạng tư vấn nói chung, trong đó tập trung vào việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đời sống hôn nhân, gia đình. Tương tự như hoạt động phòng ngừa khác, hoạt động tư vấn về gia đình nếu được tiến hành thường xuyên, kịp thời, đúng đối tượng, có phương pháp chắc chắn sẽ có tác dụng rất tích cực đến việc phòng ngừa bạo lực gia đình, bởi lẽ một trong các nguyên nhân dẫn đến những hành vi bạo lực gia đình là sự thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách về hôn nhân gia đình, về các quyền bình đẳng của phụ nữ, cũng như về các vấn đề khác như nhận thức, kỹ năng sống...Tư vấn góp phần định hướng nhận thức và hành vi đối xử của các thành viên trong gia đình theo cách thức phi bạo lực, tôn trọng nhân phẩm và quyền con người của các thành viên khác, cho dù đó là vợ, con hay những người đang sống phụ thuộc vào mình.
Ở Việt Nam Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở cho các thành viên trong cộng đồng dân cư để phòng ngừa bạo lực gia đình, trong đó bao gồm bạo lực gia đình.
- Phòng, chống bạo lực gia đình ở góc độ áp dụng, thực thi chế tài: Chế tài, ở góc độ chung, có thể hiểu là những biện pháp cưỡng chế bất lợi áp dụng với một chủ thể nhằm trừng phạt việc chủ thể đó đã vi phạm một quy tắc xử sự chung đã được tập thể (một cơ quan, tổ chức, nhà nước...) quy định. Trong khuôn khổ một cơ quan, tổ chức, biện pháp trừng phạt được thể hiện dưới hình thức chế tài kỷ luật. Trong khuôn khổ quốc gia, biện pháp trừng phạt mạnh được thể hiện ở chế tài hành chính hoặc hình sự.
Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam hiện đang áp dụng tất cả ba hình thức chế tài kỷ luật, hành chính và hình sự với những chủ thể có hành vi bạo lực gia đình. Về vấn đề này, chế tài kỷ luật thường không có tính thống nhất, mà phụ thuộc vào quy định của mỗi cơ quan, tổ chức, tuy
nhiên, chế tài hành chính và hình sự thì được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, về chế tài hành chính, Điều 11 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định việc xử phạt hành vi ngược đãi, hành hạ thành viên trong gia đình hoặc người có công nuôi dưỡng mình mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong trường hợp hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị áp dụng chế tài hình sự theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) (tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình), mà tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi, có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Đây chỉ là hai quy định trực tiếp nhất trong số các quy định của pháp luật hành chính và hình sự áp đặt chế tài với các hành vi