Đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội của Thanh Hóa ảnh hưởng

Một phần của tài liệu Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - qua thực tiễn tỉnh Thanh Hoá (Trang 50)

đến việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội luôn là yếu tố tác động mạnh tới các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội.

Với đặc điểm tự nhiên là tỉnh có diện tích lớn được chia làm ba vùng (Đồng bằng, Trung du, Miền núi) và có dân số đông nên việc triển khai thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình có những thuận lợi đồng thời cũng gặp rất nhiều khó khăn.

- Mặt thuận lợi:

Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã và đang đi vào cuộc sống của nhân dân được hưởng ứng mạnh mẽ.

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; sự hưởng ứng đồng thuận, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân đã tạo thuận lợi cho việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc tổ chức các lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ được lồng ghép với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời gắn với cuộc khảo sát xã hội học về gia đình đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ.

Những năm gần đây kinh tế tỉnh Thanh Hoá tăng trưởng nhanh (năm 2013 mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân (GDP) ước tính tăng 5,42% so với năm 2012 [50] đã tạo điều kiện cho việc nâng cao dân trí, qua đó hạn chế những tệ nạn xã hội, trong đó bao gồm bạo lực gia đình. Mặt khác, Thanh Hoá vốn dĩ được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt” là đất học và người dân rất hiếu học nên các hoạt động văn hoá, xã hội được chính quyền

và người dân rất chú trọng. Đây chính là thuận lợi lớn cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng ở tỉnh Thanh Hoá trong những năm gần đây.

- Mặt khó khăn:

Thanh Hóa là một tỉnh đông dân cư, nhiều thành phần dân tộc và là một trong những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất ở dải đất miền trung. Với đặc điểm tự nhiên khắc nghiệt như vậy cộng với điều kiện kinh tế ở nhiều khu vực của tỉnh, đặc biệt là khu vực miền núi, còn khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, phong tục tập quán lạc hậu đã gây cản trở không nhỏ đến việc xây dựng đời sống văn hoá trong nhân dân nói chung, công tác phòng, chống BLGĐ nói riêng.

Khó khăn nhất là tại các vùng miền núi nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vì đặc trưng ở vùng này là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dân cư đông đúc, nhiều thành phần dân tộc (Thái, Mường, Khơ Mú, Dao, Kinh, Mông...), trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ”, gia trưởng, gia quyền, phụ nữ thì phải cam chịu, nhẫn nhịn... còn nặng nề cộng với điều kiện kinh tế kém phát triển. Kinh tế khó khăn thường gây nên sự căng thẳng, tranh chấp trong gia đình, là nhân tố dẫn tới các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần giữa các thành viên. Sự thiếu thốn về vật chất cũng làm cho các thành viên trong gia đình không có điều kiện giao lưu, học tập, tiếp cận những tri thức tiến bộ cũng như không được định hướng về cách ứng xử trong gia đình, khiến tình trạng bạo lực càng dễ có nguy cơ xảy ra. Dân trí và điều kiện kinh tế khó khăn gây cản trở không nhỏ đến việc xây dựng đời sống văn hoá trong nhân dân nói chung, công tác phòng, chống BLGĐ nói riêng trên địa bàn dân cư.

Ở vùng trung du nơi đô thị và các khu công nghiệp mới hình thành mặc dù mức sống cao hơn nhưng một số bộ phận nhân dân vẫn có nhận thức xã hội thấp và hiểu biết pháp luật hạn chế nên hiện tượng bạo lực gia đình vẫn xảy ra. Điều này có thể được lý giải như sau: khi kinh tế phát triển, các thành viên trong gia đình có xu hướng thỏa mãn các lợi ích cá nhân mà thiếu đi sự quan tâm chăm sóc tới nhau; hoặc vì quá ham mê các lợi ích kinh tế mà phát sinh tranh chấp giữa những người thân trong gia đình. Ở những gia đình này, bạo lực về tinh thần có xu hướng phát triển hơn bạo lực về thể chất, bởi nhu cầu kinh tế đã có thể được đáp ứng phần nào bằng tiền bạc.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của sự suy giảm các giá trị đạo đức truyền thống cùng với sự tác động của của văn hóa bạo lực qua phim ảnh, văn hóa phẩm nên xu hướng bạo lực có chiều hướng gia tăng trên mọi khu vực của tỉnh Thanh Hoá thể hiện cụ thể ở việcnhiều người dễ dàng tìm đến việc sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh. Nhiều hành vi bạo lực gia đình vốn hiếm gặp trước đây nay đã xảy ra khá nhiều, cụ thể như tình trạng vợ đánh chồng, con cái đánh đập, mắng chửi bố mẹ, bạo lực tình dục trong gia đình, đặc biệt là với trẻ em…

Ví dụ, theo báo cáo về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình của sở VHTT&DL Thanh Hoá tại Hội nghị sơ kết triển khai mô hình can thiệp PCBLGĐ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/03/2013, trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh tổng số vụ bạo lực gia đình diễn ra là 2746 vụ. Nạn nhân bạo lực gia đình nhiều nhất là phụ nữ 1615 vụ, người già 261 vụ, trẻ em 514 vụ; ở miền núi 1345 vụ chiếm 56,2% tổng số vụ toàn tỉnh. Hình thức bạo lực thân thể là 1322 vụ, bạo lực tinh thần 1054 vụ, bạo lực tình dục là 63 vụ. Cũng theo Báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, trong 5 năm (2008- 2012) triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại các huyện, thị xã, thành

phố trong toàn tỉnh tính đến hết tháng 06/2013 tổng số vụ bạo lưc gia đình đã xảy ra là: 20.322 vụ bạo lực gia đình; Trong đó: Năm 2008 có: 4.125 vụ; Năm 2009 vụ: 4.054 vụ (giảm 71 vụ); Năm 2010: 3.745 vụ; Năm 2011: 3.371 vụ (giảm 374 vụ); Năm 2012: 3.285 vụ (giảm 86 vụ); 6 tháng đầu năm 2013: 1742 vụ. Với các hình thức bạo lực: Bạo lực Thân thể: 7.765 vụ; (chiếm 38,2 %), bạo lực Tinh thần: 7.340 vụ (chiếm 36,1 %), bạo lực Tình dục: 2.390 vụ (chiếm 11,7 %), bạo lực Kinh tế: 2.827 vụ (chiếm 13,9 %) [38, tr.6].

Còn theo “báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hoá, trên toàn tỉnh cứ 2-3

ngày lại có một người bị bạo lực gia đình” [26].

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình ở tỉnh Thanh Hoá cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện tự nhiên. Bởi Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích rộng và phức tạp nhất nước, có nhiều dân tộc, phong tục tập quán khác nhau nên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gặp rất nhiềukhó khăn do bất cập về ngôn ngữ, bất cập về quan niệm truyền thống như “chồng chúa vợ tôi”, “tục nối dây”, “tục mẹ chết bắt con mới đẻ phải chết theo mẹ”,...Mặt khác, địa hình vùng núi nhiều dân tộc còn cư trú theo tập quán “du canh, du cư”, ở không tập trung, địa hình đi lại xa và hiểm trở nên để làm tốt công tác tuyên truyền phải đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất như máy móc thiết bị, kinh phí đi lại..trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật, nhất là pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình còn rất hạn chế. Công tác tuyên truyền đã khó khăn như vậy nhưng công tác xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn khó khăn gấp bội. Đơn cử, nếu người dân có vi phạm pháp luật ở mức phạt hành chính thì vì điều kiện kinh tế khó khăn nên cũng không có tiền nộp phạt, vì vậy cơ quan chức năng rất khó thực hiện cưỡng chế thi hành án.

Bảng 2.1: Thống kê kết quả điều tra xã hội học về phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh Thanh Hoá năm 2012 [38]

STT Vùng địa lý Số vụ phải đưa đến cơ sở y tế Số vụ dẫn đến ly hôn Số vụ dẫn đến ly thân Số vụ dẫn đến tự tử Số gia đình có bạo lực dẫn đến trẻ bỏ học Số gia đình có bạo lực dẫn đến trẻ VPPL 1 Đồng bằng 72 102 72 3 21 3 2 Trung du 53 50 38 4 11 3 3 Miền núi 92 32 38 1 25 32 4 Tổng cộng 217 184 148 8 57 38

Nguồn: Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá.

Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội phức tạp đòi hỏi chính quyền địa phương phải có những giải pháp triển khai công tác pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với đặc thù của từng vùng miền trên cả tỉnh, có như vậy mới đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác triển khai và áp dụng pháp luật, để thực sự pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đi vào đời sống của nhân dân.

Một phần của tài liệu Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - qua thực tiễn tỉnh Thanh Hoá (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)