Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động

Một phần của tài liệu Hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 58)

Bên cạnh việc thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể, theo phương châm hướng về cơ sở, các Trung tâm còn chủ động tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động để đưa pháp luật đến với người dân ở cơ sở vì những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thường cư trú tập trung ở nông thôn, miền núi địa bàn vùng sâu, vùng xa. Do đó, điều kiện đi lại của họ thường gặp khó khăn cả về địa lý, giao thông và thời gian. Vì vậy, không phải trong mọi trường hợp khi có vướng mắc pháp luật họ đều có điều kiện tìm đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí.

Trợ giúp pháp lý lưu động đang là phương thức bám sát dân, gần dân, về tới tận vùng xa, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để giúp đỡ pháp lý (hướng dẫn, giải đáp pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp) cho người nghèo và đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số ngay tại nơi cư trú. Người dân được cung cấp thông tin pháp luật, được giải đáp thắc mắc, hiểu thêm về các quyền và nghĩa vụ của công dân, nâng cao kiến thức pháp luật về các vấn đề họ đang quan tâm.

Trợ giúp pháp lý lưu động đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người không có khả năng tài chính, phương tiện đi lại được tiếp cận trợ giúp pháp lý, giảm bớt thời gian cũng như chi phí đi lại để tập trung lao động sản xuất,

phát triển kinh tế. Trực tiếp đến với người dân tại cơ sở, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có điều kiện nắm bắt thực tế vụ việc khách quan, chính xác, giúp đỡ kịp thời người được trợ giúp pháp lý, xóa bỏ tâm lý e ngại của họ khi đến với cơ quan nhà nước.

Trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, nhiều Trung tâm đã phối hợp với chính quyền sở tại giải tỏa những vướng mắc pháp luật, giải quyết những bất cập của chính quyền với dân trong đời sống hàng ngày tại địa phương, tổ chức đối thoại giữa dân với chính quyền, hoặc tham mưu cho cơ quan chính quyền giải quyết các vụ việc, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, đồng thời góp phần tạo niềm tin của nhân dân đối với pháp luật và chính quyền, thực hiện dân chủ, giữ gìn sự ổn định, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Trước khi tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, các Trung tâm đều xác định nhu cầu trợ giúp pháp lý thông qua khảo sát hoặc kiến nghị, đề xuất của địa phương hoặc thông qua báo cáo tình hình khiếu nại… để nắm được chính xác, đầy đủ nhu cầu của người dân từ đó dự kiến được cán bộ thuộc chuyên môn sâu ở lĩnh vực pháp luật nào sẽ tham dự; quy mô đợt trợ giúp pháp lý lưu động, nội dung cần trợ giúp pháp lý…

Cách thức tiến hành xác định nhu cầu thông qua khảo sát: trực tiếp phỏng vấn người dân để tìm hiểu nhu cầu hoặc phát phiếu khảo sát, sau đó tổng hợp để có được kết quả chính xác về nhu cầu trợ giúp pháp lý ở địa phương như: lĩnh vực pháp luật mà người dân có nhiều vướng mắc, sự hiểu biết của người dân về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hay những người được hỏi thuộc diện nào: người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, trẻ em cô đơn không nơi nương tựa… Khi thực hiện khảo sát, các Trung tâm đều phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, Tổ hòa giải… để nắm được thông tin và nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân.

Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý, các Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động. Kế hoạch bao gồm những nội dung chủ yếu như: mục đích; chủ thể tổ chức và thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động; nội dung trợ giúp pháp lý lưu động; thời gian, địa điểm tổ chức; số lượng, thành phần tham dự và dự trù về kinh phí tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động.

Sau khi xây dựng kế hoạch, Trung tâm thực hiện các công việc chuẩn bị sau đây:

- Chuẩn bị về nội dung: trên cơ sở nội dung dự kiến trợ giúp pháp lý, các Trung tâm phân công các Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, cộng tác viên soạn thảo kỹ các nội dung về lĩnh vực pháp luật cần trợ giúp, chuẩn bị các tài liệu pháp luật có liên quan đến lĩnh vực mà các vụ việc của đối tượng thường có yêu cầu (đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại tố cáo, chính sách đối với người có công….), chuẩn bị nội dung giới thiệu các văn bản pháp luật mới được ban hành và các giấy tờ cần dùng trong quá trình trợ giúp pháp lý như: đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, biên bản trợ giúp pháp lý lưu động, hồ sơ, phiếu hẹn… Ngoài ra, Trung tâm còn chuẩn bị thêm các loại tài liệu pháp luật khác như: sách bỏ túi, tờ gấp pháp luật để phát cho người dân tham dự, qua đó thực hiện việc truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Theo báo cáo không đầy đủ của các địa phương thực hiện Chương trình, từ năm 2007 đến nay, các Trung tâm đã thực hiện được 8.918 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã nghèo, xã thuộc vùng sâu, vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc, biên giới. Trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã thuộc các Chương trình giảm nghèo, các Trung tâm đã trực tiếp giải quyết được hàng ngàn vụ việc cho người dân. Cũng tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động này đã có hàng ngàn người dân tham dự, lắng nghe các nội dung pháp luật, được hướng dẫn cách giải quyết các vướng mắc pháp luật cụ thể, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật để họ ứng xử phù hợp với pháp

luật, chấp hành pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 58)