Hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo

Một phần của tài liệu Hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 81)

pháp lý trong các chương trình giảm nghèo

Đến nay, các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 đã kết thúc. Để tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ là một chương trình khung về giảm nghèo trong thời kỳ 10 năm (2011 - 2020), bao gồm tất cả các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo, hướng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các chính sách giảm nghèo chung trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành, vì vậy các Bộ, ngành có trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức xây dựng, chỉ đạo, theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện chính sách thuộc lĩnh vực quản lý (đây là nội dung mới, khác so với giai đoạn trước). Các chính sách giảm nghèo đặc thù được xây dựng và ban hành áp dụng cho hộ nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Để thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trong để các Bộ, ngành trình ban hành hoặc ban hành các chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình để thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ.

Điểm 13, phần IV Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp "chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan

nghiên cứu, hoàn thiện, trình ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo". Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan

xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở các xã nghèo ngoài các xã thuộc Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP giai đoạn 2011 - 2020. Để xây dựng văn bản trên, Bộ Tư pháp cần rà soát, đánh giá hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, từ đó đề xuất hoạt động nào cần bãi bỏ, hoạt động nào cần tiếp tục thực hiện nhưng cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Cùng với Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Dự thảo Quyết định về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở các xã nghèo ngoài các xã thuộc Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ trong việc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo trong toàn quốc, giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận pháp luật, nắm được các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó, biết ứng xử phù hợp với pháp luật, giảm bớt tranh chấp, góp phần tăng cường dân trí pháp lý, bảo đảm an sinh xã hội phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư số 41/2009/TT-BTC ngày 9/03/2009 hướng dẫn quản lý tài chính đối với Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Để xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo trong thời gian tới đạt chất lượng

và bảo đảm tiến độ thì việc phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan một cách chặt chẽ là hết sức cần thiết…

Để thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo, các Bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý cũng như các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo; nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút, ưu đãi tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quy định cụ thể cơ chế và hình thức phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc truyền thông pháp luật, quảng bá về hoạt động trợ giúp pháp lý, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý; đổi mới phương thức thông tin, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với nhân dân.

Một phần của tài liệu Hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 81)