Nhằm đạt hiệu quả toàn diện của hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, việc cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã xa trung tâm đã được các Trung tâm tổ chức triển khai thực hiện, phù hợp với thực tiễn và khả năng tiếp cận của người dân. Từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm Cục trợ giúp pháp lý đã biên soạn, in ấn và phát hành 50 loại tờ gấp pháp luật với 700.000 tờ thông tin, cập nhật các quy định mới nhất về mọi lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, hành chính, lao động - việc làm, đất đai - nhà ở, chế độ chính sách.
Vận dụng các hình thức truyền thông linh hoạt và hiệu quả, các Trung tâm đã tổ chức biên soạn nội dung các tài liệu pháp luật này bằng tiếng các dân tộc ở địa phương, tổ chức in ấn, phát cho người dân hoặc sao băng cát xét để phát trên loa truyền thanh tại các xã ít có điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù chậm được cấp kinh phí hoặc không được Chương trình 135 giai đoạn II hỗ trợ kinh phí cho hoạt động ấn hành tờ gấp pháp luật, thu băng cát xét nhưng quá trình triển khai thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, các Trung tâm đã tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành trên 20.000.000 tờ gấp pháp luật, sao 42.000.000 băng cát xét bằng tiếng dân tộc thiểu số (Thái, H’Mông, Cơtu, Khmer...) để phát miễn phí tại các xã có nhiều người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại các địa phương đã thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật với nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức đặt hơn 12.000 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, các xã đặc biệt khó khăn thuộc các chương trình giảm nghèo; tổ chức các lớp học, các buổi nói chuyện
chuyên đề pháp luật hoặc giới thiệu các quy định của pháp luật trên loa phát thanh.... Nhiều địa phương (Bình Dương, Cà Mau...) còn xây dựng được các chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý trên báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương, qua loa truyền thanh tại thôn, xã, cụm dân cư. Những hình thức này đều nhằm đưa pháp luật đến với đông đảo người dân, đặc biệt chú trọng đến những người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn ít có điều kiện tiếp cận pháp luật.