Nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng

Một phần của tài liệu Hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 78 - 81)

thiểu số ngày càng tăng

Mặc dù đã đạt được những thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nhưng nước ta vẫn là một nước nghèo, thành tựu xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, GDP bình quân đầu người rất thấp nên tổng đầu tư của toàn xã hội cho xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, cùng với những hạn chế, những mặt chưa đạt được của việc thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra, đó là:

- Tình trạng tái nghèo còn phổ biến dưới tác động của rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi xã hội và biến động xấu của thị trường. Những đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo khi gặp những rủi ro thường dễ bị tái nghèo do chỉ mới thoát khỏi chuẩn nghèo.

- Mức chênh lệch về thu nhập giữa các vùng, các nhóm dân cư đang tăng lên sẽ là nguyên nhân đẩy tới sự bất công trong xã hội. Chênh lệch giữa các vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi với những vùng gặp khó khăn về điều kiện tự nhiên và xã hội, giữa đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số.

- Người nghèo hiện nay tập trung vào những nhóm dân cư rất đặc thù, bao gồm: những người sống ở vùng sâu, vùng xa; người dân tộc thiểu số; người dễ bị tổn thương. Việc triển khai các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo đến với nhóm này đòi hỏi phải đa dạng, phong phú.

- Nghèo đói, thu nhập thấp dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều kiện học hành của các nhóm cư dân sẽ chênh lệch nhiều, nhất là đối với các cấp học cao hơn thì sự chênh lệch càng lớn.

Chống đói nghèo là một cuộc chiến lâu dài và quyết liệt. Mặc dù đất nước ta còn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên dành nguồn lực để xóa đói giảm nghèo; đồng thời thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về việc thực hiện các chỉ tiêu thiên niên kỷ, trong đó có các chỉ tiêu về xóa đói, giảm nghèo. Để tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo, ngày 30/01/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Điều 1 Quyết định quy định về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:

- Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.

- Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.

- Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.

- Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng [21].

Mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác cho những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đồng thời, cũng là cơ sở để các địa phương ban hành chuẩn nghèo tại địa phương mình cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng không được thấp hơn chuẩn nghèo chung của cả nước.

Ngày 30/5/2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 640/QĐ-LĐTBXH phê duyệt kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2010 theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước. Kết quả cụ thể:

+ Tổng số hộ nghèo cả nước là 3.055.565 hộ, tỷ lệ 14,20%.

+ Tổng số hộ cận nghèo của cả nước là 1.612.381 hộ, tỷ lệ 7,49%. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên (50,01%), Lai Châu (46,78%), Lào Cai (43%), Hà Giang (41,8%), Sơn La (38,13%), Cao Bằng (38,06%), Tuyên Quang (34,83%), Hòa Bình (31,51%). Một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp là Hà Nội (4,97%), Bà Rịa - Vũng Tàu (4,35%), Đồng Nai (1,45%), Bình Dương (0,05%), Thành phố Hồ Chí Minh (0,01%).

Một số tỉnh, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng khá cao như: Bắc Kạn (16,93%), Hà Tĩnh (16,53%), Quảng Bình (15,62%), Hòa Bình (15,34%), Quảng Trị (15,23%), Lạng Sơn (12,64%), Sóc Trăng (14,07%).

Như vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, khoảng cách giàu nghèo tăng thêm giữa các vùng miền và giữa thành thị với nông thôn, khả năng tái nghèo vẫn còn lớn nên hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo vẫn là vấn đề có tình lâu dài đặt trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 78 - 81)