Tiếp tục thành lập, củng cố kiện toàn tất cả các Câu lạc bộ trợ giúp ở các xã nghèo

Một phần của tài liệu Hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 88)

giúp ở các xã nghèo

Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã được thành lập và tổ chức sinh hoạt tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã nghèo thuộc diện đầu tư của các chương trình giảm nghèo. Sau 04 năm triển khai hoạt động, các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng. Thông qua hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, vướng mắc pháp luật của người dân được hướng dẫn, giải đáp ngay tại cơ sở. Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đang ngày càng trở thành chỗ dựa về mặt pháp luật cho nhân dân, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tự mình giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, giảm các khiếu kiện vượt cấp góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 đã kết thúc. Vì vậy, các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập theo các chương trình giảm nghèo không có kinh phí để hoạt động. Việc tiếp tục củng cố kiện toàn và duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã được thành lập là hết sức cần thiết. Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, các địa phương cần hỗ trợ kinh phí để duy trì sinh hoạt các Câu lạc bộ này. Về phía Bộ Tư pháp, cần khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo tại các xã nghèo ngoài các xã thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý để phân bổ kinh phí kịp thời cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý duy trì hoạt động.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, cần thực hiện các hoạt động sau đây:

- Các Trung tâm trợ giúp pháp lý cần tiếp tục huy động sự tham gia của hệ thống chính trị ở cơ sở vào công tác trợ giúp pháp lý, trong đó có sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần có sự chỉ đạo sâu sát đối với chính quyền và các cơ quan, ban, ngành có liên quan ở cơ sở nhằm tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, giúp cho việc nhân rộng mô hình Câu lạc bộ, góp phần đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý trong toàn quốc.

- Nâng cao trách nhiệm của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trong việc quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Câu lạc bộ. Việc hướng dẫn thành lập các Câu lạc bộ cần tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và phải gắn liền với chính quyền cơ sở, nhất là Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Gắn hoạt động của Câu lạc bộ với hoạt động của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của địa phương. Hoạt động của Câu lạc bộ cần được xem như là một trong các phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả để từ đó có chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Câu lạc bộ từ nguồn tài chính dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương.

- Nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện làm việc và sinh hoạt Câu lạc bộ, hỗ trợ một phần kinh phí bảo đảm hoạt động cho các Câu lạc bộ. Coi Câu lạc bộ là cầu nối, là diễn đàn đối thoại để chính quyền cơ sở nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân trong địa bàn và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ từ phía Trung tâm và Chi nhánh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động của Câu lạc bộ.

- Tiếp tục đưa đội ngũ chuyên viên, cộng tác viên của Trung tâm về tham gia sinh hoạt cùng các Câu lạc bộ để định hướng nội dung, kịp thời tư vấn, hướng dẫn cho các Hội viên và người được trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc pháp luật. Coi hoạt động của Câu lạc bộ là một trong những địa chỉ để nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân ở cơ sở cũng như thực hiện việc thông tin về tổ chức và hoạt động của Trung tâm và các Chi nhánh của Trung tâm.

- Trung tâm có kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý và kỹ năng tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ cho các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng theo hướng gắn với các vụ việc, các vướng mắc pháp luật cụ thể ngay tại cộng đồng dân cư; xây dựng các tài liệu hướng dẫn các tình huống pháp lý điển hình.

- Tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm ngay tại cơ sở. Có biện pháp thu hút đội ngũ cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, có kiến thức hiểu biết pháp luật tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

- Tham mưu, đề xuất các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chế độ biểu dương, khen thưởng; thực hiện thông tin định kỳ về những Câu lạc bộ hoạt động có kết quả thiết thực; báo cáo về Bộ Tư pháp những Câu lạc bộ có hình thức sinh hoạt có chất lượng, hiệu quả để kịp thời nhân rộng trong phạm vi cả nước.

Một phần của tài liệu Hoạt động trợ giúp pháp lý các chương trình giảm nghèo (Trang 88)