h) Tỷ lệ doanh số cho vay tài trợ XNK trên tổng doanh số cho vay (%)
1.3.1.2. Chính sách về xuất nhập khẩu của Nhà nước
Để tài trợ ngoại thương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu, mỗi quốc gia đều đưa ra các chính sách ngoại thương cho phù hợp với tình hình kinh tế đất nước và thế giới. Nước ta trong mỗi thời kỳ phát triển cũng có các chiến lược và biện pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động này. Chính điều đó có ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu của các NHTM.
Chính sách xuất nhập khẩu của VN trong thời kỳ này bao gồm: chính sách mặt hàng, chính sách thị trường, chính sách thuế, chính sách tỷ giá,
chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ giá, chính sách tự do hóa và bảo hộ mậu dịch. Các chính sách này có tác dụng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng phát triển kéo theo hoạt động tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu được mở rộng và mang lại hiệu quả cao cho cả ngân hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì nếu như chính sách xuất nhập khẩu được định hướng một cách đúng đắn, phù hợp với tình hình kinh tế đất nước và tình hình biến động của khu vực và thế giới, nhất là những biến động của thị trường hàng hóa, thì nó sẽ mở ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu những khả năng và cơ hội tốt trong việc mở rộng và tiếp cận thị trường quốc tế, nhận được sự tài trợ lớn từ các ngân hàng. Các ngân hàng trong điều kiện này sẽ mở rộng được hoạt động tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu đi đôi với an toàn và hiệu quả vì hầu hết các dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp có được định hướng tốt từ phía Chính Phủ thì cơ sở đảm bảo tính khả thi cao. Như vậy chính sách đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Nhà nước có ảnh hưởng sâu, rộng và quyết định tới quy mô hiệu quả tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu của NHTM.