Thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất

Một phần của tài liệu Công ước ATA và khả năng thực thi của ngành Hải quan trong thời gian tới (Trang 72)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 thì “hàng hóa tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất - tái nhập để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định” được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, tại Điều 101 Thông tư 194/2010/TT-BTC thì:

Hàng hóa tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc như: hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, khám chữa bệnh, linh kiện phụ tùng tạm nhập được miễn thuế nhập khẩu khi tạm nhập khẩu và thuế nhập khẩu khi tái xuất khẩu đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất hoặc miễn thuế nhập khẩu khi hàng hóa tạm nhập khẩu và thuế nhập khẩu khi tái nhập khẩu đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập [5].

Trường hợp hàng hóa tạm nhập khẩu để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm ở Việt Nam có thời hạn tái xuất tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu khi tạm nhập. Nếu quá ba mươi ngày mà chưa tái xuất thì hàng hóa phải nộp thuế theo quy định.

Trường hợp hàng hóa tạm xuất khẩu để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài có thời hạn tạm xuất tối đa không quá một năm kể từ ngày hàng hóa được tạm xuất khẩu để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài thuộc đối tượng miễn thuế xuất khẩu khi tạm xuất. Nếu quá thời gian này mà chưa tái nhập thì hàng hóa phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc như hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, khám chữa bệnh, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài,…có thời hạn tạm nhập hoặc tái xuất tối đa không quá chín mươi (90) ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan tạm nhập hoặc tờ khai tạm xuất thuộc đối tượng miễn thuế. Nếu quá thời gian này nhưng hàng hóa chưa tái nhập (đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất) hoặc chưa tái xuất (đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất) thì phải nộp thuế theo quy định.

Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải do các nhà thầu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam theo phương thức tạm nhập - tái xuất để thực hiện dự án ODA tại Việt Nam, được miễn thuế nhập khẩu khi tạm nhập và thuế xuất khẩu khi tái xuất. Khi kết thúc thời hạn thi công công trình, dự án; nhà thầu nước ngoài phải tái xuất hàng hóa đã tạm nhập. Nếu không tái xuất mà thanh lý, chuyển nhượng tại Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định. Riêng đối với xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi và xe ô tô có thiết kế vừa chở người vừa chở hàng tương đương xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi không áp dụng hình thức

tạm nhập - tái xuất. Các nhà thầu nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định. Khi hoàn thành việc thi công công trình các nhà thầu nước ngoài phải tái xuất ra nước ngoài số xe đã tạm nhập và được hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp. Mức hoàn thuế được tính toán theo thời gian đã sử dụng tại Việt Nam và giá trị sử dụng còn lại của tài sản.

Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh tạm nhập - tái xuất đã nộp thuế nhập khẩu, bao gồm cả trường hợp hàng hóa nhập khẩu tái xuất vào khu phi thuế quan (để sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc xuất khẩu ra nước ngoài) được xét hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu khi tái xuất. Trường hợp hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất nếu đã thực tái xuất trong thời hạn nộp thuế thì không phải nộp thuế nhập khẩu tương ứng với số hàng hóa thực tế đã tái xuất.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập - tái xuất (trừ trường hợp đi thuê) để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất đã nộp thuế nhập khẩu, khi tái xuất ra khỏi Việt Nam hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan (để sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc tiếp tục xuất khẩu ra nước ngoài) sẽ được hoàn lại thuế nhập khẩu. Số tiền thuế nhập khẩu hoàn lại được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của máy móc, thiết bị, dụng cụ. Phương tiện vận chuyển khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam (tính từ ngày đăng ký tờ khai tạm nhập đến ngày đăng ký tờ khai tái xuất), trường hợp thực tế đã hết giá trị sử dụng thì không được hoàn lại thuế… Trường hợp các tổ chức, cá nhân nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất nhưng chưa tái xuất mà được Bộ Công thương (hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cho phép chuyển giao cho đối tượng khác tại Việt Nam tiếp tục quản lý sử dụng thì khi chuyển giao không được coi là xuất khẩu và không được hoàn lại thuế nhập khẩu, đối tượng tiếp nhận hoặc mua lại không phải

nộp thuế nhập khẩu. Đến khi thực tái xuất ra khỏi Việt Nam, đối tượng nhập khẩu ban đầu sẽ được hoàn lại thuế nhập khẩu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì hàng hóa tạm nhập - tái xuất thuộc đối tượng chịu thuế và sẽ được hoàn thuế khi tái xuất, trừ trường hợp là hàng hóa tạm nhập - tái xuất để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập - tái xuất để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định (ba mươi ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm đối với hàng hóa tạm nhập khẩu để tham dự hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở Việt Nam và chín mươi ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan tạm nhập - tái xuất đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất - tái nhập để phục vụ công việc như hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, khám chữa bệnh, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài).

Một phần của tài liệu Công ước ATA và khả năng thực thi của ngành Hải quan trong thời gian tới (Trang 72)