a) Nhóm hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất có điều kiện
- Hàng hóa là sản phẩm đông lạnh tạm nhập - tái xuất được thực hiện theo quy định tại Thông tư 21/2011/TT-BCT ngày 20/5/2011 của Bộ Công thương về quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập - tái xuất thực phẩm đông lạnh. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp có đủ ba điều kiện: (1) có kho lạnh có sức chứa tối thiểu là 100 container lạnh, 40 feet, diện tích tối thiểu là 1.500m2; (2) có tiền ký quỹ tại kho bạc là 02 tỷ đồng và (3) được Bộ Công thương cấp mã số chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tạm nhập - tái xuất hàng đông lạnh mới được hoạt động kinh doanh tạm nhập - tái xuất;
- Xăng dầu kinh doanh tạm nhập - tái xuất thực hiện theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định về kinh doanh xăng dầu; Thông tư 165/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010 và Thông tư số 126/2011/TT-BTC ngày 07/9/2011 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất xăng dầu; nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nhập khẩu nguyên liệu để gia công xuất khẩu xăng dầu. Theo đó chỉ thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu mới được tạm nhập - tái xuất xăng dầu.
b) Nhóm hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất phải có Giấy phép của Bộ Công thương
Nhóm này bao gồm các loại hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu của các Bộ chuyên ngành như: hàng tiêu dùng đã qua sử dụng; hàng hóa là quần áo đã qua sử dụng; hàng hóa là phụ tùng ô tô các loại đã qua sử dụng; hàng hóa là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng; hàng điện tử đã qua sử dụng,… Nhóm này thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 06/4/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP. Đối với hàng hóa thuộc nhóm này thủ tục hải quan được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất hàng hóa. Trong thời gian lưu tại Việt Nam hàng hóa phải lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nơi hàng đến.