Các loại hình hàng hóa tạm nhập tái xuất

Một phần của tài liệu Công ước ATA và khả năng thực thi của ngành Hải quan trong thời gian tới (Trang 51)

Theo quy định tại Điều 29 Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài thì tạm nhập - tái xuất hàng hóa được chia thành hai loại: loại thứ nhất là hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất; loại thứ hai là các hình thức tạm nhập - tái xuất khác như máy móc, thiết bị phục vụ thi công công trình, dự án đầu tư, tài sản đi thuê, cho thuê; hàng tạm nhập - tái xuất là linh kiện phụ tùng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; tạm nhập - tái xuất hàng hóa để tham dự hội chợ, triển lãm,…

Mục tiêu của thương nhân cũng như của các quốc gia là phát triển bền vững. Do đó, phần lớn các quốc gia trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa quốc tế nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - một khía cạnh quan trọng trong sự phát triển bền vững. Hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập nếu xét về bản chất thì đều mang tính thương mại, song nếu xét đến khả năng tác động đến nền kinh tế thì có hoạt động trực tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế, có hoạt động chỉ đơn thuần phục vụ cho hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế hay mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.

Để quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nói chung và hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập nói riêng, các cơ quan thường căn cứ vào mục đích là thương mại hay không mang tính thương mại. Nhưng sự phức tạp,

phong phú của các loại hàng hóa đòi hỏi phải có sự phân định các hình thức tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để có thể nhận diện được hàng hóa nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế.

Theo đó, các hình thức tạm nhập - tái xuất được chia thành các loại hình chi tiết tùy theo mục đích tạm nhập - tái xuất và tương ứng với từng loại hình đó lại có cơ chế chính sách và phương thức quản lý khác nhau, cụ thể:

- Đối với hình thức kinh doanh tạm nhập - tái xuất

Kinh doanh tạm nhập - tái xuất hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

Hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất được phép lưu lại tại Việt Nam không quá 120 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai lần cho mỗi lô hàng tạm nhập - tái xuất.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất các loại nếu thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu hoặc thuộc Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành thì khi tạm nhập - tái xuất phải xin phép tạm nhập - tái xuất của Bộ Công thương. Những trường hợp khác thương nhân trực tiếp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu, không phải xin phép Giấy phép tạm nhập - tái xuất của Bộ Công thương.

- Các hình thức tạm nhập - tái xuất khác:

+ Đối với hàng hóa là thiết bị tạm nhập tái xuất là máy móc, thiết bị phục vụ thi công công trình, dự án đầu tư, tài sản cho thuê, đi thuê thì thời hạn lưu tại Việt Nam là theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên;

+ Đối với hàng hóa là phương tiện chứa hàng hóa tạm nhập tái xuất theo phương thức quay vòng thì thời hạn lưu tại Việt Nam do doanh nghiệp đăng ký với hải quan cửa khẩu;

+ Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất bán tại cửa hàng miễn thuế thì thời hạn lưu tại Việt Nam tối đa không quá 365 ngày;

+ Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm thì thời hạn lưu tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm;

+ Hàng hóa là máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất có thời hạn thì thời hạn lưu tại Việt Nam tối đa không quá 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai;

+ Đối với hàng hóa là linh kiện, phụ tùng tạm nhập tái xuất không có hợp đồng để phục vụ việc thay thế, sửa chữa của tàu biển, tàu bay nước ngoài thì thời hạn lưu trú tại Việt Nam tối đa không quá 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Một phần của tài liệu Công ước ATA và khả năng thực thi của ngành Hải quan trong thời gian tới (Trang 51)