Tác phẩm văn học, nhân vật văn học

Một phần của tài liệu Đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai (Trang 32)

7. Cấu trúc của luận án

1.2. Tác phẩm văn học, nhân vật văn học

1.2.1. Tác phẩm văn học

Tác phẩm văn học là một loại văn bản thuộc phong cách nghệ thuật; là công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hay tập thể sáng tác nhằm phản ánh cuộc sống bằng hình tượng thông qua các thủ pháp nghệ thuật. Tác phẩm văn học có thể tồn tại dưới hình thức truyền miệng hay hình thức văn bản

được ghi lại bằng văn tự, có thể được viết bằng văn vần hoặc văn xuôi. Các tác phẩm có dung lượng rất khác nhau và có thể chia thành ba loại hình cơ bản: tác phẩm tự sự, tác phẩm trữ tình, tác phẩm kịch.

Mỗi tác phẩm văn học là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều yếu tố như chủ đề, tư tưởng, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng, v.v.. Ở những tác phẩm có giá trị, sự kết hợp hài hoà và tác động qua lại giữa các yếu tố ấy khiến tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật mang tính thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa nội dung thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật. Tính phức tạp của tác phẩm văn học không chỉ biểu hiện qua cấu trúc nội tại của bản thân nó mà còn biểu hiện qua hàng loạt quan hệ khác. Với chủ thể sáng tạo, tác phẩm là nơi ký thác, nơi khẳng định quan điểm nhân sinh, lý tưởng thẩm mỹ. Với hiện thực khách quan, tác phẩm là hình ảnh phản ánh đời sống, là tấm gương ghi giữ diện mạo lịch sử của một giai đoạn, một thời kỳ một đi không trở lại và dự báo tương lai. Với người đọc, tác phẩm là đối tượng tích cực của cảm thụ thẩm mỹ. Cố nhiên, trong thực tế, những quan hệ ấy xuyên thấm, tổng hoà với nhau một cách biện chứng và sinh động.

1.2.2. Nhân vật văn học

Nhân vật văn học là yếu tố cơ bản nhất, là hạt nhân trung tâm của mỗi tác phẩm văn học. Nhân vật là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Nhân vật văn học là thuật ngữ chỉ hình tượng nghệ thuật về con người, một dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người. Bên cạnh con người, nhân vật còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người. Nhân vật là phương thức nghệ thuật nhằm khai thác những nét thuộc tính con người, nhân vật có ý nghĩa trước hết ở các loại văn học tự sự, sân khấu, điện ảnh.

1.2.2.1. Kiểu loại nhân vật

Nhân vật trong văn học là một hiện tượng đa dạng về mặt kiểu loại. Các nhà nghiên cứu (như: Phan Cự Đệ (2001), Đỗ Văn Khang (1996), Bùi

Việt Thắng (1994) và nhiều tác giả khác) đã phân chia nhân vật văn học thành nhiều kiểu loại khác nhau: Nhân vật trong văn học dân gian khác nhân vật trong văn học viết. Nhân vật thần thoại khác nhân vật truyền thuyết và cổ tích. Xét về phương pháp sáng tác, nhân vật cổ điển khác nhân vật lãng mạn và nhân vật hiện thực. Xét về thể loại, nhân vật tự sự khác nhân vật kịch và nhân vật trữ tình. Xét về kết cấu, nhân vật chính khác nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Xét về ý thức hệ, nhân vật chính diện khác nhân vật phản diện. Xét về cấu trúc hình tượng, nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng đều có những đặc trưng khác biệt nhau. Dưới đây là một số kiểu loại cơ bản được phân biệt ở ba khía cạnh: kết cấu, ý thức hệ và cấu trúc liên quan trực tiếp đến việc phân tích lời thoại nhân vật trong luận án. - Xét về mặt cấu trúc: Dựa vào vị trí đối với nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính và nhân vật phụ, nhân vật trung tâm.

Nhân vật chính là nhân vật đóng vai trò chủ chốt giữ vị trí then chốt trong việc triển khai diễn biến của sự kiện. Nhân vật chính thường tham gia xuyên suốt, xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm. Đó cũng là nhân vật được tác giả dày công miêu tả, khắc họa, được hiện lên rõ nét, gây ấn tượng sâu đậm với người đọc. Nhưng chủ yếu nhất, nhân vật chính vẫn là nhân vật có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tập trung đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật Hai Hùng, Ba Sương (Ăn mày dĩ vãng); Sáu Nguyện, Út Thêm (Ba lần và một lần);… đều là những nhân vật chính trong tiểu thuyết Chu Lai.

Trong số những nhân vật chính của tác phẩm lại có thể có nhân vật được thể hiện đặc biệt nổi bật, có ý nghĩa tư tưởng - thẩm mỹ sâu sắc nhất, đó là nhân vật trung tâm. Nhân vật trung tâm là nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, có mối liên hệ với tất cả những nhân vật khác trong tác phẩm. Chính vì thế mà nó là nhân vật quy tụ các đầu mối mâu thuẫn của tác phẩm, là nơi thể hiện vấn đề trung tâm của tác phẩm. Nhân vật Hai Hùng (Ăn mày dĩ

vãng); Sáu Nguyện (Ba lần và một lần); Tám Linh (Vòng tròn bội bạc)… là những nhân vật như thế.

Bên cạnh các nhân vật chính là các nhân vật phụ. Đó là những nhân vật ít xuất hiện trong tác phẩm, đóng vai trò thứ yếu trong việc triển khai đề tài và biểu hiện tư tưởng tác phẩm. Nhân vật phụ là nhân vật ít được mô tả, không được chú trọng miêu tả nhưng lại không thể thiếu vì nó có vai trò “giăng nối” các đầu mối quan hệ, bổ sung và hỗ trợ về nhiều mặt kể cả hình thức và nội dung tác phẩm. Nhân vật phụ có thể góp phần thể hiện chủ đề, tư tưởng cũng như làm nổi bật tính cách nhân vật chính trong tác phẩm.

Sự hiện diện của nhân vật phụ trong tác phẩm có hai mức độ: ít được mô tả và hầu như không được mô tả. Ví dụ trong Ăn mày dĩ vãng ngoài nhân vật Hai Hùng, Ba Sương còn có các nhân vật như Tường, Hai Hợi, Tám Tính… Trong Ba lần và một lần ngoài Sáu Nguyện, Tư Chao, Út Thêm còn có Ba Đẩu, Lan Thanh, Nguyện… là nhân vật phụ trong tác phẩm.

- Về mặt ý thức hệ: Dựa vào đặc điểm của tính cách, mối quan hệ với tư tưởng tác giả và lý tưởng của thời đại, các nhân vật lại có thể chia ra nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Thực ra cơ sở xã hội của hai loại nhân vật này suy cho cùng là dựa trên những mâu thuẫn đối kháng, trên cơ sở đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng trong xã hội.

Nhân vật chính diện là nhân vật mang tư tưởng, quan điểm tư tưởng và đạo đức tốt đẹp của tác giả, của thời đại và được tác giả đề cao, khẳng định, trái lại, nhân vật phản diện lại mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo đức, lý tưởng, đáng lên án và phủ định.

Việc phân biệt nhân vật chính diện và nhân vật phản diện đã có lịch sử lâu đời. Có những thể loại nói chung chuyên viết về nhân vật chính diện như tụng ca, sử thi, bi kịch. Lại có những thể loại chuyên viết về nhân vật phản diện như thơ châm biếm, truyện cười và hài kịch.

Khái niệm “nhân vật chính diện” và “nhân vật phản diện” là những khái niệm thuộc phạm trù lịch sử, chúng tương ứng với khuynh hướng xã hội

và quan niệm đạo đức của từng thời đại. Nhân vật chính diện của thời đại nào thì mang lý tưởng thẩm mỹ và lý tưởng xã hội của thời đại đó.

Tiểu thuyết Chu Lai thường hướng tới khám phá con người ở góc độ thế sự đời tư với nhiều mặt khác nhau trong một con người. Có tốt, xấu, có cao cả, thấp hèn, có yếu mềm, anh dũng. Con người trong văn học sau 1975 ít khi toàn diện, toàn mỹ theo hướng lý tưởng hóa và cũng thật khó chứng minh rằng trong tác phẩm một nhân vật nào đó lại đại diện cho tư tưởng thẩm mỹ, lý tưởng thời đại của nhà văn.

- Dựa vào cấu trúc hình tượng, người ta có thể chia nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng.

Nhân vật chức năng: là loại nhân vật xuất hiện để thực hiện một số chức năng nào đó. Loại nhân vật này thường có đặc điểm, tính cách ổn định với những phẩm chất cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối. Nhân vật chức năng thông thường chỉ xuất hiện trong văn học dân gian, văn học cổ, văn học trung đại như: Tiên, Bụt, Thần xuất hiện để giúp đỡ người tốt, thử thách con người, ban phát hạnh phúc; yêu tinh, phù thủy để hãm hại người lành, gieo rắc cái ác, hiểm nguy; các vai trung để thực hiện đạo lý, cương trực; vai nịnh gièm pha, phản trắc…

Nhân vật loại hình: là loại nhân vật thể hiện tập trung các phẩm chất xã hội, đạo đức của một loại người nhất định của một thời. Đó là nhân vật nhằm khái quát cái chung về loại của các tính cách và nhờ vậy được gọi là điển hình. Loại nhân vật này bao giờ cũng có một số phẩm chất loại biệt về mặt xã hội được nêu bật hơn hẳn các tính chất khác. Dĩ nhiên nhân vật điển hình loại, như mọi nhân vật văn học khác, đòi hỏi một cá tính nhất định, được thể hiện một cách sinh động qua các chi tiết cụ thể, chân thực. Nhân vật loại hình thường xuất hiện nhiều trong các trào lưu văn học cổ điển Acpagông, Tactuyp, Giuốcđanh của Môlie là những nhân vật như thế…

Nhân vật tính cách: Nhân vật tính cách thường xuất hiện trong văn học hiện đại, là loại nhân vật có cá tính nổi bật, được xây dựng cụ thể, sinh động

như con người thực ngoài cuộc đời. Khái niệm tính cách ở đây được dùng để chỉ một loại nhân vật được mô tả như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Nhân vật tính cách thường có nhưng mâu thuẫn nội tại, những nghịch lý, những chuyển hóa và chính vì vậy, tính cách thường có một quá trình tự phát triển và nhân vật không đồng nhất giản đơn vào chính nó. Trong nhân vật tính cách có tất cả những mâu thuẫn của một dòng đời đang vận động, không tĩnh tại mà luôn luôn thay đổi, phát triển. Hạt nhân của nhân vật tính cách là cá tính. Đó là “con người này” cụ thể, độc đáo, cá biệt nhưng xét từ góc độ nào đó, trong những mối tương quan nào đó lại mang giá trị và ý nghĩa phổ biến chung.

Nhân vật tư tưởng là nhân vật có tư tưởng, nhân cách nhưng cơ bản của nó là hiện thân của ý thức, một tư tưởng đang diễn ra trong đời sống. Chẳng hạn như Giăng Vangiăng, Giave của Huygô, A.Q của Lỗ Tấn… Trong sáng tác, loại nhân vật này dễ rơi vào công thức, minh họa, trở thành cái loa tư tưởng của tác giả.

Tất cả các loại hình nhân vật trên, sự phân biệt trên chỉ mang tính chất tương đối, nó nhằm nhấn mạnh nét trội, nét đặc trưng cơ bản của một nhân vật nào đó. Ranh giới phân chia giữa các nhân vật không phải lúc nào cũng rạch ròi. Đặc biệt càng về sau này, văn học hướng tới việc thể hiện con người chân thực, sinh động, đa chiều hơn.

1.2.2.2. Nhân vật tiểu thuyết

Nếu ví ngôn ngữ là cái áo của tư tưởng thì nhân vật là hình thù con người mặc cái áo ấy. Nhân vật là những con người cụ thể, được miêu tả trong tác phẩm văn học, thể hiện qua từ xưng hô, qua lời kể của tác giả. Trong hội thoại, nhân vật đưa ra nội dung lời thoại, chọn từ xưng hô phù hợp, đặt mình vào mối quan hệ trao đáp, lựa chọn các yếu tố tình thái… thể hiện thái độ, tình cảm, xử lý các tình huống hội thoại.

Trong tiểu thuyết, các lời trao đáp được hình thành do sự vận động trao lời và đáp lời của nhân vật. Mỗi tác phẩm tiểu thuyết có hệ thống nhân vật

phong phú với mối quan hệ đan xen nhiều chiều và các tình tiết của tiểu thuyết đều xoay xung quanh số phận của các nhân vật này. Phần đầu của tác phẩm bao giờ cũng là bối cảnh không gian, thời gian cụ thể với những tình tiết mở vào cốt truyện. Nhân vật tiểu thuyết không phải là một “con người

được kể ra như một hình tượng khối lượng, toàn vẹn, có thực và tạo hình

(Thômat Mann) mà là rất nhiều nhân vật với tính cách, số phận, tư tưởng khác nhau thậm chí trái chiều nhau tạo nên hai thế giới đối lập trong truyện như: tốt - xấu, chính nghĩa - phi nghĩa, v.v.. Tính cách, tâm lý của nhân vật được thể hiện qua lời thoại và dẫn thoại cùng các yếu tố khác như không gian, thời gian, v.v.. Mỗi lời thoại của nhân vật được đặt trong một ngữ cảnh khác nhau nhằm tô đậm diễn biến truyện cũng như nhân vật. Điều đó cho thấy, mỗi lời thoại phải nằm trong một hệ thống đảm bảo tính logic trong sự phát triển tính cách nhân vật. Giá trị của nhân vật không chỉ nằm trong tác phẩm mà còn có sức lan tỏa, khái quát cho một hình mẫu nào đó trong một thời kỳ văn học. Từ đó cho thấy nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét khuynh hướng sáng tác của nhà văn.

Tiểu thuyết Chu Lai với chất thế sự đậm đặc như minh chứng cho sự thay đổi quan niệm sáng tác của văn học sau 1975. Những cách tân về phương diện tiểu thuyết gắn với những thay đổi trong quan niệm về con người trong thời đại mới. M.Bakhtin đã từng viết, trong tiểu thuyết “nhân vật không tương hợp với số phận và vị thế của nó. Con người hoặc cao lớn hơn thân

phận mình, hoặc nhỏ bé hơn tính cách của mình” [3, tr.27], tức là không có

những tính cách nguyên phiến. Con người hiện ra với tất cả các mặt tốt xấu, người tốt có thể trở thành kẻ xấu và ngược lại, thiên thần và ác quỷ đều có thể tồn tại trong một con người. Đặc điểm nổi bật nhất, mang tính đặc thù nhất của nhân vật tiểu thuyết – như Từ điển thuật ngữ văn học xác định - là “con người nếm trải”, tư duy, chịu đau khổ, dằn vặt của cuộc đời (nhân vật của sử

thi, nhân vật kịch, nhân vật truyện trung cổ dường như không mang đặc điểm này). Tiểu thuyết miêu tả nhân vật như “con người đang biến đổi trong hoàn cảnh, con người đang trưởng thành do cuộc đời dạy bảo”...

1.3. Giới thiệu tác giả và tác phẩm Chu Lai1.3.1. Nhà văn Chu Lai 1.3.1. Nhà văn Chu Lai

Chu Lai tên khai sinh là Chu Ân Lai, họ tên đầy đủ là Chu Văn Lai, sinh ngày 05- 02- 1946. Quê ông ở thôn Tam Nông, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn học, cha là nhà viết kịch nổi tiếng Học Phi. Bản thân ông cũng sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Gia đình ông chuyển lên Hà Nội sinh sống từ những ngày ông còn nhỏ. Vì thế, nếu như mảnh đất Hưng Yên ngọt ngào, bình yên đã cho ông ký ức đẹp về quê hương, làng mạc, thì Thủ đô Hà Nội tạo cho ông cốt cách lịch lãm, tài hoa của người con đất kinh thành.

Chu Lai tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới học hết năm thứ nhất đại học. Thời kỳ đầu của quân ngũ, Chu Lai được điều về làm diễn viên Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Sau đó ông ra chiến trường trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau đó, ông chuyển về đơn vị đặc công chiến đấu ở vùng ven Sài Gòn trong những ngày gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mười năm ở đơn vị đặc công, Chu Lai giữ chức đại đội trưởng đại đội trinh sát chiến đấu cho đến ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 1975, ông về làm trợ lý tuyên huấn Quân khu VII. Cuối năm 1976, ông về trại sáng tác văn học Tổng cục Chính trị, sau đó đi học lớp khoá I của trường viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp trường viết văn, ông về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w