7. Cấu trúc của luận án
1.1.3. Các dạng thức hội thoại
Qua khảo sát và thống kê tiểu thuyết Chu Lai, chúng tôi nhận thấy, ngôn ngữ của tác giả sử dụng nhiều dạng thức hội thoại như đơn thoại, song thoại, tam thoại, đa thoại, trong đó, song thoại xuất hiện và chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Cụ thể, các dạng hội thoại được thể hiện:
1.1.3.1. Đơn thoại
Là lời thoại của một nhân vật phát ra hướng đến người nghe nhưng không có lời đáp trực tiếp. Việc tiếp nhận nội dung lời thoại được phản hồi bằng hành động thể hiện hay cử chỉ không được tác giả mô tả thành lời.
Dạng đơn thoại biểu hiện rõ nhất ở kiểu lời trần thuật của nhân vật, có nghĩa là, lời nói của nhân vật có xen kẽ một yếu tố kể của mình, của người.
Thấp thỏm chưa thật tin vào cái nhận xét còn mang màu sắc võ đoán ấy, tôi hạ nòng bắn thẳng một loạt đạn ria:
- Bà không phải là một cái gì hết. Đúng thế. Bởi vì bà chính là Ba Sương. Y tá Ba Sương! Xã đội trưởng Ba Sương của ba xã vùng hạ lưu sông Sài Gòn cách đây hai mươi năm.
Lạnh lẽo, tôi bồi tiếp một loạt nữa:
- Bà có muốn nhận bà là Ba Sương hay không. Tuỳ! Đó là quyền của bà. Nhưng tôi, tôi lại cần phải biết tại sao... [XIII, tr.234].
Giữa những lời dẫn thoại “bắn thẳng một loạt đạn ria”, “lạnh lẽo, tôi bồi tiếp một loạt nữa” là “một thoáng xao động vút rất nhanh trong đôi mắt mở to, một chút chuyển màu trên đôi môi không son phấn, một chút rung giật
ở gò má phơn phớt hồng” của người đàn bà chối bỏ quá khứ - Ba Sương.
Thông thường, dạng đơn thoại là vắng lời đáp, mỗi nhân vật tự đeo đuổi một ý nghĩ riêng của mình nhưng đều tuân theo một logic. Ở nhân vật Hai Hùng, sự dồn đuổi đến tận cùng để tìm ra sự thật về người con gái anh yêu đã chết đau đớn trong trận càn của địch mà anh là người chứng kiến. Còn ở Ba Sương, sự ngây ngất trong vầng hào quang giả dối đã khiến cô quay lưng với tất cả kỷ niệm xưa. Sự im lặng của Ba Sương trong đoạn thoại trên có tác động sâu sắc đến nội dung phát ngôn của nhân vật Hai Hùng.
1.1.3.2. Song thoại
Đây là dạng thoại chủ yếu và được quan tâm nhiều nhất trong lý thuyết hội thoại. Theo Nguyễn Đức Dân: “Nếu không có chú thích gì đặc biệt thì thuật ngữ hội thoại được hiểu là song thoại” [32, tr.77]. Song thoại là lời của người trao hướng đến người nghe và có sự đối đáp bằng hành vi ngôn ngữ. Chúng tôi gọi là hành vi trao lời và hành vi đáp lời. Ở dạng thoại này, nhân vật trực tiếp đưa lời nói của mình vào hội thoại, bảo đảm yếu tố lời trao và lời đáp của nhân vật, bảo đảm nguyên tắc luân phiên lượt lời hội thoại.
Kính râm đen rầm, ria mép đen nhức, bắp tay xoắn bện như xoắn thừng, anh ta tiến đến, hất mặt hỏi rất hỗn:
- Có gì không mấy anh?
- Không... Không có gì. Đứng hóng mát thôi - Ông trưởng phòng lúng túng trả lời.
- Hóng mát thì mời đi chỗ khác. Chỗ này vừa thi công xong, nóng thấy mẹ, có gì mà mát. Rảnh việc! [XV, tr.255].
Ở dạng song thoại, có thể không có lời dẫn và từ dẫn mà được biểu hiện bằng dấu hình thức “gạch ngang đầu dòng”.
- Kìa... Đừng anh! Em sợ...
- Sợ cái gì nữa cơ chứ? Chúng mình chả đã từng gần nhau... cho nhau hết một lần rồi ư?
- Chính vì thế mà em biết anh không thương em.
- Tầm bậy nào! Không thương mà tối tăm, mưa gió thế này, anh bỏ cả văn phòng giám đốc, bỏ cả vợ con xuống đây chỉ cốt được gặp em à?... Im! Ngoan nào...Cho anh lần nữa nhé!
- Kìa! Đừng làm thế! Đứt hết khuy áo bây giờ... đấy, đứt rồi! Bỏ ra đi! Em không đùa đâu!
- Ai đùa! Em ác lắm!... Em có biết rằng mấy tuần nay... không lúc nào anh không mơ tưởng về em...Về bộ ngực...về thân thể nóng rực của em. Anh... thèm em.
- Không được! Dơ hết quần áo bây giờ... Kìa, dơ!
- Dơ, anh đền cho một trăm bộ, một ngàn bộ khác... Ôm anh đi! Ôm chặt vào... Ôi! Ngực em ấm quá... Bộ ngực trinh nữ của em... Cả cặp đùi nữa! Anh chưa từng thấy ai có cặp đùi tròn và rắn như thế này...
- Ái đau... Cắn đau thế!
- Anh xin lỗi! Tại em đấy. Ai bảo em cứ ngon như một khúc giò. Nào! Mở chân ra một chút đi! Anh xin...
- Không... [XVI, tr.118].
Tuy không có lời dẫn và từ dẫn nhưng người đọc vẫn hình dung được thái độ, tình cảm, hành động của nhân vật trong cuộc thoại trên. Đây là nhân vật được tạo nên từ cái nhập nhằng, nhá nhem giữa bóng tối và ánh sáng. Bề ngoài thì lịch sự, hiểu biết nhưng bên trong lại là một tâm địa vô cùng đen tối, đểu giả ngay cả trong quan hệ tình cảm.
Ở dạng song thoại còn xuất hiện xen độc thoại như là một hình thức để nhân vật bộc lộ suy nghĩ thầm kín của mình hơn nữa trong dụng ý của tác giả:
- Sinh nhật tôi? - Chị tròn mắt rồi chợt nhớ và phá lên cười, cái cười còn trẻ trung lắm - Chết thật! Năm nào cũng không nhớ và năm nào cũng được Hoàng tặng hoa, kể từ ngày còn ở Hà Nội. Cám ơn! - Chị lúng túng nhận bó hoa, không dấu được một chút cảm động ánh lên trong mắt - Cám ơn nhiều lắm! [XV, tr.336].
Song thoại là dạng thức hội thoại cơ bản của lý thuyết hội thoại và cùng là dạng thoại xuất hiện chủ yếu trong ngôn ngữ hội thoại tiểu thuyết.
1.1.3.3. Tam thoại
Tam thoại là dạng thoại xuất hiện khi có ba nhân vật giao tiếp cùng một chủ đề, một không gian và cùng một thời điểm. Ở mọi cuộc trao đổi, giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong văn chương luôn xảy ra hiện tượng có hơn hai nhân vật giao tiếp trở lên. Ở hình thức giao tiếp này có thể quy về dạng tam thoại. Trong tiểu thuyết Chu Lai, dạng thức hội thoại này khá nhiều, điều đó cũng thể hiện mối quan hệ đan xen nhiều chiều, phức tạp giữa các nhân vật tiểu thuyết.
Anh vụt đứng dậy, móc hộp quẹt Zipo Mỹ còn giữ được, quẹt vào giữa mặt kẻ dâm tặc, giọng rung lên vì giận:
- Bỏ cô ấy ra! Làm thằng đàn ông như vậy là rất nhục!
- Nhục kệ cha tao! - Sau phút quếnh quáng trước quầng sáng lửa, gã lấy lại giọng hách dịch - Mày là thằng nào? Mày chui ở xó nào ra thế? Định giở trò rình rập hả? Đội mấy, nói!
Không thèm trả lời, anh quay lại phía cô gái lúc này đang cuống cuồng bận lại áo xống:
- Cô về đi! Đối với loại đàn ông chó dái này, cô nên hết sức cẩn thận... [XV, tr.119].
Ở đoạn thoại này có ba nhân vật giao tiếp: cô gái, gã, anh. Khi nhân vật
gã hướng câu hỏi liên tiếp đến nhân vật anh nhưng câu trả lời không xuất hiện mà câu trao lại hướng đến nhân vật thứ ba là cô gái.
Cả trường hợp hai lời trao cùng hướng đến vai nhận, dẫn đến thoại căng thẳng theo tình tiết truyện.
- Nổ đi! Mày có thể nâng súng lên mà nổ được rồi đấy - Năm Thành
gượng đứng dậy, mặt chuyển màu tái nhợt - Tao biết trước...
Câu nói ấy đánh thốc vào mặt Sáu Nguyện như một cành trà gai. Khẩu súng anh vừa đưa lên lại hạ thấp dần xuống. Cùng lúc đó, Tư Chao từ trong phòng chạy ào ra, gần như quỳ xuống chân anh, giọng nghẹn tắc:
- Đừng... Đừng bắn! Không phải...- Nói đến đây, giọng chị ta nấc lên, nước mắt trào ra - Em chỉ thương nó... Nó đã biết gì đâu...
- Nó nào? - Sáu Nguyện gạt mạnh cánh tay mảnh dẻ đang cố bám lấy mình - Nó là ai?
- Con em... [XV, tr.71]. 1.1.3.4. Đa thoại
Đa thoại là lời của nhiều nhân vật đan xen vào nhau trong một ngữ cảnh hội thoại cụ thể; chúng tôi gọi đây là lời của đám đông (nhân vật). Sử dụng dạng thức đa thoại là sự sắp đặt đầy dụng ý của tác giả.
Tiếng cười âm u, tiếng thở dài nhớt nhát, tiếng nói lạnh lẽo úp chụp, đậu lên vai, luồn vào tóc, chui cả vào ngực nhồn nhột, không mùi không vị: “Thủ trưởng ôi! Thủ trưởng đi đâu đấy? Có nhận ra chúng tôi không? Có nhớ chúng tôi không...” Tôi càng đi nhanh. Cái bóng của Viên vượt lên, hơi thở ram ráp liếm vào tai tôi: “Anh quên em rồi sao anh Hai?...”. Bóng Viên biến mất, cái bóng của Bảo thay thế, cũng hơi thở ram ráp: “Sao lại chôn vội thế thủ trưởng ơi!..”. Cái bóng của Khiên xồ tới, tanh nồng và rách rưới: “Anh khỏi áy náy... [XIII, tr.156].
Hay đoạn thoại trong một buổi sáng đình công ở nhà máy:
- Thế cánh chủ thợ họ trả lời thế nào mấy anh? - Sáu Nguyện hỏi. - Trả lời cái mẹ gì! - Một người quật con bài đánh chát xuống mặt bàn - Tất nhiên là đổ cho con nhỏ...
- Thật tội cho cô ấy - Người khác chêm vào với giọng từ tốn hơn - Mẹ thì già, bố lâm trọng bệnh...
- Giúp!- Người nữ lại dằn giọng - Giúp thì dễ quá...? [XV, tr.236, 237]. Dạng thức đa thoại trong lý thuyết hội thoại đã xác định số lượng nhân vật tham gia vào hội thoại: đám đông nhân vật, mà ở đó nhân vật được miêu tả rõ nét nó nằm trong hệ thống nào, chỉ biết rằng nó xuất hiện cùng với lượt lời để có thể nhận ra có nhân vật ấy trong đám đông ấy. Trong tiểu thuyết Chu Lai, hình thức đa thoại không được sử dụng nhiều.
Tóm lại, trên cơ sở trình bày những vấn đề chung về hội thoại, có thể dẫn ý kiến của Đỗ Hữu Châu làm định nghĩa khái niệm này:“Hội thoại là hoạt động giao tiếp căn bản, thường xuyên, phổ biến của sự hành chức ngôn ngữ. Các hình thức hành chức khác của ngôn ngữ đều được giải thích dựa vào hoạt động căn bản này... Vấn đề phải nghiên cứu sự hành chức của những cặp trả lời như cặp hỏi/trả lời theo một quan điểm hội thoại, tức trong
sự đối đáp của các nhân vật giao tiếp trong một hoàn cảnh nhất định ” [20,
tr.276, 267].