KẾT HÔN VỚI NGƢỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 60)

Sức khỏe của hai bên nam nữ là yếu tố quan trọng quyết định đến sự lành mạnh của nòi giống, thể lực, sức khỏe của con cái đồng thời cũng là yếu tố hết sức cần thiết để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Pháp luật về hôn nhân và gia đình ở mọi chế độ xã hội đều quy định những điều kiện về sức khỏe của người kết hôn. Tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 quy định về những trường hợp cấm kết hôn đã nêu rõ: cấm những người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn. Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2005 và hướng dẫn tại điểm c.2 mục 1 Nghị quyết số 02/2000/NĐ- HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 thì người mất năng lực hành vi dân sự được hiểu là người: "do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình" [44] do đó mất đi khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Quy định hạn chế quyền kết hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự còn là một quy định xuất phát từ nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự năm 2005 "Mọi giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự do người đại diện theo pháp luật xác lập và thực hiện" [31]. Và kết hôn lại là một quyền nhân thân gắn liền với bản thân mỗi con người mà không thể chuyển giao, do vậy không thể có trường hợp người đại diện theo pháp luật kết hôn thay cho người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Khi đã xác lập quan hệ hôn nhân, một trong những "hậu quả pháp lý" của nó sẽ là việc pháp luật đưa ra những quy định nhằm ràng buộc các bên: những quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái, giữa gia đình và xã hội. Như vậy, sau khi kết hôn, các bên nam nữ phải thực hiện những nghĩa vụ đối với vợ, chồng mình, đối với các con. Mà một người bị mắc bệnh tâm thần, đến việc thực hiện những sinh hoạt phục

vụ bản thân còn không tự mình làm được thì sao có thể thực hiện những nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người khác, không thể làm tròn bổn phận của người vợ, người chồng, người cha, người mẹ trong gia đình. Do vậy, nếu họ kết hôn sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người vợ, chồng và con cái họ. Mặt khác, một trong những điều kiện kết hôn đầu tiên được nhắc đến đó là yếu tố tự nguyện. Đó là việc các bên phải tự mình bày tỏ ý chí, nguyện vọng muốn kết hôn với bên kia. Nhưng những người mất năng lực hành vi dân sự thì lại không có khả năng thể hiện ý chí của mình một cách đúng đắn, do đó không thể đánh giá sự tự nguyện của họ.

Như vậy, có thể nói quy định cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn là một quy định hết sức cần thiết, phù hợp với quy luật tự nhiên của quan hệ hôn nhân, đảm bảo hạnh phúc thực sự của gia đình. Hơn nữa căn cứ vào những nghiên cứu khoa học ngày nay cho thấy bệnh tâm thần là một loại bệnh có tính di truyền, do đó cần thiết phải cấm những người này kết hôn để đảm bảo cho giống nòi được phát triển một cách bình thường, đảm bảo cho sức sống cho một thế hệ cũng chính là đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội. Một người được xác định là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án được lấy làm căn cứ để các cơ quan tiến hành đăng ký kết hôn từ chối đăng ký kết hôn cho những người mất năng lực hành vi dân sự. Quy định như vậy thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của pháp luật xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đương sự. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những phân tích trên lý thuyết, thực tế cuộc sống vẫn tồn tại rất nhiều những trường hợp phức tạp mà pháp luật chưa thể điều chỉnh một cách triệt để. Ví dụ: một người có những biểu hiện rõ ràng về chứng tâm thần, không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, nhưng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lại không làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự. Điều này rất phổ biết trên thực tế, hàng năm tại Bệnh viện tâm thần Trung ương và bệnh viện tâm

thần Hà Nội tiếp nhận hơn 4000 trường hợp khám và điều trị, trong đó đa số là bệnh tâm thần thể paranoit mãn tính, mất khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi, nhưng con số mà các Tòa án trên địa bàn thành phố Hà nội thụ lý việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự lại chỉ khoảng 250 yêu cầu. Như vậy, chỉ những người nào mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức mà bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật thì người đó mới là mất năng lực hành vi dân sự và rơi vào trường hợp cấm kết hôn. Vậy sẽ xử lý như thế nào đối với những trường hợp mặc dù biết một người bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng người kia vẫn tự nguyện, mong muốn kết hôn. Xuất phát từ tình yêu thương chân thành, sự gắn bó sâu sắc, tự nguyện nhận thiệt thòi về mình để mong bù đắp cho người kia. Bởi suy cho cùng, những người mất năng lực hành vi dân sự cũng là những nạn nhân, hơn ai hết họ là những người cần được yêu thương, chăm sóc và lo lắng không chỉ từ xã hội mà từ mỗi gia đình, mỗi người thân yêu bên cạnh. Đây chính là một vấn đề nhân đạo mà thực tiễn cuộc sống đã đặt ra mà pháp luật cần phải giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý.

Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986 cũng đã quy định về vấn đề này, cụ thể tại Điều 7 về những trường hợp cấm kết hôn đã chỉ rõ: "Cấm những người đang mắc bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức được hành vi của mình; đang mắc bệnh hoa liễu" [26]. Tại thời điểm đó, các nhà làm luật xác định rằng hoa liễu là một bệnh lây, khó chữa nên người bị mắc bệnh này không thể kết hôn để đám bảo cho sức khỏe của vợ chồng và con cái họ. Khi Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 ra đời, sau mười bốn năm khi mà những thành tựu về khoa học kỹ thuật đã có nhiều bước tiến, cũng như sự phát triển nhanh chóng về điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị nên vấn đề về điều kiện sức khỏe của cá nhân khi kết hôn cũng đã có những thay đổi. Về bệnh hoa liễu, y học ngày nay đã chứng minh rằng đó là một căn bệnh có thể chữa khỏi, do đó đã bỏ quy định về cấm người mắc bệnh hoa liễu kết hôn. Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm

2000 cũng một lần nữa thống nhất với các văn bản khác và đưa ra quy định không đưa người mắc bệnh HIV vào những trường hợp cấm kết hôn. Điều đó không chỉ xuất phát từ bản chất của nhân quyền, những người mắc bệnh HIV không có nghĩa là họ không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, không thực hiện được các chức năng, vai trò của những người chồng, người cha trong xã hội. Mà nó còn xuất phát từ những nguyên nhân khách quan sau:

Trước hết, có thể nhận thấy đối với loại bệnh này là loại bệnh do vi rút gây ra, có thời gian ủ bệnh khá lâu, chỉ có thể phát hiện sớm bằng phương pháp xét nghiệm vi rút HIV trong máu. Trong khi đó, pháp lệnh phòng chống nhiễm vi rút HIV gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người thì việc đi xét nghiệm là hoàn toàn tự nguyện, không ai có thể bắt buộc người khác xét nghiệm trái với ý muốn của họ. Do đó, đến ngay chính bản thân người bệnh cũng có khi không biết mình bị căn bệnh này hay bị từ lúc nào. Chính vì không có khả năng nhận biết được bệnh nên họ có thể kết hôn với người khác mà pháp luật dù có cấm cũng không có khả năng ngăn chặn.

Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến, đó là pháp luật chỉ có thể cấm những người nhiễm vi rút HIV kết hôn với người khác mà không thể cấm họ quan hệ tình dục với người khác. Vậy nếu như họ không biết về tình trạng bệnh của mình mà vẫn quan hệ và lây truyền cho người khác thì quy định cấm người bị nhiễm vi rút HIV kết hôn sẽ không đạt được kết quả.

Một nguyên nhân nữa có thể kể đến đó là ngày nay y học phát triển, họ có các biện pháp phòng ngừa và đã chứng minh được rằng người bị nhiễm HIV vẫn có khả năng sinh con khỏe mạnh bình thường. Trong khi nếu bên kia dù biết mà vẫn tình nguyện chung sống, mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ người bệnh thì pháp luật không thể tước đi của họ quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 60)