Quan hệ hôn nhân dù là hôn nhân trái pháp luật đi nữa thì cũng đều làm phát sinh những quan hệ về nhân thân, tải sản giữa cha mẹ và con. Vậy khi một quan hệ hôn nhân trái pháp luật và bị Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật đó sẽ kéo theo những hậu quả pháp lý nhất định xung quanh việc giải quyết những mối quan hệ nhân thân, tài sản trên.
Trước hết về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, khoản 1 Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định rõ: Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. quan hệ vợ chồng cua họ từ trước đến nay là quan hệ trái pháp luật, không được pháp luật thừa nhận. Và khi Tòa án đã chính thức tuyên bố sự không thừa nhận đó bằng một quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật thì có nghĩa
là giữa họ coi như chưa từng có quan hệ vợ chồng. Nếu đang chung sống thì họ phải chấm dứt ngay việc chung sống trái pháp luật đó. Về vấn đề này, những quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 còn một số điểm mâu thuẫn, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Liên quan đến hậu quả pháp lý về nhân thân, tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định "căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan đăng ký kết hôn xóa đăng ký kết hôn trong sổ đăng ký kết hôn" [28]. Dựa trên ngôn từ như vậy, dễ dàng dẫn đến cách hiểu là quan hệ vợ chồng chỉ bị chấm dứt kể từ ngày án văn quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật có hiệu lực hoặc kể từ ngày việc đăng ký kết hôn bị xóa chứ không có tác dụng làm mất hiệu lực các quan hệ gọi là hôn nhân trong khoảng thời gian giữa ngày đăng ký kết hôn và ngày quyết định hủy kết hôn có hiệu lực. Nếu hiểu như vậy thì sẽ không đúng với bản chất của việc hủy kết hôn trái pháp luật. Bởi bản chất của hủy việc kết hôn trái pháp luật chính là việc không công nhận một quan hệ hôn nhân được xác lập từ trước, hủy bỏ một hành vi vô hiệu do vi phạm những điều kiện kết hôn chứ không phải là chấm dứt hành vi đó.
Về quan hệ tài sản sẽ được xử lý như quan hệ sở hữu chung theo phần. Bởi trong thời gian chung sống vì họ không được công nhận là vợ chồng nên tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân không được xác định là tài sản chung hợp nhất. Do đó, khi hủy việc kết hôn trái pháp luật, việc giải quyết về tài sản không thể theo nguyên tắc chia đôi như khi ly hôn. Phân chia tài sản khi hủy việc kết hôn trái pháp luật sẽ theo nguyên tắc sau: Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con. Đây là một điểm mới trong những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Sự phân chia về tài sản mặc dù không theo nguyên tắc phân chia của sở hữu chung hợp nhất nhưng những quyền ưu tiên như ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của
phụ nữ và con, nghĩa vụ chứng minh tài sản nếu coi đó là tài sản riêng hay xem xét đến công sức đóng góp của mỗi bên vẫn là những quy định mang tính khuôn mẫu của Luật Hôn nhân và gia đình.
Quan hệ giữa cha mẹ và con khi bị hủy việc kết hôn trái pháp luật không hề thay đổi, bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha mẹ có hợp pháp hay không hợp pháp, còn tồn tại hay chấm dứt. Khoản 2 Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn. Vì vậy, những người kết hôn trái pháp luật không phải là vợ chồng của nhau nhưng vẫn là cha, mẹ của các con chung. Sau khi hủy việc kết hôn trái pháp luật và phân chia tài sản cho mỗi bên, cần bảo vệ quyền và lợi ích của con chung, đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất của trẻ nhỏ. Về quyền thừa kế giữa vợ và chồng đương nhiên sau khi có quyết định hủy kết hôn trái pháp luật của Tòa án sẽ không còn được thừa nhận và bảo hộ do quan hệ vợ chồng đã chấm dứt. Nhưng đối với quyền thừa kế của các con đối với cha mẹ và ngược lại thì vẫn có giá trị pháp lý.
Ngoài những hậu quả về nhân thân và tài sản kể trên, nếu như hành vi kết hôn trái pháp luật còn cấu thành tội phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu chưa đến mức độ chịu trách nhiệm hình sự thì còn có thể bị phạt hành chính theo quy định của Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Chương 3