THỰC TRẠNG KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT DO VI PHẠM ĐỘ TUỔI KẾT HÔN

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 42)

TUỔI KẾT HÔN

Độ tuổi là một trong số những điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 với nội dung như sau: "Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên" [28]. Trải qua những lần sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình, cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội, sự thay đổi trong tâm sinh lý của mỗi cá nhân, độ tuổi kết hôn,

cách tính độ tuổi kết hôn cũng đã có những thay đổi nhất định. Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 thì nam không bắt buộc phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn; do đó, nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về độ tuổi.

Để có thể đưa ra một độ tuổi nhất định của nam, nữ là căn cứ để xác định điều kiện kết hôn, các nhà lập pháp đã phải nghiên cứu và có cái nhìn toàn diện trên rất nhiều các lĩnh vực và dựa trên rất nhiều các yếu tố. Yếu tố về tâm sinh lý, về truyền thống, về văn hóa, đạo đức của con người Việt Nam để có thể có những quy định về tuổi kết hôn một cách hợp lý. Đảm bảo rằng, khi đạt đến độ tuổi đó, hai bên đã đạt đến những phát triển toàn diện về sinh học, thể chất sẵn sàng cho quan hệ hôn nhân. Hơn nữa, các bên cũng phải có sự phát triển đầy đủ về tâm sinh lý để có thể gánh vác cuộc sống gia đình, vợ chồng cùng nhau trải qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Sẵn sàng làm cha, làm mẹ, sẵn sàng thực hiện tốt các mục đích của hôn nhân, những chức năng của gia đình. Theo đó, vi phạm về độ tuổi kết hôn là trường hợp một trong hai bên hoặc cả hai bên nam nữ chưa đạt đến độ tuổi quy định, trường hợp kết hôn vi phạm về độ tuổi còn được gọi là tảo hôn. Khi đó, hai bên nam nữ chưa có sự phát triển toàn diện về mặt sức khỏe, tâm sinh lý, chưa có sự nhận biết sâu sắc, chín chắn về hôn nhân, gia đình nên sự quyết định của họ còn mang tính bồng bột, không phải là ý chí thực sự của người đã trưởng thành. Cũng có thể vì thế mà họ dễ dàng bị lừa dối, cưỡng ép kết hôn. Như vậy, từ sự vi phạm về độ tuổi còn có khả năng dẫn đến các vi phạm tiếp theo, tạo ra những cuộc hôn nhân trái pháp luật, mục đích hôn nhân không đạt được, là nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của rất nhiều những gia đình trẻ hiện nay. Nạn tảo hôn hay những trường hợp cưỡng ép kết hôn có nguồn gốc từ xã hội phong kiến và thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội thời đó. Hiện tượng ấy đã đi vào cả trong những bài ca dao, tục ngữ, những câu vè trong kho tàng văn học Việt Nam:

Bồng bồng cõng chồng đi chơi Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng Ông ơi cho tôi mượn cái gầu sòng

Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên [20, tr. 183].

Sở dĩ có những hiện tượng như vậy là bởi người thời xưa quan niệm việc "dựng vợ gả chồng" là việc của hai bên cha mẹ, họ tự đặt ra những mục đích của các cuộc hôn nhân cho con cái, có khi đơn giản chỉ là việc mua về một con ở, một lao động trong gia đình. Những cậu ấm còn đang tuổi ăn, tuổi nghịch đã có thể là những chú rể trong những cuộc hôn nhân như vậy.

Ngày nay, xã hội đã có những bước phát triển lớn, cách nhìn nhận của con người về hôn nhân, gia đình đã tiến bộ hơn rất nhiều, hiện tượng vi phạm điều kiện kết hôn về độ tuổi chỉ còn tồn tại ở một số dân tộc miền núi, thiểu số. Tại những vùng quê hẻo lánh đó, những quy định của Đảng và Nhà nước chưa tới được cuộc sống của mỗi người dân, họ sống theo những tập tục cổ hủ lâu đời và hiện tượng tảo hôn vẫn còn đang diễn ra. Theo số liệu điều tra của Vụ gia đình (Ủy ban Dân số- gia đình và trẻ em) cho thấy, 15 tỉnh, thành phố cả nước có trên 1% trẻ em ở độ tuổi từ 14-16 đã có vợ hoặc chồng. Các tỉnh có tỷ lệ trẻ em tảo hôn cao như "Hà Giang 5,72%, Cao Bằng 5,1%, Lào Cai 2,7%, Sơn La 2,6%, Quảng Trị 2,4% và Bạc Liêu 2,1%" [48]. Từ việc kết hôn vi phạm độ tuổi đã dẫn đến nhiều sự vi phạm khác. Phần lớn các cặp vợ chồng kết hôn trước tuổi pháp luật quy định (nam từ 20 tuổi và nữ từ 18 tuổi), do không đủ điều kiện kết hôn nên chính quyền xã không cho đăng ký kết hôn. Tiến sỹ Ngô Thị Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ gia đình cho biết:

Chỉ có 21,6% đối tượng kết hôn sớm có đăng ký kết hôn; 75,4% không đăng ký kết hôn. Theo kết quả điều tra có 30,7% đối tượng được hỏi cho biết vợ/chồng của họ kết hôn lần đầu ở độ tuổi dưới 19; có 0,2% đối tượng kết hôn lần đầu khi mới 9 tuổi; 0,3%

đối tượng kết hôn khi 14 tuổi; 1,0% kết hôn khi 15 tuổi; 3,3% kết hôn khi 16 tuổi; 5,8% kết hôn khi 17 tuổi và 15,6% kết hôn khi 18 tuổi [48].

Theo thống kê Tại Hội thảo thông qua kết quả hoạt động của Đề án nâng cao chất lượng dân số cho dân tộc ít người, mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, giai đoạn 2007 - 2010 triển khai tại 4 xã: Nậm Ban (huyện Sìn Hồ), Nậm Khao, Bum Tở, Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè): tình tạng tảo hôn ở một số đồng bảo dân tộc miền núi trong những năm trở lại đây đã có nhũng biến chuyển đáng kể giảm từ 80% xuống còn 31%. Tuy nhiên, con số này vẫn vô cùng đáng ngại. Việc kết hôn sớm đã đẩy nhiều đôi uyên ương tan đàn xẻ nghé do mâu thuẫn hằng ngày. Nếu có con, họ không có kiến thức để chăm sóc, rồi lại để chúng thất học. Những cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi này còn làm cho khả năng sinh con sớm và dân số tăng. Đứng trước thực trạng đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng đã có những quy định cụ thể nhằm xử lý, điều chỉnh, cụ thể như sau:

Nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà một trong các bên hoặc cả hai bên vẫn chưa đến tuổi kết hôn thì quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật; Nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên tuy đã đến tuổi kết hôn, những cuộc sống của họ trong thời gian qua không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng thì quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật; Nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đã đến tuổi kết hôn, trong thời gian qua họ chung sống bình thường, đã có con, có tài sản chung thì không quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và yêu cầu Tòa án giải quyết việc ky hôn thì Tòa án thụ lý án để ly hôn theo thủ tục chung. Như vậy, có thể nói, những quy định của pháp luật trong việc xử lý vấn đề này là hết sức cụ thể, rõ ràng, có thể áp dụng trong mọi trường hợp, không những thế còn rất thấu tình, đạt lý, phù hợp với văn hóa và truyền thống của người Việt Nam. Tuy là có vi phạm nhưng không phải lúc nào cũng xử lý vi phạm đó

bằng việc hủy kết hôn, trường hợp nếu như họ vẫn chung sống hạnh phúc, có con chung, có tài sản chung, cuộc sống đang ổn định thì việc hủy kết hôn lại là xâm phạm đến hạnh phúc gia đình, trật tự xã hội, do đó mà không thể hủy hôn nhân của họ. Pháp luật có tính "mềm dẻo" chính là ở chỗ ấy. Pháp luật đã quy định đầy đủ, cụ thể, tuy nhiên trên thực tế thì những quy định này lại chưa thực sự được áp dụng một cách có hiệu quả để điều chỉnh những vi phạm xảy ra. Theo số liệu thống kê của bộ phận thụ lý án dân sự, Tòa án nhân dân tối cao, trong năm năm trở lại đây (Từ năm 2007 - 2011) trên cả nước thụ lý tổng số 97 án về đề nghị hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm về độ tuổi. So sánh hai số liệu về điều tra xã hội học với số liệu được thụ lý giải quyết thì sẽ thấy được thực tiễn áp dụng pháp luật trong vẫn đề này. Giải thích nguyên nhân của hiện tượng này cũng có thể căn cứ vào một số nguyên nhân chủ yếu sau. Theo xu hướng chung thì kết hôn vi phạm về độ tuổi chủ yếu xuất hiện ở các vùng quê xa xôi, hẻo lánh, những khu vực dân tộc, miền núi. Họ do không hiểu biết về pháp luật mà đã vi phạm, vậy thì việc họ không hề biết được đến những quy định về xử lý vi phạm cũng là điều dễ hiểu. Chính vì không biết đến, do đó những người có quyền yêu cầu cũng không nhận biết được quyền lợi của mình để yêu cầu các cơ quan pháp luật đứng ra xử lý những trường hợp vi phạm, vì vậy mà số án thụ lý cũng như giải quyết trên thực tế là rất ít hoặc hầu như không có. Một lý do nữa không thể không nhắc tới, đó là nguyên nhân nằm trong chính nội hàm của những quy định pháp luật về vấn đề này. Theo Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 thì: "Nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà một trong các bên hoặc cả hai bên vẫn chưa đến tuổi kết hôn thì quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật" [44]. Đúng là việc hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm về độ tuổi sẽ nhằm hướng tới một số mục đích nhất định như: bảo vệ sức khỏe trẻ em, đảm bảo các chủ thể kết hôn phát triển đầy đủ về thể lực, trí lực… Tuy nhiên, khi xem xét trên một khía cạnh khác, những cặp vợ chồng (mặc dù chưa đủ

tuổi kết hôn) đang chung sống hạnh phúc, tự nguyện yêu thương nhau, nếu có yêu cầu đến các cơ quan Tòa án thì đương nhiên hôn nhân của họ sẽ bị hủy. Trong trường hợp này, chính những quy định của pháp luật lại khiến họ lo sợ cho hạnh phúc của mình, vì thế dù biết sai mà vẫn thực hiện. Vậy làm sao để những quy định của pháp luật đã đúng, đã đủ nhưng lại còn có tính khả thi và áp dụng được vào các trường hợp vi phạm trên thực tế, nhằm xử lý những vi phạm một cách hiệu quả. Đây chính là điều mà pháp luật nói chung, pháp luật hôn nhân và gia đình nói riêng chưa làm được và cần có những biện pháp cụ thể để đưa pháp luật vào đời sống của nhân dân, phổ cập đến họ để họ biết tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình cũng như biết nhờ các cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho bản thân. Bảo vệ lợi ích cho mỗi cá nhân cũng chính là bảo vệ hạnh phúc, sự ổn định của mỗi gia đình, bảo vệ sự phát triển của xã hội.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 42)