Kết hôn là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa hai chủ thể nam nữ được pháp luật hôn nhân và gia đình ghi nhận và quy định những điều kiện riêng. Một trong số những điều kiện đó là sự tự nguyện của các bên nam nữ khi kết hôn, khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình quy định "việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép, cản trở" [28]. Tự nguyện được hiểu là sự tự do bày tỏ ý chí của hai bên nam nữ khi tham gia vào quan hệ hôn nhân và ý chí đó phải là ý chí thực. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, nó sẽ liên quan đến hai đối tượng đó là sự tự nguyện và ý chí thực. Căn cứ nào để có thể khẳng định sự tự nguyện đó là ý chí thực của các bên hay không phải là ý chí thực của họ? Không thể dựa vào tờ khai và lời khai khi đăng khí kết hôn của hai bên nam nữ mặc dù có thể coi đó là một hình thức để bày tỏ ý chí, nhưng hành vi đó có thể bị tác động bởi các yếu tố như cưỡng ép, lừa dối hoặc kết hôn vì những mục đích khác. Vậy căn cứ vào đâu để có thể đánh giá được sự tự nguyện thực sự của các bên trong quan hệ hôn nhân?
Có thể nói "yếu tố đầu tiên để gắn kết giữa hai người khác phái đến với nhau, xây dựng gia đình chính là yếu tố tình cảm" [16, tr. 18]. Tình yêu! Các bên phải trải qua một quá trình tìm hiểu, nảy sinh tình cảm yêu thương nhau, hết lòng vì nhau, có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Khi đã xác định được rằng hai bên thực sự có tình cảm yêu thương nhau, muốn tạo lập quan hệ vợ chồng để chung sống, gắn bó thì việc kết hôn của họ được coi là tự nguyện. Ngược lại, mặc dù thể hiện sự tự nguyện nhưng lại nhằm những mục đích khác nhau mà không có mục đích chung sống hạnh phúc để thực hiện các chức năng của gia đình thì sự tự nguyện đó cũng không được coi là có ý nghĩa pháp lý. Hiện tượng này chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp trên thực tế, khi những cuộc hôn nhân giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài nhằm mục đích xuất cảnh hay nhập quốc tịch. Đó là trường hợp một người có quốc tịch nước ngoài yêu một công dân Việt Nam, tình yêu chỉ xuất phát từ một phía, nhưng do công dân Việt Nam muốn được nhập quốc tịch nước ngoài nên đã đồng ý kết hôn để được nhập quốc tịch sau đó sẽ ly hôn; hoặc kết hôn giả tạo giữa hai bên chỉ nhằm mục đích nhập cảnh. Hay rất nhiều trường hợp những cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan với động cơ kinh tế, sự khác biệt về động cơ hôn nhân là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tan vỡ đối với những gia đình đa văn hóa. Cô dâu thì hôn nhân vì tiền, chú rể thì cần một người vợ để sinh con đẻ cái. Như vậy, đây chính là một sự tự nguyện mà các bên không bày tỏ bằng ý chí thực của mình hay còn có một cách gọi khác - kết hôn giả tạo. Khái niệm kết hôn giả tạo đã từng được đề cập đến trong Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986 "Nhà nước bảo đảm thực hiện chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng nhằm xây dựng gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc, bền vững" [26]. Những cuộc hôn nhân giả tạo như trên là trái với mục đích hôn nhân, trái với đạo đức xã hội và Tòa án có quyền hủy những quan hệ hôn nhân đó.
Mặt trái của sự tự nguyện đó chính là những hành vi ép buộc, lừa dối hoặc "cưỡng ép, cản trở" các bên nam nữ xác lập quan hệ hôn nhân là những
hành vi vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình. Cưỡng ép là việc buộc một người phải kết hôn với người mà họ không yêu thương. Hành vi này được phản ánh bằng nhiều mức độ khác nhau, từ sự cưỡng ép về tinh thần, làm ức chế tâm lý, tê liệt ý chí của đối phương đến những hành vi cưỡng ép bằng cách dùng bạo lực, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng. Những hành vi này đều nhằm một mục đích đó là đe dọa xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc những lợi ích khác của bên bị đe dọa khiến họ sợ hãi và buộc phải kết hôn nhằm tránh những hậu quả không hay có thể xảy đến. Những hành vi này, tùy vào từng mức độ mà có thể bị xử lý theo những cách khác nhau. Có thể bị áp dụng những chế tài hành chính hoặc hình sự, những chế tài này vừa có tác dụng răn đe vừa có tác dụng trừng trị các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Tại Nghị định số 87/CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng đã quy định rõ:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a. Cưỡng ép người khác kết hôn;
b. Cản trở người khác kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác [7].
Bộ luật Hình sự năm 1999, tại Điều 146 trong chương các tội xâm phạm chế độ Hôn nhân và Gia đình cũng đã quy định tội danh cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ với mức án cao nhất có thể lên tới ba năm tù. Ngoài ra, nếu như hành vi cưỡng ép, lừa dối còn gây những hậu quả nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật hình sự thì còn có thể bị truy tố bởi các tội danh khác.
Bên cạnh hành vi cưỡng ép còn có hành vi lừa dối, gian dối dẫn đến kết hôn trái ý muốn. Đó là việc một bên đưa ra những thông tin sai lệch với thực tế nhằm làm cho bên kia tin tưởng và kết hôn. Cũng phải tùy vào tính
chất của từng hành vi lừa dối mới có thể đánh giá được bản chất của vấn đề. Đối với những hành vi lừa dối, ít nghiêm trọng, không ảnh hưởng lớn, căn bản đến quyết định của bên kia ví dụ như sai lệch về tuổi tác, nghề nghiệp… khiến bên kia lầm tưởng mà kết hôn. Sau này về sự nhầm lần đó mà hai bên vợ chồng có xảy ra mâu thuẫn và xin ly hôn, thì trong trường hợp này Tòa án chỉ có thể xử ly hôn như trường hợp thông thường vì hành vi gian dối là có thật nhưng chưa đến mức thành sự vi phạm về chế độ tự nguyện trong kết hôn. Ngược lại đối với những hành vi gian dối mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hành phúc gia đình, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người kia dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được như những hành vi che giấu lý lịch tư pháp nhằm kết hôn với người khác để trốn tránh những nghĩa vụ nào đó hoặc che giấu những mối quan hệ hôn nhân trước đó thì có thể coi đây là hành vi gian dối cản trở sự tự nguyện của nam nữ khi kết hôn. Do vậy, khi một bên yêu cầu hoặc người có quyền yêu cầu hủy quan hệ hôn nhân đó thì Tòa án phải xem xét và hủy việc kết hôn trái pháp luật trên. Như vậy, có thể nói yếu tố tự nguyện là một yếu tố quan trọng khởi đầu cho một cuộc hôn nhân hợp pháp, nếu thiếu đi sự tự nguyện của một trong hai bên thì sẽ không đủ điều kiện để kết hôn. Trong trường hợp cuộc hôn nhân đó đã được xác lập thì sẽ không được thừa nhận. Đảm bảo cho hai bên tự do kết hôn là một đảm bảo quan trọng không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả hai bên mà đặc biệt nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với người phụ nữ, tạo cho họ quyền bình đẳng, quyền tự do lựa chọn trong hôn nhân.
Các nhà lập pháp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kết hôn đúng pháp luật, do đó tại Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 cũng như các văn bản dưới luật đã có những quy định rất rõ về đường lối xử lý việc kết hôn thiếu sự tự nguyện. Tại điểm d.2 mục 1 Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 đã nêu rõ:
Đối với những trường hợp kết hôn khi một bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép là vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại điểm 2 Điều 9. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà quyết định như sau:
- Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà cuộc sống không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng, thì quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
- Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép đã biết, nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hòa thuận thì không quyết định hủy bỏ việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung [44].
Quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng như những hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 đã chia ra thành hai trường hợp để xử lý rất rõ ràng như trên. Tuy nhiên trên thực tế việc phân chia thành các trường hợp như trên gần như không mang tính khả thi. Bởi khi có mâu thuẫn xảy ra, vợ chồng ra Tòa án yêu cầu chấm dứt hôn nhân thì mục đích lớn nhất của họ đó là được chấm dứt quan hệ vợ chồng với người kia. Và họ sẽ chọn một phương án thông thường, phổ biến nhất đó là xin ly hôn. Điều đó cũng lý giải vì sao số yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật rất ít hoặc hầu như không có. Và hầu như trong các trường hợp này căn cứ vào lời khai cũng như các giấy tờ, tài liệu mà các bên cung cấp Tòa án sẽ xử cho họ ly hôn theo thủ tục. Như vậy thì vấn đề hủy kết hôn trái pháp luật đặt ra ở đây có giá trị trên thực tế hay không?
Kết hôn vi phạm sự tự nguyện là một hiện tượng diễn ra khá phổ biến trong xã hội phong kiến, nhất là đối với những gia đình có địa vị thấp kém
trong xã hội. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chúng ta đang từng bước xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hiện tượng này đã có xu hướng giảm đi một cách đáng kể. Tuy nhiên, tại một số những vùng dân tộc ít người, đặc biệt là các dân tộc miền núi phía bắc nước ta hiện tượng này vẫn tồn tại như một hủ tục mà chưa thể xóa bỏ. Điển hình như tục "cướp vợ" của người H’mông.
Quy định của pháp luật là một mặt, nhưng trên thực tế, hàng ngày, hàng giờ những cuộc hôn nhân vi phạm về sự tự nguyện, hôn nhân "gian dối" vẫn đang diễn ra dưới những hình thức ngày càng phức tạp. Ngay trong một xã hội vô cùng văn minh này, ngày ngày vẫn tồn tại không ít những cuộc hôn nhân ép buộc, lừa dối như vậy. Năm 2007, dưới sự sắp xếp của mẹ và anh trai, chị Nguyễn Huệ Lan (trú tại quận K - thành phố Hà Nội) đã tổ chức lễ cưới cùng anh Nguyễn Văn Thực. Ngay sau khi kết thúc hôn lễ, chị đã vừa khóc vừa gọi điện thoại về cho gia đình vì không thể cố gắng hơn được nữa. Tuy nhiên, mẹ và anh trai vẫn hết sức động viên vì cho rằng con gái lấy người yêu mình là điều rất tốt. Những tưởng cuộc sống gượng gạo với một người "yêu mình" thì rồi cũng sẽ lặng lẽ trôi qua. Nhưng sau khi kết hôn, anh Thực không hề quan tâm gì đến gia đình, bỏ mặc chị Lan lo hết các công việc bên nhà chồng. Đến ngay cả khi chị Lan sinh con gái đầu lòng, chị vẫn một mình lo lắng, chăm sóc nuôi dạy con mà không nhận được một chút quan tâm nào từ phía anh Thực. Cuộc sống vợ chồng trở nên mâu thuẫn trầm trọng. Ngày 14/07/2011 chị Lan đã gửi đơn xin ly hôn đến Tòa án nhân dân quận K. Như vậy, kết thúc của một cuộc hôn nhân cưỡng ép, một cuộc hôn nhân không có tình yêu lại là một cảnh chia ly tại Tòa án. Hay một vì dụ khác, từ sự vi phạm về điều kiện kết hôn còn dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác như một ví dụ dưới đây: Theo lời P, cách đây 1 năm, cô bị cha mẹ ép kết hôn với Lê Anh T (ở khu phố Long Hải Đông, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) nhưng cô không đồng ý. Tháng 8/2010, bố mẹ P ép cô lên xe để Tuấn chở đến Ủy ban nhân dân phường 7 đăng ký kết
hôn. Chưa hết, bố của P còn đồng ý cho "chàng rể" về ở nhà mình để tiện sinh hoạt. Phản đối cuộc hôn nhân cưỡng ép này, P nhất định không chịu làm đám cưới mà đi học nghề uốn tóc nên liên tục bị cha mẹ và T. bắt nhốt, đánh đập. Ngày 23/9/2010, thấy P có một số vết xăm lạ trên lưng, bố P và "chàng rể" T dùng dây xích trói cô, nhốt trong căn phòng sau nhà để "dạy dỗ". Nghe tiếng P kêu cứu, một số hàng xóm láng giềng đã trình báo Công an phường 7, thành phố Tuy Hòa. Khi lực lượng chức năng có mặt, mẹ P bảo vợ chồng P cãi nhau do mâu thuẫn và đây là chuyện gia đình có thể tự thu xếp được. Tuy nhiên, sau đó P lại bị cha mẹ giáo dục bằng đòn roi, bắt bỏ nghề để ở nhà "làm vợ hiền, con thảo". Hết dùng đòn roi với P, "gã chồng hờ" còn dùng dao lam rạch lên người P rồi đổ cồn lên đốt. Nghe tiếng kêu cứu thảm thiết của cháu gái, ông bà nội P. ở nhà bên chạy tới để can thiệp, nhưng vô hiệu vì T đã đóng chặt cửa ra vào. Sáng 27/9/2010, sau mấy ngày bị hành hạ, P nhịn đau trèo lên trần nhà rồi trốn ra ngoài và được một người bà con đưa đến Công an phường 7 trình báo đầu đuôi sự việc. Như vậy, từ một hành vi vi phạm về chế độ kết hôn đã dẫn đến những hành vi phạm tội. Trong khi đó, số án được Tòa án thụ lý giải quyết thì lại quá ít. Nguyên nhân là do đâu? Nói về vấn đề này, có thể dẫn ra một số những nguyên nhân sau: Đó là do sự hạn chế trong nhận thức của người dân, của các bên đương sự trong việc tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, về điều kiện kết hôn. Đôi khi sự cưỡng ép trong hôn nhân là một tập tục, một sự bắt buộc mặc định đối với những đồng bào dân tộc thiểu số. Họ cho đó chính là sự "tự nguyện", tự nguyện tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ, của bề trên mà không có một phản kháng, một sự bày tỏ ý chí nào. Nếu nói như vậy, phải chăng pháp luật vẫn chưa đến được với những dân tộc ít người đó. Đây chỉ là một trường hợp vì không biết mà làm trái, trên thực tế, con số này không nguy hiểm bằng những trường hợp cố tình vi phạm vì