LUẬT VỀ KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT 3.1.1 Nhu cầu khách quan

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 88 - 90)

3.1.1. Nhu cầu khách quan

Trong xã hội quan hệ hôn nhân và gia đình là những quan hệ vô cùng quan trọng, đó chính là những tế bào của xã hội nơi nuôi dưỡng con người ta khôn lớn, trưởng thành. Một gia đình tốt mới tạo nên một xã hội tốt. Mà cơ sở đầu tiên để tạo lập nên một gia đình tốt, lành mạnh chính là việc kết hôn đúng pháp luật. Do đó, có thể thấy việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình cụ thể là quan hệ kết hôn hết sức cần thiết. Pháp luật không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh những hành vi cụ thể mà ngay cả trong quan niệm của con người về kết hôn cũng phải thể hiện được đúng bản chất của cuộc hôn nhân đó. Quan niệm là một phạm trù rất rộng, không phải được viết ra, được định nghĩa bằng từ ngữ trong bất kỳ văn bản pháp lý cụ thể nào. Nó nằm trong nhận thức, trong cách nhìn, cách nghĩ của mỗi con người và của toàn xã hội. Như vậy, để xử lý những trường hợp kết hôn trái pháp luật, trước hết phải có những quan điểm định hướng một cách đúng đắn về các vấn đề kết hôn hợp pháp, kết hôn bất hợp pháp, hủy kết hôn trái pháp luật... Những quan niệm này bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố bao gồm: chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội. Trải qua các giai đoạn, các thời kỳ khác nhau, xã hội có những cái nhìn khác nhau về gia đình, hôn nhân và cụ thể là về hôn nhân hợp pháp hay không hợp pháp. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội hiện đại, những điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa trong xã hội mới đã quan niệm về hôn nhân hợp pháp là hôn nhân phản ánh đúng bản chất của nó, bao gồm: các yếu tố tự

nguyện, độ tuổi, các quy định không thuộc trường hợp bị cấm. Nói tóm lại, hôn nhân hợp pháp chính là quan hệ hôn nhân mà trong đó các chủ thể tham gia đều phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về thể lực, trí lực, tự nguyện đến với nhau trên cơ sở tình yêu. Mong muốn kết hôn nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, ổn định, thực hiện tốt các chức năng của gia đình. Do đó, việc xử lý những trường hợp kết hôn trái pháp luật là một tất yếu, xuất phát từ chính những yêu cầu của xã hội và chính những yêu cầu trong bản thân nội tại của pháp luật. Pháp luật là sự phản ảnh ý chí của giai cấp thống trị, trong xã hội xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, thì pháp luật chính là sự phản ảnh nguyện vọng của người dân, phản ảnh hôn nhân tự do, tiến bộ trên cơ sở mỗi người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chính vì vậy, đứng trước một hiện tượng vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến quyền và lợi ích của công dân, nó còn tác động tiêu cực đến các mối quan hệ trong xã hội, gây ra sự bất ổn và phá vỡ sự phát triển bền vững. Pháp luật nói chung cũng như pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng đã đưa ra những quy định nhằm điều chỉnh triệt để những vi phạm cũng chính là phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Không chỉ xuất phát từ yêu cầu của xã hội, nhu cầu của con người cần được pháp luật phản ánh ý chí, nguyện vọng và được pháp luật bảo vệ quyền lợi. Pháp luật còn là một lĩnh vực tồn tại song song và chịu sự tác động rất lớn của các lĩnh vực khác nhau trong thực tế cuộc sống, cũng như sự tác động của các quy luật khách quan. Quy luật đó đòi hỏi pháp luật phải luôn tự thay đổi, tự đổi mới mình để theo kịp, phù hợp với các mối quan hệ khác phát sinh trong thực tế cuộc sống. Mặt khác, ngay trong bản thân nội tại của pháp luật, quy luật đó cũng ảnh hưởng rất lớn. Trong xu hướng thực hiện cải cách tư pháp ngày càng mạnh mẽ và triệt để ngày nay, những ngành luật khác cũng đang phải tự mình có những bước đổi mới cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Luật Hôn nhân và gia đình cũng là một ngành luật tồn tại trong mối quan hệ đồng bộ với những ngành luật khác tại Việt Nam, vì vậy, bản nhân những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình cũng luôn phải tự được điều chỉnh.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 88 - 90)