KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT DO VI PHẠM VỀ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 73 - 78)

Nếu như các điều kiện kết hôn đã phân tích ở trên là những điều kiện về nội dung, thì có thể nói điều kiện về đăng ký kết hôn chính là điều kiện về hình thức. Khi đã thỏa mãn những điều kiện nội dung, hai bên phải tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hôn nhân mới có giá trí pháp lý. Điểm mới cần ghi nhận ở đây là: các quy định về việc đăng ký kết hôn đã cụ thể hơn và mang tính ràng buộc cao hơn. Nếu như trong các đạo

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986 vấn đề đăng ký kết hôn chỉ được nêu một cách ngắn gọn chung trong một điều là do Ủy ban nhân dân xã, phường nơi thường trú của một trong hai đương sự công nhận và ghi vào sổ kết hôn, thì nay vấn đề này được chi tiết hóa bằng bốn điều luật. Cụ thể: Điều 11 khẳng định dứt khoát rằng việc kết hôn phải được đăng ký trong trình tự hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại các Điều 12, Điều 13 và Điều 14. Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng đã quy định:

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này; Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý; Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng; Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn [28]

Như vậy, đăng ký kết hôn là một nghi thức bắt buộc, chỉ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc kết hôn cho họ thì giữa họ mới phát sinh quan hệ vợ chồng. Về thẩm quyền đăng ký kết hôn cũng được quy định rõ theo Điều 17 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ: Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn. Trong trường hợp cả hai bên nam, nữ là công dân Việt Nam đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, đã cắt hộ khẩu thường trú ở trong nước, thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú trước khi xuất cảnh của một trong hai bên nam, nữ; Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài là nới đăng ký kết hôn cho công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Như vậy, tùy từng trường hợp mà cơ quan

tiến hành đăng ký kết hôn có thể là các cơ quan khác nhau, tuy nhiên, dù là cơ quan nào thì việc đăng ký kết hôn cũng phải được tiến hành theo những thủ tục nhất định như: Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân; Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại chương V của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP; Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn… Nếu có sự vi phạm trong trình tự, thủ tục cũng như thẩm quyền của việc đăng ký kết hôn thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, cụ thể các trường hợp như sau: Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không phải do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 thực hiện (ví dụ: việc đăng ký kết hôn giữa nam và nữ do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi không có bên nào kết hôn cư trú thực hiện), thì việc đăng ký kết hôn đó không có giá trị pháp lý; nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, thì mặc dù có vi phạm một trong những điều kiện kết hôn quy định tại Điều 9, Tòa án không tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật mà áp dụng khoản 1 Điều 11 tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không theo nghi thức quy định tại Điều 14 thì việc kết hôn đó không có giá trị pháp lý, nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, thì mặc dù có vi phạm một trong các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 9, Tòa án không tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật mà áp dụng khoản 1 Điều 11 tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Tuy nhiên cần chú ý: Điều 14 không quy định cụ thể địa điểm tổ chức đăng

ký kết hôn; do đó, địa điểm tổ chức đăng ký kết hôn có thể là một nơi khác không phải là trụ sở của cơ quan đăng ký kết hôn. Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: "Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn" [28]. Thực tiễn cho thấy rằng trong một số trường hợp vì những lý do khách quan hay chủ quan mà khi tổ chức đăng ký kết hôn chỉ có một bên nam hoặc nữ; do đó, nếu trước khi tổ chức đăng ký kết hôn đã thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 13 và sau khi tổ chức đăng ký kết hôn họ thực sự về chung sống với nhau, thì không coi là việc đăng ký kết hôn đó là không theo nghi thức quy định tại Điều 14. Như vậy, việc đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có ý nghĩa quan trọng. Vừa giúp hai bên nam nữ tạo lập được một cơ sở pháp lý vững chắc trong quan hệ hôn nhân, vừa giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát việc tuân theo pháp luật của nam nữ trong việc kết hôn. Đăng ký kết hôn cũng là khâu cuối cùng của việc kết hôn theo quy định của pháp luật, tại đây, các cơ quan nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ của mình để có thể phát hiện và ngăn chặn ngay những trường hợp kết hôn trái pháp luật, tránh những hậu quả pháp lý về sau. Tuy nhiên, do cơ chế kiểm soát hoạt động này chứ được chặt chẽ, cũng như các mối quan hệ trong xã hội ngày càng trở nên phức tạp, rắc rối nên vẫn để xảy ra tình trạng kết hôn trái pháp luật. Bên cạnh những lỗi vi phạm về nội dung, thì những lỗi vi phạm về hình thức cũng không phải là ít. Chủ yếu là những quan hệ hôn nhân đăng ký kết hôn sai thẩm quyền. Có thể tại thời điểm đó Luật quy định chưa rõ ràng về vấn đề này, sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, sự tắc trách của cán bộ cơ quan hộ tịch trong việc hướng dẫn người dân đã dẫn đến việc đăng ký kết hôn trái pháp luật.

Trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực, theo rà soát tại Huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam có khoảng 60% các cặp kết hôn không đăng ký. Từ sau khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực, để khắc phục tình trạng này Bộ tư pháp đã ban hành Chỉ thị số 02/2003/CT-BTP ngày 14/07/2003 về đăng ký kết hôn cho những trường hợp chung sống như vợ

chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 và đặt ra mục tiêu phải hoàn thành việc đăng ký kết hôn cho những trường hợp này vào ngày 31/07/2002. Tuy nhiên, cho đến tháng 7 năm 2004 qua con số thống kê trên cả nước vẫn còn khoảng 300.000 cặp chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thuộc diện bắt buộc phải đăng ký kết hôn. Con số hoàn thành việc đăng ký kết hôn bắt buộc đạt khoảng 70%, còn lại 30% vẫn thuộc những trường hợp kết hôn trái pháp luật.

Sở Tư pháp Điện Biên rà soát đến thời điểm năm 2007 "trong số 35.022 cặp hôn nhân thực tế, phát hiện gần 8.000 cặp không đăng ký hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo luật định" [38]. Cũng trong thời gian đó, các cơ quan chức năng thống kê tỷ lệ đăng ký kết hôn ở tỉnh Điện Biên là trên 81%; có nhiều huyện thấp đến mức ngạc nhiên, như huyện Tuần Giáo tỷ lệ đăng ký kết hôn chỉ đạt 54,3%, Mường Nhé: 79,3%. Tại hai xã Mường Toong và Chung Chải của huyện Mường Nhé, trên 600 cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn mà đã có con.

Theo thống kê của Sở tư pháp Hà Nội từ năm 2005 đến năm 2010, số đăng ký khai sinh của trẻ em có cha mẹ chưa đăng ký kết hôn hoặc chưa đủ điều kiện đăng ký kết hôn có chiều hướng gia tăng theo bảng sau:

Bảng 2.1: Tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em có cha mẹ chưa đăng ký kết hôn hoặc chưa đủ điều kiện đăng ký kết hôn

Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010 Số trƣờng hợp 830 1084 1054 1105 1167 1086

Nguồn: Báo cáo tổng kết của Sở Tư pháp Hà Nội từ năm 2005 đến năm 2010

Như vậy có thể nhận xét về tình trạng kết hôn vi phạm điều kiện đăng ký hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Và những vi phạm đó thường là chỉ được phát hiện khi hai bên có yêu cầu giải quyết ly hôn tại Tòa án. Điều đó chứng tỏ, những vi phạm này là những vi phạm rất khó nhận biết, tuy

không ảnh hưởng nhiều đến quyền và lợi ích của các bên nhưng lại gây khó khăn cho các cơ quan quản lý hộ tịch trong việc xác định quan hệ hôn nhân, tình trạng hôn nhân của các công dân. Theo con số thống kê tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì trong khoảng 300 vụ ly hôn đã phát hiện ra khoảng 70 trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm thẩm quyền. Đó mới chỉ là những con số được đưa ra ánh sáng khi vợ chồng họ có mâu thuẫn và có yêu cầu ly hôn, thực tế thì không thể kiểm soát được có bao nhiêu quan hệ hôn nhân trái pháp luật do vi phạm điều này trên thực tế.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 73 - 78)