Cơ chế quản lý và pháp luật

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 25 - 27)

Trước hết phải kể đến yếu tố chính trị, hai khái niệm Nhà nước và pháp luật thường đi đôi với nhau, nhà nước được quản lý bởi một giai cấp

thống trị, họ đặt ra những luật lệ dựa trên ý chí của mình, đó chính là pháp luật. Pháp luật dùng để điều chỉnh hành vi của cá nhân trong xã hội. Như vậy, có thể khẳng định, chế độ chính trị của một quốc gia ảnh hưởng rất nhiều đến những hành vi, xử sự của con người trong xã hội, kể cả trong lĩnh vực hôn nhân và kết hôn. Đó chính là nguyên nhân của sự khác nhau giữa những chế định về hôn nhân và kết hôn giữa các hệ thống quốc gia cũng như hệ thống pháp luật. Mỗi chế độ Nhà nước ban cho công dân của mình những quyền và nghĩa vụ nhất định, theo đó họ sẽ sử dụng để tham gia vào các quan hệ này và tạo ra các đặc điểm khác nhau. Như ở một số nước Hồi giáo, khi mà một người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ, tức là kết hôn một lúc nhiều lần miễn là khả năng tài chính của anh ta đủ để nuôi sống cho tất cả các bà vợ. Hay như dưới thời Phong kiến, chế độ chính trị tồn tại thời đó chính là chế độ quân chủ chuyên chế, với sự thống trị của vua chúa, quan lại, với những tư tưởng trọng nam khinh nữ thì một người đàn ông có thể có "năm thê bảy thiếp". Một sự tác động của chính trị mà không thể không kể đến đó chính là sự thống trị của những thế lực chính trị trong xã hội đến việc kết hôn của hai bên nam nữ. Khi ấy, hôn nhân không chỉ đơn thuần được coi là sự liên kết giữa hai chủ thể nam và nữ để tạo nên một gia đình, mà đó còn là sự liên kết của những dòng họ, những thế lực kinh tế, chính trị. Sự liên kết đó có mục đích, động cơ về kinh tế, chính trị một cách rõ ràng và hoàn toàn bỏ qua mục đích thuần túy của gia đình. Như vậy, chính những yếu tố về chính trị đã mặc nhiên công nhận những quan hệ kết hôn mà bản chất là kết hôn trái pháp luật. Ngày nay, điều đó không hề xuất hiện ở các nước Tư bản hay các nước Xã hội chủ nghĩa như Việt Nam. Nhưng dưới mỗi chế độ chính trị, quan hệ hôn nhân bất hợp pháp hay nói cách khác là những hành vi kết hôn trái pháp luật lại có những biến đổi mà không ai có thể dự liệu hết được. Những hành vi đó đang ngày ngày diễn ra với diễn biến và đặc điểm ngày một phức tạp, cả công khai và lén lút.

Từ những đặc điểm về chính trị đã quyết định đến hệ thống pháp luật của quốc gia. Qua rất nhiều sự thay đổi với những bước tiến khá dài trong lịch

sử lập pháp, ngày nay, Luật Hôn nhân và gia đình đã được tách ra thành một ngành luật độc lập với một hệ thống Chương, Điều cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành khá chi tiết. Tuy nhiên, cuộc sống xã hội luôn thay đổi và biến động, pháp luật vẫn có những kẽ hở và không thể dự liệu hết được những quan hệ xã hội. Điều đó khiến cho tình trạng kết hôn trái pháp luật vẫn còn tồn tại và ngày một phổ biến. Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ hôn nhân và gia đình cũng như hiện tượng kết hôn trái pháp luật ở Việt Nam hiện nay đó chính là cơ chế quản lý của Nhà nước đối với xã hội, đối với cá nhân. Hiện nay, chúng ta vẫn quản lý con người theo hộ khẩu, tức là lối quản lý theo hộ gia đình chứ không phải quản lý theo chứng minh nhân dân của từng cá nhân. Chính điều đó sẽ khiến cho việc quản lý về tình trạng hôn nhân của mỗi người khó khăn hơn rất nhiều, vậy nên vẫn còn nhiều trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm chế độ một vợ một chồng.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 25 - 27)