Việc xử lý cụ thể đối với từng trường hợp kết hôn trái pháp luật

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 81 - 85)

Theo nguyên tắc, khi có các hành vi kết hôn trái pháp luật mà vi phạm những điều kiện kết hôn, khi có yêu cầu thì Tòa án có quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật đó. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên và căn cứ vào thực tế cuộc sống thì có thể thấy rằng mỗi trường hợp vi phạm lại có một đặc điểm khác nhau, mang những tính chất, bản chất khác nhau. Do đó, để xử lý những vi phạm đó, đòi hỏi quy định của pháp luật khi áp dụng cũng phải hết sức mềm dẻo và linh hoạt. Chính vì thế mà mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có đưa ra một nguyên tắc chung để xử lý những vi phạm này là hủy việc kết hôn trái pháp luật, nhưng trong hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 đã hướng dẫn rất cụ thể, áp dụng đối với từng trường hợp khác nhau.

Đối với những trường hợp kết hôn khi một bên hoặc cả hai bên chưa đến tuổi kết hôn là vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại khoản 1 Điều 9. Sẽ quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật, nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà một bên hoặc cả hai bên vẫn chưa đến tuổi kết hôn hoặc nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên tuy đã đến tuổi kết hôn, nhưng cuộc sống của họ trong thời gian đã qua không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng. Nhưng trong trường hợp nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đã đến tuổi kết hôn, trong thời gian đã qua họ chung sống bình thường, đã có con, có tài sản chung thì không quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

Đối với những trường hợp kết hôn khi một bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép là vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại điểm 2 Điều 9. Tòa án sẽ quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà cuộc sống không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng. Còn trong trường hợp nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép đã biết, nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hòa thuận thì không quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

Đối với những trường hợp kết hôn thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 10 và vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại khoản điểm 3 Điều 9 và nói chung là phải quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm 1 Điều 10 cần chú ý: Nếu thuộc trường hợp cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc hồi năm 1954, đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ, lấy chồng ở miền Bắc thì vẫn xử lý theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/02/1978 của Tòa án nhân dân tối cao "Hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác". Nếu khi một người đang có vợ hoặc có chồng, nhưng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài mà đã kết hôn với người khác, thì lần kết hôn sau là thuộc trường hợp cấm kết hôn quy định tại điểm 1 Điều 10. Tuy nhiên, khi có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật họ đã ly hôn với vợ hoặc chồng của lần kết hôn trước, thì không quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật đối với lần kết hôn sau. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

Đối với trường hợp kết hôn do vi phạm Điều 12 và Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về việc đăng ký kết hôn. Khi phát hiện ra có vi phạm, trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không phải do cơ quan có thẩm

quyền quy định tại Điều 12 thực hiện (ví dụ: việc đăng ký kết hôn giữa nam và nữ do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi không có bên nào kết hôn cư trú thực hiện), thì việc đăng ký kết hôn đó không có giá trị pháp lý; nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, thì mặc dù có vi phạm một trong những điều kiện kết hôn quy định tại Điều 9, Tòa án không tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật mà áp dụng khoản 1 Điều 11 tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Hoặc khi vi phạm những quy định về tổ chức đăng ký kết hôn tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì việc kết hôn đó không có giá trị pháp lý, nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, thì mặc dù có vi phạm một trong các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 9, Tòa án không tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật mà áp dụng khoản 1 Điều 11 tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Tuy nhiên cần chú ý: Điều 14 không quy định cụ thể địa điểm tổ chức đăng ký kết hôn; do đó, địa điểm tổ chức đăng ký kết hôn có thể là một nơi khác không phải là trụ sở của cơ quan đăng ký kết hôn. Hay quy định khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn, thực tế cho thấy rằng trong một số trường hợp vì những lý do khách quan hay chủ quan mà khi tổ chức đăng ký kết hôn chỉ có một bên nam hoặc nữ; do đó, nếu trước khi tổ chức đăng ký kết hôn đã thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 13 và sau khi tổ chức đăng ký kết hôn họ thực sự về chung sống với nhau, thì không coi là việc đăng ký kết hôn đó là không theo nghi thức quy định tại Điều 14.

Đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Kể từ ngày 01/01/2001 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 có hiệu lực thi hành trên thực tế thì mọi trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì đều không được thừa nhận là vợ chồng. Chỉ khi họ được cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân mới được xác lập. Tuy nhiên, những quy định về vấn đề này tại Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam

năm 1986 cũng như các văn bản trước đó lại có những quy định khác nhau về vấn đề này. Chính vì vậy, khi có các tranh chấp liên quan đến quan hệ hôn nhân thực tế cần phải xác định và phân biệt các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng trước và sau ngày Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 có hiệu lực. Để xử lý những vi phạm này cần phân biệt một số trường hợp sau:

Trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì sẽ được khuyến khích đăng ký kết hôn; nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn.

Trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001 mà có đủ các điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ phải đăng ký kết hôn trong hai năm (đến 1/1/2003). Trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục ly hôn. Từ sau ngày 1/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng. Nếu sau 1/1/ 2003 họ mới đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ được xác lập kể từ thời điểm đăng ký.

Các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng kể từ sau ngày 1/1/2001 đều không được công nhận là vợ chồng.

Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình đều quy định biện pháp xử lý cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm ở từng cấp độ khác nhau và thấy rõ được sự mềm dẻo của pháp luật trong quá trình áp dụng. Ví dụ như những trường hợp mà căn cứ vi phạm không còn nữa và gia đình họ sống hạnh phúc, yên ổn thì việc hủy kết hôn trái pháp luật sẽ không đặt ra. Quy định như vậy là cũng có những căn cứ rất thực tế, nhằm bình ổn các mối quan hệ và giữ được hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này cũng còn có quan niệm cho rằng việc hủy kết hôn trái pháp luật sẽ không được nêu ra mỗi khi các điều kiện kết hôn bị vi phạm không còn nữa và như vậy là phần nào thừa nhận việc kết hôn như là một giao dịch dân sự giữa hai người và tùy trường hợp

giao dịch này vô hiệu tuyệt đối hay vô hiệu tương đối và dẫn đến việc giới hạn hay không giới hạn việc xử lý những vi phạm đó. Nên hiểu vấn đề này như thế nào?

Ngoài ra, những hành vi vi phạm còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hình sự. Khi giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì Tòa án yêu cầu Viện Kiểm sát cùng cấp khởi tố vụ án hình sự. Nếu Viện Kiểm sát cùng cấp không đồng ý thì Tòa án có thể kiến nghị với Viện Kiểm sát cấp trên xem xét; nếu Viện Kiểm sát cấp trên cũng không đồng ý thì Tòa án tiếp tục giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật theo thủ tục chung. Trong trường hợp Viện Kiểm sát đồng ý khởi tố vụ án hình sự thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. Sau khi vụ án hình sự được xét xử xong và bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung. Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã dành riêng chương XV với năm điều luật từ Điều 146 đến Điều 150 quy định về các loại tội danh trong những trường hợp này.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 81 - 85)