Người có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 78 - 81)

Kết hôn trái pháp luật là những trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân như đã phân tích ở trên, cả về nội dung và về hình thức. Khi phát hiện ra những vi phạm đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã đề ra những biện pháp nhằm xử lý các trường hợp trên. Một trong những biện pháp được áp dụng chủ yếu khi xử lý những vi phạm này đó là Tòa án sẽ ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật khi có yêu cầu từ những chủ thể có quyền. Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định về các chủ thể có quyền yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật như sau:

1. Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này.

2. Viện Kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật này.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc

đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật này:

a) Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn; b) Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

c) Hội liên hiệp phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật [28]. Như vậy, có thể thấy hệ quả của việc kết hôn trái pháp luật ảnh hưởng rất rộng đến rất nhiều các chủ thể cũng như các mối quan hệ trong xã hội. Do đó, để xử lý hiện tượng này, pháp luật cũng đã ghi nhận quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật của các chủ thể tương đối rộng rãi bao gồm cả cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trước hết là những cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật bao gồm: bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn, vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn. Đây chính là những chủ thể mà quyền và lợi ích của họ bị xâm hại một cách trực tiếp, do đó họ phải là những chủ thể có quyền ưu tiên lên tiếng yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên có một vấn đề mà hiện nay còn gây ra nhiều tranh cãi, đó là quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định quyền yêu cầu cho bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn có quyền tự mình hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật theo khoản 2 Điều 9 của Luật này, tức là trong trường hợp vi phạm do bị cưỡng ép, lừa dối khi kết hôn. Vấn đề đặt ra là nếu chỉ quy định cho mình họ có quyền yêu cầu hoặc quyền đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu thì có đảm bảo được quyền lợi của họ? Tại sao lại không quy định cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền "đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật như tại khoản 4 Điều 15 Luật này để mở rộng quyền yêu cầu" [3]. Bởi thực tế, khi đã bị đặt vào tình huống bị lừa dối,

bị cưỡng ép thường là người đó đã rơi vào tình trạng yếu thế, bị đe dọa và phải chịu những áp lực nhất định. Nếu như vậy, liệu họ dám đưa ra yêu cầu hoặc đề nghị để bảo vệ quyền lợi cho mình? Mà theo quy định của Khoản 1 Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 thì ngoài những chủ thể này ra, nếu họ không yêu cầu thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác không có quyền can thiệp, như vậy phải chăng đã làm giới hạn quyền yêu cầu của các chủ thể.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng ghi nhận những quyền của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội có trách nhiệm đứng ra bảo vệ lợi ích cho công dân, cũng là đảm bảo cho sự ổn định của trật tự xã hội. Đó không chỉ là quyền mà còn là nhiệm vụ và chức năng của các cơ quan, tổ chức này. Bởi trong thực tế, việc một cá nhân, nhất là những cá nhân rơi vào các trường hợp bị cưỡng ép, bị đe dọa kết hôn thì việc họ dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của mình, gửi đơn yêu cầu đến các cơ quan chức năng là điều không dễ dàng. Đôi khi là do họ không nhận biết được quyền lợi của mình, cũng có thể là do sợ hãi do bị đe dọa, đánh đập. Chính vì vậy, rất cần các cơ quan công quyền đứng ra thực hiện các chức năng này, bao gồm Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Mặc dù đây là một vấn đề điều chỉnh bởi luật tư, qua những lần bổ sung, sửa đổi đã hạn chế bớt sự tác động, can thiệp của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong trường hợp như trên thì lại rất cần sự lên tiếng của Viện kiểm sát cũng như của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để có thể bảo vệ tốt quyền và lợi ích cho các chủ thể trong xã hội.

Khi những yêu cầu này được gửi đến cơ quan Tòa án, theo quy định tại các Điều 28, Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2004, yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật sẽ được Tòa án thụ lý và giải quyết theo trình tự, thủ tục việc dân sự. Bao gồm các thủ tục như xác minh chứng cứ, làm rõ hành vi vi phạm của các bên, tiến hành lập hồ sơ và mở phiên họp giải quyết yêu cầu của người yêu cầu có sự tham gia của Viện kiểm sát và của các cá

nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu. Quyết định giải quyết của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 78 - 81)