Thứ nhất: Về phương thức quản lý của Nhà nước ta hiện nay đó là quản lý theo cấp "hộ", quản lý theo hộ tịch, hộ khẩu của hộ gia đình chứ không quản lý theo cá nhân, theo Chứng minh nhân dân của từng cá nhân riêng lẻ. Do đó sự quản lý về tình trạng hôn nhân của mỗi cá nhân sẽ có phần bị hạn chế. Lợi dụng điều này, một số cá nhân đã không thành thực về tình trạng hôn nhân của mình khi đăng ký kết hôn. Do đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kết hôn trái pháp luật do vi phạm chế độ một vợ một chồng. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi pháp luật cần đưa ra những quy định để có thể thay đổi phương thức quản lý, giúp các cơ quan chức năng có thể nắm rõ được tình trạng hôn nhân của mỗi cá nhân trong xã hội.
Thứ hai: Về thủ tục và trình tự tự đăng ký kết hôn, mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng như hệ thống các văn bản hướng dẫn cũng đã quy định khá chi tiết, tuy nhiên trên thực tế thì việc áp dụng những quy định trên để thành một thủ tục đăng ký kết hôn thì lại hết sức rườm rà. Các cán bộ tại cơ quan có thẩm quyền trong việc đăng ký kết hôn đôi khi do thiếu trình độ chuyên môn, đôi khi còn thiếu trách nhiệm trong công việc nên đã gây rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền đăng ký kết hôn của các chủ thể. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan ban ngành cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa để thủ tục đăng ký không còn phức tạp, khuyến khích các chủ thể thực hiện tốt được quyền kết hôn của mình. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng hơn nữa trong việc xử lý nghiêm khắc các trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều kiện về đăng ký kết hôn. Như định nghĩa về kết hôn trái pháp luật tại khoản 3 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định; Như vậy, để xác định là kết hôn trái pháp luật thì sẽ phải có hành vi đăng ký kết hôn của các cơ quan thực hiện chức năng đăng ký kết hôn tại cơ sở. Vậy trong việc vi phạm dẫn đến kết hôn trái luật, lỗi do các bên chủ thể là một phần, nhưng cũng không thể không tính
đến trách nhiệm của cán bộ các cơ quan đăng ký kết hôn. Vậy khi xác định được bản chất của những cuộc hôn nhân đó là hôn nhân trái pháp luật thì sẽ xử lý như thế nào đối với các cơ quan này. Thiết nghĩ, pháp luật cần đặt ra chế tài cụ thể, nghiêm khắc hơn nữa nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ sở.
Thứ ba: Qua nghiên cứu về vấn đề kết hôn vi phạm những điều kiện kết hôn, cho thấy một thực tế đó là sự nhận thức pháp luật của người dân trong xã hội, đặc biệt là dân cư tại các vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh còn rất hạn chế. Một nguyên nhân xuyên suốt các hành vi vi phạm cũng như việc xử lý những hành vi đó chưa có kết quả đó chính là xuất phát từ nguyên nhân về nhận thức của người dân. Họ không biết đến những quy định của pháp luật cho mình những quyền lợi như vậy, cũng có thể không biết cách vận dụng để bảo vệ quyền lợi cho mình, đó là một thiệt thòi lớn. Do đó, công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân là một công tác cần được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Chính phủ mặc dù đã triển khai rất nhiều những chương trình, những dự án nhằm đưa ánh sáng của pháp luật đến với đời sống nhân dân, nhất là tại các địa phương xa xôi, hẻo lánh. Hàng năm, hàng trăm trường Đại học, Cao đẳng của thủ đô Hà Nội đã cử các đoàn tình nguyện về tuyên truyền pháp luật đến cho người dân. Những kết quả thu được từ những chương trình đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa cả về chất lượng và cách thức tuyên truyền, sao cho hiệu quả của công tác này được tốt hơn.
Trên đây là một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ kết hôn trái pháp luật và một số giải pháp đảm bảo hoạt động có hiệu quả của các thiết chế trong việc thi hành pháp luật về vấn đề liên quan. Để có thể hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng kết hôn trái pháp luật, đảm bảo nguyên tắc hôn nhân tiến bộ, vì hạnh phúc của mỗi cá nhân và gia đình, đòi hỏi các cơ quan chuyên ngành, các chủ thể có liên quan cần có biện pháp cải tiến một cách đồng bộ để xây dựng được hệ thống pháp luật tiến bộ, phản ánh được bản chất của các quan hệ xã hội.
KẾT LUẬN
Kết hôn trái pháp luật là những trường hợp kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn hoặc rơi vào những trường hợp cấm kết hôn như trong quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Kết hôn trái pháp luật không chỉ xâm phạm tới những quyền, lợi ích hợp pháp của những chủ thể trong xã hội như những trường hợp kết hôn do vi phạm sự tự nguyện, kết hôn do vi phạm độ tuổi… mà còn đi ngược lại với những truyền thống, bản sắc dân tộc như những trường hợp kết hôn với những người đã có vợ, có chồng… Kết hôn trái pháp luật không phải là một hiện tượng mới mẻ trong xã hội Việt Nam, từ xưa đến nay, những hình thức vi phạm vẫn luôn tồn tại và đều được dự liệu trong các hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong tình hình xã hội Việt Nam hiện nay, dưới sự tác động của rất nhiều những yếu tố khác nhau: như kinh tế, chính trị, xã hội, hội nhập quốc tế, khoa học kỹ thuật… đã hình thành nên những cách suy nghĩ, những phong cách sống khác nhau, giá trị của gia đình đôi khi đã bị coi nhẹ, những điều kiện kết hôn không được chấp hành nghiêm chỉnh gây ra những bức xúc trong đời sống nhân dân. Có thể nhận thấy trong những năm trở lại đây kết hôn trái pháp luật ngày một phổ biến với những dạng vi phạm phong phú hơn, trở thành một nỗi nhức nhối của gia đình, xã hội.
Qua những nghiên cứu của luận văn, chúng ta có thể đánh giá được những vấn đề lý luận về kết hôn trái pháp luật trên các góc độ khác nhau, qua đó nhận thấy đây là một vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, cần được quan tâm đúng mực. Bên cạnh đó, luận văn cũng đưa ra từng trường hợp vi phạm cụ thể để góp phần giải thích, làm rõ sự vi phạm, đánh giá những nguyên nhân cũng như quá trình áp dụng pháp luật trong việc giải quyết những vi phạm đó. Từ những vấn đề lý luận, soi vào pháp luật thực định và thực tiễn áp dụng mới thấy hết được những điểm mạnh cũng như những hạn chế của pháp luật hiện hành khi quy định về vấn đề này. Nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, luận văn cũng đã chi ra những nhu cầu khách quan, những phương hướng hoàn thiện cũng như một số kiến nghị, giải pháp cơ bản góp phần hoàn thiện hơn nữa một hệ thống pháp luật Hôn nhân và gia đình tiến bộ, bảo vệ quyền con người, vì con người.