Những quy định về kết hôn trái pháp luật trong cổ luật Việt Nam

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 29)

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

1.4.1. Những quy định về kết hôn trái pháp luật trong cổ luật Việt Nam Việt Nam

Trong lịch sử lập pháp của Việt Nam không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của hai bộ Quốc triều Hình luật và Hoàng Việt luật lệ. Đó là những chuẩn mực pháp lý được vua chúa đặt ra trong thời kỳ phong kiến nhằm điều chỉnh những mối quan hệ cả về hình sự, dân sự phát sinh trong đời sống xã hội.

Bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) là bộ luật hình chính thống và quan trọng nhất của triều đại Nhà Lê (1428-1788); là một thành tựu có giá trị đặc biệt trong trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Bố cục của Luật Hồng Đức gồm 13 chương, ghi chép trong 6 quyển (5 quyển có 2 chương/quyển và 1 quyển có 3 chương), gồm 722 điều quy định tổng quát về các vấn đề như: Danh lệ, cấm vệ, quân lính, điền sản, thông gian, hộ hôn… Trong đó riêng về lĩnh vực hôn nhân và gia đình có 58 điều quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân và gia đình và những tội phạm khác trong lĩnh vực này.

Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) là bộ luật chính thức của Việt Nam thời đầu nhà Nguyễn do Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành soạn thảo và vua Gia Long cho ban hành năm 1815. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lập ra triều Nguyễn. Bên cạnh việc tổ chức bộ máy nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền, triều Nguyễn quan tâm xây dựng luật pháp để bảo vệ quyền thống trị của triều đại, quản lý các mặt của đất nước. Năm 1811, vua Gia Long ra chỉ dụ cho Nguyễn Văn Thành soạn thảo một bộ luật, đến năm 1815 hoàn thành. Bố cục của Luật Gia Long bao gồm 398 điều, chia thành 22 quyển gồm 21 quyển chính và một quyển phụ lục với những nội dung chính như: Biểu kê các luật lệ; Danh lệ (Quy tắc định luật lệ); Lại luật (Luật hành chính); Hộ luật (Luật dân sự); Hình luật…

Trong đó lĩnh vực hôn nhân và gia đình cụ thể là vấn đề kết hôn giữa các bên nam nữ đều được cả hai Bộ Luật quan tâm và thể hiện qua một số quy định về điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn. Tại thời kỳ đó, chưa hề có một khái niệm cụ thể nào về vấn đề kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên căn cứ vào những chuẩn mực về điều kiện cũng như nghi thức kết hôn, nếu vi phạm những điều đó thì hôn nhân sẽ không được thừa nhận, sẽ là hôn nhân trái pháp luật theo quan niệm của người xưa.

Vi phạm về điều kiện kết hôn:

Trong quan hệ kết hôn, Bộ luật Hồng Đức quy định các điều kiện để kết hôn trước hết là: có sự đồng ý của cha mẹ (Điều 314). Đó cũng là nét đặc trưng của hôn nhân thời đó, hôn nhân hầu hết xuất phát từ quyền lợi của gia đình và dòng họ với mục đích duy trì sự giao kết giữa các dòng họ; thờ phụng tổ tiên và kế truyền dòng dõi tông tộc. Do đó, việc kết hôn không chỉ là vấn đề của hai bên nam nữ, họ không thể tự mình quyết định mà nhất thiết phải có sự đồng ý của cha mẹ. Cùng với Bộ luật Hồng Đức, Luật Gia Long cũng thừa nhận nguyên tắc này và ghi nhận tại Điều 94. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như hai bên nam nữ kết hôn chỉ có bà con xa hoặc họ ở xa nhà, nguyên tắc này cũng có ngoại lệ. Về độ tuổi kết hôn, cả hai bộ luật đều có một thiếu sót chung đó là không quy định rõ về độ tuổi cho phép hai bên nam nữ, mặc dù trong Thiên Nam dư hạ tập (phần lệ Hồng Đức hôn giá) có viết: "Con trai 18 tuổi, con gái 16 tuổi mới có thể thành hôn" [19, tr. 57], có lẽ là do đã tồn tại một văn bản khác cùng thời quy định về điều này. Đề việc kết hôn có giá trị pháp lý trên thực tế, các bên nam nữ còn phải tuân thủ những quy định về cấm kết hôn như: Không được kết hôn giữa những người họ hàng thân thích (Điều 319 Quốc triều hình luật, Điều 100, 101, 102 Hoàng Việt luật lệ);Cấm kết hôn khi đang có tang cha mẹ hay tang chồng (Điều 317 Quốc triều hình luật); Cấm kết hôn khi ông, bà, cha, mẹ đang bị giam cầm, tù tội (Điều 318 Quốc triều hình luật, Điều 99 Hoàng Việt luật lệ)…

Nếu vi phạm những điều kiện trên thì hôn nhân bị coi là kết hôn trái pháp luật, buộc phải ly dị và có thể phải chịu những hình phạt tùy theo từng trường hợp. Ví dụ kết hôn khi có tang cha mẹ hoặc tang chồng thì bị coi là tội đồ và bị phạt 100 trượng (Điều 98 Hoàng Việt luật lệ)…

Vi phạm về nghi thức kết hôn: Theo phong tục tập quán của dân tộc ta từ xưa đến nay, cưới hỏi vốn là một chuyện hệ trọng trong cuộc đời mỗi con người. Do đó, không thể tiến hành qua loa mà phải tuân thủ đủ các bước, các nghi thức nhất định. Cả hai bộ cổ luật của Việt Nam đều quy định kết hôn bao gồm hai nghi thức chính đó là: Đính hôn và Thành hôn. Trong Quốc triều hình luật được quy định tại các Điều 314, Điều 315, Điều 322. Các quy định trong bộ luật cho thấy cuộc hôn nhân chỉ có giá trị pháp lí từ sau lễ đính hôn. Ví dụ Điều 315 quy định: "Gả con gái đã nhận đồ sính lễ mà lại thôi không gả nữa thì phải phạt 80 trượng …còn người con gái phải gả cho người hỏi trước" [47, tr. 65]. Tương ứng với những quy định về Đính hôn trong Quốc triều hình luật là những quy định về Hôn thư trong Hoàng Việt luật lệ. Hôn thú được coi là lời cam kết của hai chủ hôn, do vậy khi đã có hôn thư mà đổi ý, chủ hôn nhà gái bị phạt 50 roi, người con gái vẫn phải về nhà chồng đã hứa gả. Cuộc hôn nhân có giá trị thực tế sau lễ thành hôn. Bộ Quốc triều hình luật không quy định thủ tục thành hôn, có lẽ do nhà làm luật dành vấn đề này cho phong tục tập quán, hoặc do thủ tục thành hôn cũng đã được quy định tỉ mỉ trong Lệ Hồng Đức hôn giá gồm 4 nghi lễ: lễ nghị hôn, lễ định thân, lễ nạp trưng, lễ thân nghinh. Với việc quy định kết hôn phải qua đính hôn rồi đến thành hôn mà không cần phải lập văn tự hôn thú, nhà làm luật triều Lê đã rất chú trọng đến phong tục tập quán của người Việt. Nhiều nghi lễ đến nay vẫn được bảo tồn và gìn giữ thực hiện. Có thể đến giai đoạn hiện nay, quan hệ hôn nhân sẽ phát sinh hiệu lực pháp lý khi thủ tục đăng ký kết hôn được hoàn tất, việc tổ chức hôn lễ chỉ là theo phong tục, tập quán của từng địa phương. Dù không có việc cử hành hôn lễ thì pháp luật vẫn thừa nhận quan hệ giữa họ. Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, ngoài việc tuân thủ những quy định về

điều kiện kết hôn, hôn nhân chỉ có giá trị pháp lý cũng như giá trị pháp lý sau những thủ tục và nghi thức nhất định như trên.

Như vậy, qua những quy định của hai bộ cổ luật Việt Nam, có thể thấy rằng những nội dung về hôn nhân và gia đình cũng như những quy định về kết hôn vẫn còn khá ít và cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Cùng với đó là vấn đề kết hôn trái pháp luật chưa được quy định trực tiếp và cụ thể. Tuy nhiên, qua việc đặt ra những chuẩn mực về điều kiện, nghi thức kết hôn cũng đã cho thấy trong thời kỳ này quan niệm về kết hôn trái pháp luật đã bắt đầu xuất hiện. Khi có những hành vi đi ngược lại những quy định đó thì đều không có giá trị pháp lý và không được công nhận. Ngoài ra, giống như các bộ luật phong kiến khác, các quy định về hôn nhân trong Bộ Quốc triều hình luật cũng như Hoàng Việt luật lệ thể hiện rõ bản chất giai cấp của nó. Mục tiêu hàng đầu của nó là để bảo vệ vương quyền địa vị và quyền lợi của giai cấp phong kiến, củng cố trật tự xã hội và gia đình gia trưởng phong kiến. Chính vì vậy mà quan niệm về kết hôn trái pháp luật cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 29)