Hợp tác kinh tế quốc tế là quá trình lịch sử lâu dài. Trước đây, nó phụ thuộc vào kinh tế như là bộ phận còn lại sau khi đã cân bằng ở bên trong, được trao đổi và nối với phần còn lại của thế giới; ngày nay trong chừng mực nhất định, nó có những mặt vượt trước và mở đường cho các hoạt động kinh tế; tạo điều kiện cho cân bằng bên trong có hiệu quả hơn
Hợp tác quốc tế là cần thiết, ngày nay lại càng cần thiết bởi vì:
-Do tính không đồng đều trong phân bố tài nguyên thiên nhiên, sau quá trình khai thác tính không đều càng tăng lên.
- Do nhiều nguyên nhân, sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị, đã kéo theo sự không đều về số và chất lượng các nhân tố sản xuất.
- Sự phát triển của khoa học,công nghệ đã cho phép vận tải thông tin liên lạc rút ngắn thời gian, không gian.
- Sự phát triển theo hướng chất lượng buộc phải cân bằng động các nhân tố trên cơ sở tầm nhìn toàn thế giới.
Vì vậy, hợp tác quốc tế trở thành nhân tố quan trọng, thậm chí có tính sống còn của nhiều quốc gia.
Hợp tác quốc tế tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế trên nhiều mặt: - Cho phép mở rộng khả năng sản xuất và tiêu dùng của quốc gia.
- Duy trì tăng trưởng, giảm nhẹ tác động tiêu cực của chu kỳ kinh doanh.
- Cho phép tập trung các nguồn lực để phát triển một số ngành có lợi thế, cân bằng có hiệu quả các nhân tố sản xuất cũng như cân bằng có hiệu quả cơ cấu sản xuất với với cơ cấu nhu cầu tiêu dùng cuối cùng.
- Cho phép du nhập, đuổi bắt nhanh hơn các thành tựu khoa học công nghệ, kiến thức kỹ năng kinh doanh và quản lý.
Để hợp tác quốc tế có hiệu quả, phải tạo ra và không ngừng hoàn thiện các vấn đề có tính điều kiện sau :
- Số lượng, chất lượng các yếu tố vật chất bên trong. Đây là cơ sở và nền tảng của hợp tác quốc tế.
- Thiết lập và hoàn thiện quan hệ chính tri- xã hội giữa các quốc gia. Đây là điều kiện có tính mở đường, tạo ra môi trường pháp lý, tâm lý để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh và hành động.
- Thiết lập và hoàn thiện quan hệ với các tổ hợp kinh tế - tài chính quốc tế, các tổ hợp địa chính trị. Đây là điều kiện có tính nối kết để tạo ra mạng các quan hệ kinh tế, tài chính.
- Đào tạo và nâng cao trình độ các nhà doanh nghiệp, các nhà quản trị, các nhà quản lý. Đây là điều kiện có tính nối kết và quyết định hiệu quả của hợp tác quốc tế.
- Cuối cùng là các vấn đề thuộc môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và thể chế. Hợp tác quốc tế diễn ra dưới nhiều hình thức:
- Trao đổi hàng hóa dịch vụ. Đây là hình thức đầu tiên, có tính phổ biến, cho đến nay vẫn là hình thức cơ bản của nhiều nước trong hợp tác quốc tế.
- Hợp tác đầu tư.(Hình thức này được các nước coi trọng từ những năm 1980 đến nay).
Tùy trình độ phát triển và yêu cầu của của chiến lược phát triển, mỗi nước đều
tích hợp cho mình một phương thức hợp tác trên cơ sở các hình thức cơ bản trên đây.