Giáo dục y đức là một hiện tượng xã hội, là quá trình truyền thụ và lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm sống, hình thành niềm tin và rèn luyện thói quen hành vi ứng xử của người bác sỹ quân y phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của xã hội, của quân đội. Giáo dục và đào tạo là con đường cơ bản để trang bị cho học viên hệ thống tri thức tổng hợp gồm: khoa học cơ bản, y học cơ sở, y học lâm sàng; bồi dưỡng kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp; hệ thống kinh nghiệm hoạt động sáng tạo;
những giá trị chuẩn mực đạo đức của xã hội, quân đội và của ngành y. Đây là những cơ sở nền tảng thường xuyên, trực tiếp tác động đến việc hình thành và phát triển nhân cách nói chung và y đức của người học viên nói riêng.
Sự phát triển y đức của học viên là kết quả của sự tác động tổng hợp nhiều yếu tố, trong đó quá trình giáo dục (giáo dục, tự giáo dục) là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định.
Trước khi vào học tại Học viện, những phẩm chất y đức trong nhân cách người học viên chưa được hình thành. Vì vậy, giáo dục y đức là hoạt động căn bản đầu tiên để phát triển y đức cho học viên.
Quá trình giáo dục y đức diễn ra có sự tương tác giữa chủ thể giáo dục và đối tượng giáo dục trong môi trường y đức của Học viện. Chủ thể giáo dục căn cứ vào mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giáo dục, sử dụng các phương pháp, phương tiện, hình thức giáo dục truyền thụ nội dung giáo dục tác động vào học viên. Học viên tự giác, tích cực, chủ động xử lý, tiếp nhận thông tin, từng bước tạo nên sự chuyển hoá về chất các phẩm chất y đức của mình theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo.
Thông qua sự tác động của chủ thể giáo dục làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, niềm tin của học viên vào những giá trị tốt đẹp của y đức người thầy thuốc cách mạng. Sự nhận thức đúng đắn như vậy là điều kiện, tiền đề để giải quyết những quan hệ y đức và hướng dẫn hành vi y đức cho học viên. Kết quả quá trình phát triển y đức của học viên phụ thuộc một cách trực tiếp và có ý nghĩa quyết định vào chất lượng giáo dục rèn luyện của chủ thể giáo dục, mà trước hết là tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy, tổ chức đoàn thanh niên trong nhà trường. Bởi, chủ thể giáo dục quyết định cả nội dung, tính chất, phạm vi, phương pháp tác động, mức độ phát triển y đức cách mạng của học viên. Đồng thời, chủ thể giáo dục còn hướng dẫn và trực tiếp tổ chức
các hoạt động thực tiễn, qua đó giáo dục, rèn luyện, uốn nắn những sai lệch trong quá trình phát triển y đức của học viên.
Những yêu cầu khách quan, những mục tiêu, nội dung, phương hướng phát triển y đức của học viên sẽ không được hiện thực hoá vào trong ý thức cũng như hành động thực tiễn y đức của học viên nếu chúng không trở thành nhu cầu tự thân ở họ. Chính vì vậy, giáo dục y đức của chủ thể giáo dục phải gắn liền với tự giáo dục của học viên. Chỉ khi nào học viên nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, nội dung của y đức; có kiến thức chuyên môn vững vàng; có tình cảm và niềm tin mãnh liệt vào các giá trị của y đức thì khi đó mới tạo nên động lực bên trong thôi thúc họ tự giáo dục, rèn luyện để chuyển hoá thành phẩm chất nhân cách tốt đẹp của mình. Đặc biệt trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ bộ đội và nhân dân càng đòi hỏi những quy định nghiêm ngặt cả về chuyên môn, về bản lĩnh chính trị và phẩm chất y đức của học viên. Vì vậy, tự giáo dục, tự rèn luyện càng có vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với phát triển y đức của học viên.
Giáo dục và tự giáo dục để phát triển y đức của học viên không chỉ là giáo dục lý thuyết với hệ thống tri thức y đức qua sách vở mà phải gắn chặt giữa giáo dục, tự giáo dục với thực tiễn quá trình điều trị, xuất phát từ thực tiễn và hướng vào phục vụ thực tiễn.
Như vậy, giáo dục và tự giáo dục có mối quan hệ biện chứng với nhau. Giáo dục tạo ra điều kiện, tiền đề cho tự giáo dục, còn tự giáo dục góp phần chuyển hoá những giá trị đạo đức vốn là khách quan thành nhu cầu bên trong của mỗi học viên.
Giáo dục, tự giáo dục gắn liền với thực tiễn, tạo ra vòng khâu khép kín, mà thực tiễn là mắt khâu quan trọng trong quá trình phát triển y đức của học viên. Từ yêu cầu thực tiễn để tiến hành giáo dục và tự giáo dục, thông qua thực tiễn để kiểm tra, uốn nắn, đánh giá trình độ phát triển y đức trong học
viên, đồng thời tổng kết, bổ sung những giá trị mới làm tiền đề cho quá trình phát triển tiếp theo, đó là lôgíc cơ bản của phát triển y đức của học viên Hệ Đào tạo BSQĐ ở HVQY.
Kết luận chƣơng 1
Học viên Hệ Đào tạo BSQĐ ở HVQY là những quân nhân cách mạng, được giáo dục đào tạo để trở thành người sĩ quan - bác sỹ phục vụ trong ngành quân y. Vì vậy, việc phát triển y đức cho họ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường là hết sức cần thiết.
Hệ thống giá trị y đức của học viên là sự thống nhất giữa những nguyên tắc, chuẩn mực chung của ĐĐCM, phẩm chất đạo đức của Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất y đức của người thầy thuốc cách mạng và những phẩm chất y đức riêng của học viên phù hợp với đặc thù yêu cầu hoạt động của ngành y, đặc điểm quá trình đào tạo và hoạt động của học viên tại Học viện.
Quá trình đào tạo là quá trình phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, trong đó có phát triển y đức. Phát triển y đức của học viên là một quá trình tích cực, tự giác tiếp nhận và chuyển hoá các giá trị đạo đức nói chung và y đức nói riêng thành phẩm chất y đức trong nhân cách của mỗi người. Phát triển y đức của học viên có vai trò hết sức quan trọng. Nó là cơ sở để nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi y đức; là điều kiện để phát triển toàn diện nhân cách; là động lực thúc đẩy học viên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Phát triển y đức của học viên Hệ Đào tạo BSQĐ ở HVQY phụ thuộc vào sự tác động tổng hợp của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan mà trước hết là phụ thuộc vào các yếu tố: điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước; môi trường y đức của Học viện; hiệu quả của cuộc đấu tranh chống lại mọi biểu hiện tiêu cực trong ngành và Học viện; quá trình giáo dục, rèn luyện và tự giáo dục rèn luyện của học viên.
Chƣơng 2