sạch, lành mạnh
Môi trường y đức ở HVQY bao gồm tổng hợp nhiều yếu tố tạo thành, là kết quả hoạt động tự giác tích cực của các chủ thể quản lý giáo dục và học viên. Môi trường y đức HVQY là nơi diễn ra các hoạt động truyền thụ, lĩnh hội và hiện thực hoá y đức của học viên. Xây dựng môi trường y đức là nền tảng để đấu tranh chống lại sự tác động tiêu cực từ mặt trái của đời sống kinh tế - xã hội và sự tấn công về tư tưởng đạo đức, lối sống của kẻ thù. Vì vậy, môi trường y đức có ý nghĩa quan trọng, thường xuyên tác động tích cực đến phát triển y đức của học viên.
Để xây dựng môi trường y đức, Học viện cần quán triệt, thực hiện tốt quan điểm: Toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, đồng thời cần làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, làm cho hệ thống các giá trị, chuẩn mực y đức phải trở thành nhu cầu tất yếu, là bộ phận cơ bản trong nhân cách học viên.
Hệ thống giá trị, chuẩn mực y đức là một thành tố cơ bản trong môi trường y đức của Học viện, nó thấm sâu vào các thành tố khác và chi phối, định hướng quá trình phát triển của chúng.
Hệ thống giá trị y đức trong môi trường y đức Học viện mà học viên tiếp nhận là những giá trị y đức tinh hoa được chắt lọc và hun đúc trong lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Học viện (gồm những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội, của quân đội, của ngành y và của Học viện). Những giá trị cao quí đó đã được các thế hệ học viên tiếp nhận và chuyển hóa, thực sự đã trở thành phẩm chất y đức của người học viên; là nền tảng trong đời sống tinh thần đạo đức học viên; là động lực mạnh mẽ thôi thúc các thế hệ học viên học tập, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.
Thế hệ học viên của Học viện hôm nay đang là những người tiếp bước cha anh để bảo tồn và phát triển những giá trị y đức đó. Tiếp nhận hệ thống giá trị y đức vừa là yêu cầu đòi hỏi khách quan, vừa là trách nhiệm của học viên, đồng thời đây cũng chính là mục tiêu của quá trình đào tạo. Do đó, tiếp nhận hệ thống giá trị y đức đã trở thành nhu cầu bên trong của mỗi học viên và nó phải được thấm nhuần trong nhận thức, quan hệ và hành vi y đức ở họ, trở thành các phẩm chất y đức bền vững trong nhân cách người bác sỹ quân y tương lai.
Để mỗi học viên đều có phẩm chất y đức cách mạng và những phẩm chất ấy thường xuyên được củng cố, phát triển thì đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, các chủ thể quản lý giáo dục trong nhà trường phải thực sự quan tâm giáo dục, bồi dưỡng phát triển y đức cho học viên. Khi các giá trị y đức đã trở
thành giá trị riêng bền vững trong mỗi học viên, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố môi trường y đức của Học viện ngày càng trong sạch.
Thứ hai, xây dựng các quan hệ y đức lành mạnh ở đơn vị.
Trong hoạt động thực tiễn và đời sống tình cảm, người học viên có rất nhiều các mối quan hệ khác nhau, có vai trò, vị trí khác nhau. Giải quyết tốt các mối quan hệ này theo đúng chuẩn mực đạo đức là góp phần quan trọng vào sự phát triển y đức của họ.
Xây dựng các quan hệ y đức trong đơn vị trước tiên phải quán triệt và thực hiện tốt “Qui định về y đức” ban hành theo Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 6 tháng 11 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Qui định này xác định bốn mối quan hệ mật thiết hữu cơ đó là: mối quan hệ của người thầy thuốc với nghề nghiệp; mối quan hệ của người thầy thuốc với người bệnh; mối quan hệ giữa cán bộ y tế với bậc thầy, với đồng nghiệp; mối quan hệ giữa cán bộ y tế với xã hội.
Ngoài việc xây dựng các mối quan hệ về nghề nghiệp, căn cứ vào đặc thù hoạt động quân sự và tâm lý cá nhân, các chủ thể giáo dục còn cần phải xây dựng các mối quan hệ khác như: quan hệ cấp trên, cấp dưới, quan hệ lãnh đạo phục tùng, quan hệ đồng chí, đồng đội. Giải quyết các mối quan hệ này phải trên cơ sở điều lệnh, điều lệ quân đội, theo đúng nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong quân đội. Bên cạnh việc xây dựng các mối quan hệ y đức chính thức trên, các chủ thể quản lý giáo dục cần phải quan tâm chú ý xây dựng các quan hệ không chính thức như: quan hệ bạn bè, đồng hương, cùng sở thích, tạo điều kiện cho học viên giải quyết lành mạnh các mối quan hệ, qua đó hỗ trợ cho các quan hệ cơ bản của học viên phát triển tốt đẹp.
Xây dựng và tạo điều kiện cho học viên giải quyết hài hòa các quan hệ y đức là góp phần chăm lo đời sống tinh thần, tư tưởng của học viên, tạo nên bầu không khí tập thể tốt đẹp, vừa có trật tự kỷ cương, tôn trọng lẫn nhau, vừa thấm đượm tính nhân văn, nhân đạo cao cả của người quân nhân - người thầy thuốc cách mạng. Xây dựng tốt các quan hệ y đức trong đơn vị sẽ là động lực thôi thúc
học viên vươn lên trong học tập, rèn luyện hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để xây dựng các quan hệ y đức của học viên cần làm tốt một số biện pháp cơ bản là: Nâng cao nhận thức và nắm vững nguyên tắc giải quyết các mối quan hệ y đức trong đơn vị cho học viên, cần phải giáo dục: lý tưởng, y đức, lối sống kết hợp với giáo dục nâng cao hiểu biết về pháp luật của Nhà nước, qui định của ngành và điều lệnh, điều lệ quân đội. Trên cơ sở đó giúp học viên hình thành thói quen và hành vi y đức tốt đẹp trong giải quyết các mối quan hệ trong cuộc sống.
Kết hợp giữa tính tích cực tự giác của học viên với sự kiểm soát của tập thể và các chủ thể quản lý giáo dục để hướng dẫn, điều chỉnh học viên giải quyết hài hoà các quan hệ y đức.
Bằng mọi hoạt động thực tiễn như văn hoá thể thao, giao lưu tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo, với các thầy giáo, thầy thuốc và người bệnh, thông qua đó hình thành cách ứng xử, thói quen, hành vi y đức tốt đẹp cho học viên.
Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và đội ngũ thầy thuốc ở 2 bệnh viện thực hành của Học viện (Bệnh viện 103 và Viện Bỏng Quốc gia). Bởi lẽ, ảnh hưởng của nhân cách nhà giáo dục đối với học viên là hết sức to lớn. Thông qua nhân cách cao đẹp của nhà giáo dục trực tiếp tạo ra niềm tin, khơi dậy ý thức trách nhiệm, khích lệ lòng hăng say, tính tích cực chủ động của người học. Đặc biệt “Mỗi cử chỉ tốt đẹp của người giáo viên đối với người bệnh làm xúc động học viên, sẽ có tác động tích cực đến học viên hơn bất cứ bài giảng nào về đạo đức” [77, tr.51]. Thường xuyên phát hiện và nhân rộng các điển hình về y đức của học viên, đồng thời ngăn ngừa và khắc phục ngay những biểu hiện tiêu cực trong giải quyết các mối quan hệ của học viên.
Thứ ba, xây dựng tập thể học viên vững mạnh, phát huy vai trò của các thiết chế y đức trong xây dựng môi trường y đức.
Tập thể học viên là một bộ phận của môi trường y đức, ở đó có những quan hệ cụ thể với những bộ phận của thiết chế y đức và hệ thống giá trị y đức của học viên. Vì vậy, xây dựng môi trường y đức chính là xây dựng môi trường tập thể trong sạch vững mạnh.
Tập thể học viên ở HVQY có vai trò to lớn trong xây dựng môi trường y đức và phát triển y đức cho học viên. Nó là môi trường trực tiếp giáo dục, rèn luyện y đức cho học viên, đồng thời cũng là nơi học viên tham gia vào các quan hệ xã hội để khẳng định trình độ phát triển y đức ở mỗi người.
Trong xây dựng tập thể học viên ở HVQY cần quan tâm tiến hành các nội dung biện pháp cụ thể sau:
Xây dựng lớp, hệ quản lý học viên vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó lấy xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị làm cơ sở, phát huy vai trò tích cực chủ động của các tổ chức trong xây dựng môi trường y đức, giáo dục, rèn luyện phát triển y đức cho học viên. Xây dựng tập thể vững mạnh toàn diện phải lấy xây dựng các tổ chức làm then chốt; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực, trình độ tổ chức, quản lý, chỉ huy; nâng cao năng lực trình độ tổ chức vận động tập hợp quần chúng và phát huy vai trò xung kích của đoàn thanh niên, đó là những nội dung biện pháp căn bản để xây dựng các tổ chức trong Học viện.
Cùng với việc xây dựng tập thể học viên vững mạnh, cần phải xây dựng hệ thống thiết chế y đức của môi trường y đức HVQY, bao gồm: thiết chế lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chức năng, đoàn thanh niên cùng các cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho giáo dục tuyên truyền về y đức. Hệ thống thiết chế y đức có vai trò quan trọng nhằm tạo điều kiện giao lưu, trao đổi, phát triển y đức cho học viên. Trong hệ thống thiết chế của môi trường y đức HVQY thì thiết chế lãnh đạo, chỉ huy có vị trí, vai trò quan trọng nhất, nó
vừa là thành tố của môi trường y đức, vừa là chủ thể xây dựng và phát huy vai trò của môi trường y đức, của quá trình giáo dục phát triển y đức cho học viên. Vì vậy, cần chăm lo xây dựng tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng tổ chức gắn với xây dựng nâng cao trình độ năng lực làm công tác giáo dục cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Học viện. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ huy trong tổ chức thực hiện và kiểm tra uốn nắn quá trình phát triển y đức của học viên. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng đồng bộ các yếu tố của hệ thống thiết chế đạo đức, văn hoá, phát huy hiệu quả các phương tiện vật tư công tác đảng, công tác chính trị, tổ chức hoạt động văn hoá tinh thần phong phú, hỗ trợ tích cực cho phát triển y đức của học viên.
“Tiếp tục xây dựng Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia là hai bệnh viện thực hành chính quy, mẫu mực của Học viện, lấy nhiệm vụ huấn luyện là trung tâm. Thực hiện đúng, đủ các chỉ tiêu huấn luyện lâm sàng và các chỉ tiêu thu dung điều trị do Cục Quân y và Bộ Y tế giao. Đồng thời thực hiện mẫu mực các chế độ của bệnh viện, không để xảy ra mất an toàn trong điều trị do thiếu trách nhiệm, tạo sự chuyển biến về y đức, thái độ phục vụ người bệnh. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực trong điều trị” [21, tr.42]. Trên cơ sở đó, phấn đấu xây dựng hai bệnh viện này thành đơn vị vững mạnh toàn diện, đơn vị quân y 5 tốt, bệnh viện văn hoá, tạo môi trường gần gũi thuận lợi cho việc phát triển y đức của học viên.