Các đặc điểm của khách thể của tội phạm

Một phần của tài liệu Khách thể của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 25)

Với tư cách là một yếu tố CTTP, khách thể của tội phạm mang những đặc điểm chung của các yếu tố CTTP như sau:

Thứ nhất, khách thể của tội phạm bắt buộc phải được quy định trong pháp luật hình sự thực định

Là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, do vậy khách thể của tội phạm bắt buộc phải được xác định bởi luật hình sự. Chỉ có những quan hệ xã hội nào được luật hình sự bảo vệ thì mới là khách thể của tội phạm. Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi BLHS quy định nó là tội phạm, vì vậy các yếu tố cấu thành của hành vi ấy không thể nằm ngoài quy định của BLHS.

Thứ hai, chỉ khi nào xác định được hành vi thỏa mãn yếu tố khách thể của tội phạm thì mới có thể khẳng định hành vi ấy là tội phạm

Cùng với các yếu tố CTTP khác, hành vi phải thỏa mãn dấu hiệu khách thể của tội phạm thì mới bị coi là tội phạm. Hành vi phải xâm hại đến một quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ thì nó mới có tính trái pháp luật hình sự và bị luật hình sự đe dọa áp dụng biện pháp trừng phạt.

Thứ ba, khách thể của tội phạm là một khái niệm khoa học trừu tượng chứ không phải chế định hay quy định pháp luật cụ thể

Khách thể của tội phạm cũng như các yếu tố cấu thành khác của tội phạm đều được các nhà lý luận nghiên cứu trong khoa học luật hình sự. Không có pháp luật thực định của một quốc gia nào trên thế giới định nghĩa hay mô

tả dấu hiệu của khách thể của tội phạm. Pháp luật hình sự chỉ thiết lập các quy định bảo vệ những quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm.

Thứ tư, khách thể của tội phạm được dự kiến trước sự kiện phạm tội thực tế

Các yếu tố CTTP mà mô hình dựng sẵn của tội phạm, khi nào hành vi xảy ra trong thực tế tương ứng với mô hình đó thì hành vi ấy bị coi là tội phạm. Vì vậy, khách thể của tội phạm luôn phải là quan hệ xã hội đã được thừa nhận và bảo hộ pháp luật hình sự thực định. Khi có những quan hệ xã hội mới phát sinh cần được bảo vệ bằng pháp luật hình sự (hoặc những quan hệ xã hội có từ trước mà đến nay mới rơi vào tình trạng cần được bảo vệ bằng pháp luật hình sự) nhưng pháp luật hình sự vẫn chưa kịp xác lập sự bảo vệ đối với những quan hệ xã hội ấy thì cũng không thể coi hành vi xâm hại chúng là tội phạm.

Bên cạnh các đặc điểm nói trên, khách thể của tội phạm cũng có những đặc điểm riêng làm cho nó khác biệt với các yếu tố CTTP khác, bao gồm:

Thứ nhất, khách thể của tội phạm là yếu tố đặc trưng riêng của mỗi tội phạm.

Khách thể chung của tội phạm là chung nhau đối với mọi tội phạm nhưng khách thể loại của các tội phạm là đặc trưng của nhóm tội phạm và khách thể trực tiếp là đặc trưng của tội phạm cụ thể. Trong khi đó các yếu tố khác của CTTP có thể trùng nhau ở đa số tội phạm. Ví dụ về yếu tố chủ thể của tội phạm, trừ một số tội phạm có chủ thể đặc biệt thì hầu hết chủ thể của các tội phạm chỉ cần thỏa mãn hai dấu hiệu chung về độ tuổi và trạng thái tâm thần. Yếu tố lỗi trong mặt chủ quan của tất cả các tội phạm đều phải thuộc về một trong hai dạng cố ý hoặc vô ý và trong lý luận thuộc một trong bốn dạng : cố ý trực tiếp; cố ý gián tiếp; vô ý do cẩu thả; vô ý vì quá tự tin. Nói chung căn cứ vào các yếu tố đó khó có thể thấy sự khác biệt giữa các tội phạm. Ngược lại khách thể là đặc trưng của tội phạm, dễ dàng phân biệt tội phạm này với tội phạm khác bằng dấu hiệu khách thể.

Thứ hai, khách thể của tội phạm tồn tại khách quan, độc lập với sự kiện phạm tội.

Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội bình thường trong đời sống, sự tồn tại của nó không liên quan đến tội phạm cho tới khi bị tội phạm xâm hại. Trong khi đó, mặt khách quan của tội phạm chính là diễn biến của sự kiện phạm tội; chủ thể của tội phạm là người tiến hành, thúc đẩy sự kiện phạm tội; mặt chủ quan của tội phạm thể hiện diễn biến bên trong suy nghĩ của người phạm tội trong quá trình của sự kiện phạm tội.

Thứ ba, khách thể của tội phạm không hiện hữu rõ ràng, cụ thể trong thế giới vật chất

Khách thể của tội phạm chỉ được nhận thức, xác định bằng tư duy trừu tượng của con người hoặc nhìn nhận thông qua dấu hiệu đối tượng vật chất, nạn nhân của tội phạm. Các yếu tố cấu thành khác của tội phạm thì có sự hiện hữu cụ thể và rõ rệt hơn. Ví dụ như chủ thể của tội phạm có thể xác định rõ danh tính, nhân thân; mặt khách quan của tội phạm chủ yếu thể hiện qua hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi ấy, có thể được chứng kiến trực quan, để lại dấu vết trong thế giới vật chất... Chính vì vậy, mặc dù là đặc trưng nổi bật của tội phạm nhưng đôi khi yếu tố khách thể của tội phạm cũng khó xác định.

Một phần của tài liệu Khách thể của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)