Với nội dung và những đặc điểm nêu trên, yếu tố khách thể của tội phạm có ý nghĩa hết sức to lớn trên phương diện pháp lý hình sự:
Thứ nhất, khách thể của tội phạm được xác định trong pháp luật thực định thể hiện nhiệm vụ của đạo luật hình sự, bản chất giai cấp của luật hình sự và chính sách hình sự của nhà nước
Bất cứ nhà nước nào cũng sử dụng luật hình sự để bảo vệ những quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích và nền thống trị của giai cấp cầm quyền. Những
hành vi xâm hại đến các quan hệ ấy bị nhà nước tuyên bố là tội phạm. Vì vậy, khách thể được xác định thể hiện bản chất giai cấp của pháp luật hình sự.
Khách thể của tội phạm phản ánh quan niệm về việc coi hành vi là tội phạm hoặc không phải là tội phạm, thể hiện chính sách hình sự hóa hay phi hình sự hóa đối với các hành vi cụ thể. Nghiên cứu khách thể của tội phạm được xác định trong một đạo luật hình sự còn giúp người ta nhận thức đầy đủ và sâu sắc nhiệm vụ của đạo luật ấy là hướng tới bảo vệ giá trị nào.
Thứ hai, khách thể là yếu tố đặc trưng của tội phạm nên là căn cứ hợp lý và khoa học nhất để phân loại, sắp xếp các tội phạm.
Như đã phân tích trên các yếu tố CTTP khác có tính phổ biến ở các tội phạm cụ thể, không đặc trưng và thể hiện bản chất của tội phạm nên nếu sử dụng chúng để phân loại, sắp xếp tội phạm thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều tội phạm có bản chất rất khác nhau lại nằm cùng một nhóm. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm và xác định quy phạm pháp luật cần áp dụng trong thực tiễn.
Thứ ba, khách thể của tội phạm thể hiện tính chất nguy hiểm của tội phạm.
Khách thể mà tội phạm xâm hại là những quan hệ xã hội càng quan trọng thì tội phạm đó càng có tính nguy hiểm cao. Mức độ quan trọng của loại khách thể được thể hiện qua biện pháp trừng phạt mà nhà làm luật dự kiến áp dụng đối với hành vi xâm khách thể ấy. Trong BLHS Việt Nam, sự đánh giá này còn được thể hiện qua việc sắp xếp thứ tự của các tội phạm theo khách thể loại. Các tội phạm xâm hại những khách thể quan trọng như: độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, tính mạng, sức khỏe con người... được đặt ở những quy định trước tiên trong Phần các tội phạm của Bộ luật.
Thứ tư, khách thể của tội phạm là căn cứ xác định tội phạm.
Khách thể của tội phạm là một yếu tố bắt buộc của CTTP nên mọi tội phạm đều sẽ phải xâm hại khách thể nào đó thuộc khách thể chung của tội phạm. Sẽ không có tội phạm nếu không có khách thể nào của tội phạm bị xâm hại. Ví
dụ như trước đây nhằm bảo vệ sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp nên BLHS năm 1985 coi lạm sát gia súc là một tội phạm. Hiện nay, do trình độ sản xuất phát triển nên sức kéo cung cấp từ đại gia súc cũng không còn đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp, không cần thiết phải bảo vệ bằng pháp luật hình sự nữa vì vậy hành vi lạm sát gia súc không còn được quy định là tội phạm trong luật hình sự. Vậy nên, hành vi sát hại số lượng rất lớn gia súc hiện nay cũng không CTTP.
Thứ năm, khách thể của tội phạm là căn cứ để xác định tội danh.
Khách thể có vai trò rất to lớn trong quá trình xác định tội danh. Việc xác định đúng khách thể chung, khách thể loại, khách thể trực tiếp của sự xâm hại là giai đoạn cần thiết đầu tiên trong xác định tội danh [85, tr. 96]. Việc xác định khách thể bị xâm hại của hành vi thuộc khách thể chung của tội phạm là cơ sở chung cho tất cả các hoạt động xác định tội danh sau đó. Bởi vì có khách thể chung bị xâm hại thì mới có tội phạm và mới cần xác định tội danh. Xác định được khách thể loại của tội phạm cho ra định hướng tìm kiếm nhóm quy phạm cần thiết trong hệ thống pháp luật hình sự. Xác định khách thể trực tiếp của tội phạm cho phép tìm được quy phạm cụ thể tương ứng với hành vi phạm tội.