Quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp

Một phần của tài liệu Nguyên tắc nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Trang 61)

nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước

Khởi kiện vì lợi ích của người khác, vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước là một quy định quan trọng trong TTDS. Đó là công cụ pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân, quyền lợi của công cộng, của Nhà nước khi có vi phạm, tranh chấp mà không có ai khởi kiện. Theo quy định này cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định; Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định; Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Do đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước, Điều 162 BLTTDS quy định:

1. Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định.

2. Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định.

3. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách [21].

Theo quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì: 1. Cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên theo quy định về pháp luật tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

3. Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

a) Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; b) Hội liên hiệp phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên [17].

Theo quy định của Điều luật trên, thì khi cha, mẹ của người chưa thành niên bị kết án về một trong những tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì những cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu trên có quyền khởi kiện ra Tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người con chưa thành niên. Sở dĩ có quy định như trên là bởi, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người con chưa thành niên khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng không tự bảo vệ được thì cần thiết phải có cá nhân, cơ quan, tổ chức về dân số và gia đình đứng ra khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích cho người đó. Mặt khác, cũng theo quy định tại Điều 66 luật Hôn nhân và Gia đình thì Viện kiểm sát, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, cho con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Đây là quy định cần thiết, mở rộng hơn nữa về việc xác định cha, mẹ, con và nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự. Quy định này là cần thiết và phù hợp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mà họ không có khả năng để tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình thông qua việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết về mặt dân sự.

Tương tự như vậy, tại khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn năm 2012 quy định về vai trò của tổ chức Công đoàn:

Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi

quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được ủy quyền [22].

Một trong những sự việc thu hút được sự quan tâm của dư luận trong những năm qua là việc Công ty Vedan Việt Nam đã sả thải trái phép ra sông Thị Vải làm ô nhiễm môi trường. Sự việc bắt đầu vào tháng 9/2008, Công ty Vedan bị Cảnh sát môi trường bắt quả tang khi đang sả thải trái phép ra sông Thị Vải trong nhiều năm. Sông Thị Vải dài 30km, bắt nguồn từ huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chảy qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu. Lưu vực sông Thị Vải có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Gò Dầu. Sự việc Công ty Vedan sả thải trái phép ra sông Thị Vải trong nhiều năm đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế của nông dân ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần thương lượng về bồi thường thiệt hại giữa Công ty Vedan và nông dân ở ba tỉnh trên không thành thì Hội nông dân của ba tỉnh Đồng Nai, Bà rịa - Vũng Tầu và thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức khởi kiện Công ty Vedan ra TAND huyện Tân Thành (tỉnh Bà rịa - Vũng Tầu) đòi bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Đây là ví dụ điển hình cho quy định định cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích cộng đồng.

Như vậy, đây là những chủ thể vì quyền lợi của người khác mà tiến hành khởi kiện. Do xuất phát từ lợi ích của người khác, từ công việc mà mình đang làm nên những chủ thể này mặc dù không có quyền và lợi ích gắn bó với người được khởi kiện nhưng xuất phát từ công việc của mình mà họ nắm rõ nội dung sự việc mà mình khởi kiện nên họ có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích của người được khởi kiện tại Tòa án, tuy nhiên người được khởi kiện cũng có quyền cung cấp chứng cứ cho Tòa án nhưng nghĩa vụ chủ yếu vẫn là các chủ thể đi khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của người khác.

Do vậy, tại khoản 3 Điều 79 BLTTDS có quy định các cá nhân, cơ quan, tổ chức này cũng phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh. Quy định này cho thấy các chủ thể này sẽ có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh như quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh như đương sự. Khi không cung cấp được chứng cứ thì các đương sự sẽ phải chịu hậu quả bất lợi cho việc không chứng minh được cho yêu cầu của mình.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Trang 61)