Giai đoạn từ năm 1945 đến năm

Một phần của tài liệu Nguyên tắc nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Trang 28 - 31)

Ngày 02/9/1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong xã hội Việt Nam nói chung và nền tư pháp nói riêng. Tuy chính quyền cách mạng còn non trẻ nhưng đã nhận thức được tầm quan trọng của quản lý xã hội bằng pháp luật nên mặc dù việc lập pháp còn nhiều khó khăn nhưng Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 90/SL ngày 10/10/1945 cho phép tiếp tục áp dụng luật lệ của chế độ cũ không trái với bản chất của Nhà nước cách mạng nhưng Sắc lệnh này chỉ đề cập đến việc áp dụng pháp luật nội dụng của chế độ cũ mà không đề cập đến việc có tiếp tục áp dụng các quy định về hoạt động tố tụng hay không.

Năm 1946 Hiến pháp đầu tiên của nước ta được ban hành, cũng trong năm đó Hồ Chủ tịch đã ký một loạt Sắc lệnh đặt nền móng cho việc ra đời ngành Tòa án như: Sắc lệnh 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chứa các Tòa án và các ngạch thẩm phán; Sắc lệnh 16/SL ngày 17/4/1946 qui định về thẩm quyền của Tòa án các cấp; Sắc lệnh 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và tố tụng...

Ngày 05/12/1957, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 141/HCTP quy định về tổ chức và phân công trong nội bộ Tòa án, trong đó quy định: " Những vụ án dân sự, ông Chánh án có trách nhiệm điều tra, lập hồ sơ vụ án..." [1]. Như vậy, việc thu thập chứng cứ trong giai đoạn đầu tiên hình thành chế định điều tra vụ án dân sự đã được xác định, nghĩa vụ thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án thuộc về Tòa án mà đại diện là Chánh án.

Năm 1959 Hiến pháp thứ hai ra đời, sau đó năm 1960 Quốc hội ban hành Luật tổ chức TAND và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Điều 1 Luật tổ chức Tòa án quy định: "Các Tòa án nhân dân là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tòa án nhân dân xét xử vụ án hình sự và dân sự trừng trị kẻ phạm tội và giải quyết những việc tranh chấp về dân sự trong nhân dân" [14].

Tại Thông tư số 2386/NCPL ngày 19/12/1961 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn các Tòa án địa phương chỉ rõ:

Trong bản án sơ thẩm phải chỉ ra nguyên đơn yêu cầu giải quyết những vấn đề cụ thể gì và nêu ra những bằng chứng gì làm căn cứ, ý kiến của bị đơn đối với những lời thỉnh cầu của nguyên đơn: có chấp nhận hay không lời thỉnh cầu đó hoặc chỉ chấp nhận đến mức nào thôi, dẫn những bằng chứng gì là căn cứ cho những ý kiến đó [25].

Theo Mục II Thông tư số 03/NCPL ngày 30-1-1962 của TANDTC hướng dẫn về trình tự giải quyết các vụ án ly hôn thì việc điều tra về tình hình tình cảm lại là một công tác khó khăn, phức tạp. Do đó, phải thực sự cầu thị và khách quan trong việc điều tra, phải nắm vững tinh thần của luật là chống những tàn tích của chế độ phong kiến về hôn nhân, gia đình và phải cố gắng cải thiện quan hệ vợ chồng. Về tổ chức phải dựa vào các đoàn thể quần chúng. Nội dung điều tra phải nhằm vào bốn điểm, đó là:

- Tích chất của cuộc hôn nhân (tự do lấy nhau hay bị ép buộc); quá trình chung sống và đối xử với nhau...;

- Động cơ xin ly hôn của người kiện và động cơ đoàn tụ của người bị kiện;

- Gia đình, đoàn thể, thôn xóm, chính quyền địa phương đã giúp đỡ hòa giải như thế nào, ý kiến của đoàn thể và dư luận của nhân dân hiện nay.

... Nhận được đơn xin ly hôn, Tòa án tiến hành điều tra sơ bộ ngay để nắm tình hình và bắt tay vào việc hòa giải kịp thời. Trong quá trình hòa giải sẽ bổ sung tài liệu điều tra.

Đề án năm 1964 của TANDTC về hướng tổ chức các Tòa án địa phương quy định cụ thể về nghĩa vụ chứng minh của đương sự:

Trong các vụ kiện về dân sự, các bên đương sự có trách nhiệm chứng minh các yêu cầu của mình và đề xuất chứng cứ. Nếu các chứng cứ do các bên đương sự xuất trình chưa đầy đủ thì Tòa án sẽ yêu cầu họ xuất trình các chứng cứ bổ sung...

Các đương sự có quyền đề xuất những yêu cầu và có nhiệm vụ trình bầy những chứng cứ, lý lẽ để chứng minh những yêu cầu và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình [26].

Như vậy, bước đầu pháp luật đã quy định việc đương sự đưa ra yêu cầu thì phải xuất trình chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.

Thông tư số 06/TATC ngày 25/02/1974 của TANDTC hướng dẫn điều tra trong TTDS nêu rõ:

Các đương sự có quyền đề xuất những yêu cầu và bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình... trong điều kiện hiện nay, trình độ hiểu biết pháp luật và trình độ văn hóa của đại đa số đương sự còn thấp, các đơn kiện và lời trình bầy của họ không rõ ràng và đầy đủ, cho nên các Tòa án phải tích cực giúp đỡ cho các đương sự hiểu rõ những quyền lợi hợp pháp của họ để họ có thể đề xuất được những yêu cầu và giúp họ biết đề xuất những chứng cứ để chứng minh [27].

Với quy định này đương sự sẽ là chủ thể chứng minh cho yêu cầu của mình, Tòa án chỉ hướng dẫn họ hiểu rõ quyền lợi của mình để xuất trình chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó cũng như hỗ trợ họ thu thập chứng cứ để chứng minh.

Việc quy định các đương sự đưa ra yêu cầu thì có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu đó là hợp pháp nhưng với tính chất là TAND, khi xét xử phải khách quan, toàn diện, áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để làm sáng tỏ sự thật của vụ án, bảo vệ quyền lợi của các đương sự nên trong Bản hướng dẫn về trình tự xét xử sơ thẩm về dân sự kèm Thông tư 96-NC/PL ngày 08/02/1977 của TANDTC hướng dẫn "để bảo vệ quyền lợi của mình các đương sự có nhiệm vụ đề xuất chứng cứ nhưng Tòa án nhân dân không được phép chỉ dựa vào lời khai của đương sự và giấy tờ mà họ xuất trình làm căn cứ cho việc xét xử mà phải dùng mọi biện pháp cần thiết để làm sáng tỏ sự thật của vụ án" [28].

Một phần của tài liệu Nguyên tắc nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)