Báo chí phản ánh thực trạng xóa đói giảm nghèo

Một phần của tài liệu Báo chí Hà Nội thông tin về công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay (Trang 36)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.2. Báo chí phản ánh thực trạng xóa đói giảm nghèo

Báo chí phản ánh, phân tích kịp thời tình hình thực tế, hiện trạng đói nghèo và những biện pháp, cách làm các địa phương đưa ra để giảm thiểu nạn đói nghèo này.

Thông qua các số liệu, sự kiện, con người, những khó khăn, thách thức trong công cuộc chống đói nghèo… Báo chí cung cấp bức tranh hiện thực sinh động, phong phú về thực trạng tình hình đất nước và địa phương đó. Đây cũng sẽ là cơ sở để giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý nắm bắt nhanh, sát thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ chính sách không phù hợp.

Ví dụ: Báo báo Kinh tế và Đô thị số ra 18/10/2012 đưa tin: “Cả nước còn trên 2,5 triệu hộ nghèo”. Theo đó, “Số hộ nghèo của cả nước hiện vẫn còn trên 2,5 triệu hộ, chiếm 11,7% dân số và trên 1,5 triệu hộ cận nghèo, chiếm 7% dân số”. Thông tin đưa ra những số liệu cụ thể nhất về thực trạng đói nghèo của nước ta. Như vậy, thông qua một tin ngắn, những con số về đói nghèo được đưa ra đầy đủ và chi tiết. Qua đó, độc giả đọc thông tin có thể nắm bắt khái quát được về thực trạng đói nghèo của đất nước hiện nay.

Báo Hà Nội Mới số ra Ngày 06/06/2013 có bài “Xóa nghèo bền vững - không ít gian nan”. Bài báo nêu ra được những thành tựu trong công cuộc xóa nghèo của Việt Nam “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và XĐGN tại Việt Nam 10 năm qua đã đạt được kết quả rất nổi bật. Đã có 500 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, 542 triệu lượt người được hỗ trợ bảo hiểm xã hội… Tỷ lệ hộ nghèo và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012)”. Tuy nhiên, bài báo cũng đưa ra thực trạng “Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi, có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có

37

vùng còn 60-70% hộ nghèo...”. Như vậy, thông qua bài báo, độc giả biết được thực trạng về khoảng cách giàu nghèo ở nước ta còn lớn. Hay việc các hộ nghèo tập trung chủ yếu ở các khu vực miền núi, nông thôn… Thông qua những con số cụ thể như vậy, nhà báo giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chủ trương phát triển phù hợp, ưu tiên phát triển các vùng như thế nào? Đối tượng ra sao? Qua đó, độc giả cũng nắm được thực trạng tình hình đất nước, bên cạnh sự phồn vinh của cuộc sống đô thị, đâu đó không xa, vẫn còn có những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Những thông tin sẽ góp phần thúc giục độc giả cùng sẻ chia, hiến kế cùng chính quyền thực hiện các hoạt động trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa đất nước đi lên.

Bên cạnh việc thông tin về hiện trạng đói nghèo, các vấn đề liên quan đến đói nghèo. Nhiều bài báo cũng phản ánh mặt tích cực của công tác xóa đói giảm nghèo tác động đến người dân với những cải thiện đáng kể về đời sống khi áp dụng các chính sách xóa đói giảm nghèo. Ví dụ, trên tờ Phụ nữ Thủ đô số ra ngày 3/4/2013 có bài “Tổ phụ nữ tiết kiệm: Vốn vay nhỏ, hiệu quả lớn”. Bài báo đưa ra mô hình cùng tiết kiệm của các hội viên phụ nữ, thông qua chương trình tiết kiệm này, các hội viên có được những nguồn vốn ban đầu. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho các chị em phụ nữ nghèo khó. Từ đó các chị em có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, thoát nghèo. Những chị em đã thoát nghèo lại tiếp tục giúp đỡ các chị em khác. Như thế hiệu quả của chương trình sẽ ngày càng được nhân lên. Đó cũng là sự khẳng định hướng đi đúng đắn trên con đường thoát nghèo và sự tham gia tích cực của các hội đoàn thể vào công cuộc này.

Thực tế, tình trạng đói nghèo không chỉ thể hiện qua những con số, để có thể phản ánh rõ thực trạng đói nghèo đòi hỏi nhà báo phải năng động, nhạy bén, bám sát thực tiễn cuộc sống, gần gũi với nhân dân để nắm được tình hình một cách chính xác, cụ thể nhất.

38

Một phần của tài liệu Báo chí Hà Nội thông tin về công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay (Trang 36)