2.2.4.1. Thực trạng trạng thái thanh khoản của các ngân hàng
Nhiều năm trước đây, nhìn chung vấn đề thanh khoản của các NHTM Việt Nam không đến nỗi căng thẳng, nhưng từ năm 2007 đến nay, nhiều thời điểm, thanh khoản trở thành vấn đề thời sự hay hiện nay là vấn đề nóng. Đặc biệt cuối năm 2011 có tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, một số NHTM rơi vào tình trạng mất thanh khoản, NHNN phải hỗ trợ kịp thời bằng hình thức phù hợp. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng của một số NHTMCP quy mô khiêm tốn chạy đua tăng lãi suất trên thị trường, các NHTM cho nhau vay liên ngân hàng với lãi suất ép buộc, dẫn tới một số NHTMCP nhỏ buộc phải vay nóng để duy trì khả năng thanh khoản. Thực trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng "còn hết sức mỏng và bấp bênh".
Năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng dao động từ 93 - 96%, tuy nhiên là chưa chắc chắn. Trên quốc tế, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng 60
- 70%, còn 30 - 40% còn lại sẽ dùng để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng. Do vậy, áp lực với thanh khoản mỗi tổ chức là rất lớn.
Lãi suất vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, song thời gian tới sẽ có giải pháp giảm lãi suất thêm nữa, trong đó có việc phải kiểm soát được lạm phát.
Trong những tháng đầu năm, lãi suất còn cao, nhưng đến tháng 6/2012, lãi suất đã giảm rất nhanh về còn 9%/năm. Tỷ trọng dư nợ lãi suất trên 15%/năm cũng giảm mạnh, trước ngày 15/7, tỷ lệ này dao động từ 65 - 70%, đến nay chỉ còn chưa đến 20%.
2.2.4.2. Tiềm ẩn đang phải đối phó về thanh khoản
Rủi ro thanh khoản là khả năng ngân hàng không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính một cách tức thời hoặc phải huy động vốn bổ sung với chi phí cao hoặc phải bán tài sản với giá thấp. Rủi ro thanh khoản xảy ra khiến ngân hàng phải đình trệ hoạt động, chi phí bất thường cao, gây thua lỗ, mất uy tín và nếu nghiêm trọng có thể dẫn tới phá sản.
Sự yếu kém trong vấn đề thanh khoản của các ngân hàng là vấn đề đáng lo nhất hiện nay của chính sách tiền tệ. Giải quyết được thanh khoản mới giảm được lãi suất, giảm được lãi suất thì mới hồi phục được thị trường tài sản (đặc biệt là thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán), thị trường này phục hồi cũng giảm được nợ xấu của khu vực ngân hàng, từ đó mới thực hiện được thành công các mục đích tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đề ra.
- Lạm phát cao, thị trường suy thoái, mặt bằng lãi suất bị kiểm soát bằng biện pháp hành chính thì nhiều NHTMCP bị rút vốn,
- Một số NHTMCP nhỏ phải vay tái chiết khấu từ NHNN,
- Một số NHTMCP phụ thuộc rất nhiều vào thị trường liên ngân hàng (vay lại).