hạn đầu tư tài chính, không vượt quá 40% vốn tự có. Tuy nhiên, trên thực tế, có hiện tượng đầu tư chéo dẫn tới việc tăng vốn chủ sở hữu ở một số ngân hàng là ảo.
Giữa năm 2010, ước tính số vốn để các ngân hàng tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu 3.000 tỉ đồng theo quy định của pháp luật vào khoảng hơn 30.000 tỉ đồng. Bất chấp sự khó khăn của thị trường tài chính, cuối cùng tất cả các ngân hàng cũng đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá số vốn này “không thực chất” do các ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau. Hệ quả là vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống tăng mạnh nhưng vốn thực góp lại không tăng tương ứng. Điều này đồng nghĩa với các hệ số đo lường độ an toàn của các ngân hàng như hệ số CAR, vốn chủ sở hữu/tổng tài sản... không còn chính xác.
Tình trạng sở hữu chéo ngân hàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất, phải kể đến tình trạng vô hiệu hóa các quy định về giới hạn tín dụng. Theo quy định hiện tại, một tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng quá 15% vốn tự có đối với một khách hàng. Tuy nhiên, khi sở hữu chéo lẫn nhau thì quy định này sẽ bị vô hiệu hóa. Ngoài ra, các quy định về các đối tượng cấm cho vay, hạn chế cho vay cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nợ xấu hình thành cũng từ sở hữu chéo khi hoạt động vay mượn không dựa vào quy định tín dụng chặt chẽ mà chủ yếu từ quan hệ thân thiết, “sân sau”…