trong văn học sau 1975
1. Truyện cổ dân gian và những cảm hứng sáng tạo mới của nhà văn văn
Nếu như Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Nguyễn Huy Tưởng... đã dùng các câu truyện cổ như là nền tảng, là tâm điểm xuất phát để từ đó tiếp tục những thao tác nhằm cố định hóa truyện cổ, mở rộng biên độ tác phẩm, thêm thắt và phát triển một cách lôgíc tác phẩm truyền thống thì những sáng tác kiểu như thế vẫn không làm thay đổi những giá trị nhận thức thẩm mĩ mà người xưa đã tạo ra. Các câu truyện vẫn tiếp tục đi theo
mạch cảm hứng thuận chiều của dân gian, chủ đề tư tưởng vẫn là của dân gian. Nhân vật Mai An Tiêm trong truyện cổ Sự tích quả dưa hấu (7 trang) đến nhân vật Mai An Tiêm trong tiểu thuyết Đảo Hoang của nhà văn Tô Hoài (386 trang) vẫn là một chàng trai cần cù lao động, có nghị lực kiên cường. Cả hai tác phẩm đều ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người trong quá trình phát triển của lịch sử, của đất nước. Có khác chăng giữa hai tác phẩm đó chính là tầm vóc và qui mô tác phẩm. Các câu chuyện cổ tích của Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Nguyễn Huy Tưởng... dù phong phú mới lạ nhưng cũng đều lặp lại đề tài, chủ đề của truyện cổ dân gian, lặp lại đồng bộ thi pháp truyện cổ dân gian.
Trong thực tế, các nhà văn hiện đại đối thoại với văn bản truyền thống theo rất nhiều cách tiếp cận, nhiều lối tư duy khác nhau, thậm chí đối lập nhau dẫn đến những cách lí giải đa dạng nhiều chiều làm phong phú thêm sự kế thừa. Những hình thức sáng tạo này sẽ mở ra những chân trời hư cấu nghệ thuật vô tận.
Về phương diện này, nhà văn hoàn toàn đứng ở thế độc lập, chủ động, không bị câu thúc, chi phối bởi nội dung của những câu chuyện dân gian. Những cuộc đời, những số phận nhân vật, những phép tắc nghệ thuật có tính chất khuôn mẫu, không bị ràng buộc cả về chủ đề tư tưởng đã định hình trong dân gian. Truyện cổ dân gian ở đây được sử dụng rất linh hoạt, sáng tạo. Nhà văn có thể bắt vít vào truyện cổ để mượn tên gọi một nhân vật, thổi vào đó những ý niệm khác; có thể dùng một chi tiết phi lôgíc (vốn là đặc trưng nghệ thuật của truyện cổ) để lý giải đời sống hiện tại vốn không đơn điệu; có thể dùng một vài yếu tố thi pháp truyện cổ để tạo không khí, tạo nền cho tác phẩm làm xuất phát điểm, để khai mở những nhánh rẽ mới trên con đường sáng tạo. Nhà văn Hòa Vang gọi đó là những “bàn chân nhỏ”, “lối ngỏ” của văn học dân gian mà các nhà văn hiện đại có thể khơi nguồn cảm hứng (Gặp gỡ nhà văn Hòa Vang).
Những năm gần đây, đó đây trên các tạp chí thỉnh thoảng lại có một bài viết, một bài phỏng vấn của các nhà nghiên cứu thể hiện quan điểm muốn xem xét lại, nhận thức lại các giá trị truyền thống của truyện cổ. Cần phân biệt việc làm này và việc dùng truyện cổ để mở ra những hướng khám phá sáng tạo khác nhau của các nhà văn. Có thể dẫn ra đây một vài
ví dụ cụ thể. Nhà giáo Bùi Văn Tiếng trong bài Trí khôn của ta đây [86, tr.47] cho rằng: đánh giá về các nhân vật trong truyện từ trước đến nay là chưa đúng. Con Hổ mới là nhân vật đáng được ca ngợi, người nông dân và con trâu chẳng có gì phải tôn sùng. Thủy Liên cũng phụ họa cho quan điểm này qua bài viết Đừng coi truyện này là một định nghĩa về trí khôn
[86, tr.47]. Theo Bùi Văn Tiếng và Thủy Liên thì hổ dữ không phải là con vật mà hổ chính là người, người đi tìm chân lí quả cảm, người không thù oán mà cao thượng nữa là khác. Ông đưa ra giả thiết “Còn con trâu của tôi nhìn thấy cọp lâm nạn thích chí bò lăn ra cười, không may hàm răng va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào nên từ bấy đến nay, trâu chẳng con nào có hàm răng trên cả. Liệu có phải đây cũng là cái giá không rẻ cho thói dửng dưng, cười trên nỗi đau đồng loại”?
Từ quan điểm suy luận trên, tác giả đi đến kết luận “Thời xưa trí tuệ dân gian là trí tuệ của dân cày, nên đã có lúc coi trí khôn đồng nghĩa với mẹo vặt, là sự lừa nhau khuất tất, nguy hại thay...” [86, tr.48]. Những ý kiến trên đây được đưa ra trong chuyên mục “Đi tìm vẻ đẹp văn chương”. Dĩ nhiên ở đây chúng tôi không muốn tham gia tranh luận cũng không đặt ra nhiệm vụ khảo cứu lại những ý kiến này. Vấn đề cần nói là trên văn đàn nước ta đã xuất hiện những cách nhìn nhận chủ đề tư tưởng truyện cổ đối lập với quan điểm truyền thống.
Hoàng Ngọc Hiến cũng nêu ý kiến đánh giá lại nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám, một trong những truyện cổ tích tiêu biểu. Trong bài viết “Giảng truyện Tấm Cám ở trường phổ thông” [86, tr.48] tác giả đã lưu ý không nên hiểu Tấm Cám như lâu nay, không nên dùng quan điểm lịch sử để biện bạch cho hành động trả thù của Tấm. Điều đó sẽ dẫn tới sự đối lập lại với cô Tấm hiền thục trong cổ tích. Nhà văn Hòa Vang, khi được hỏi “Có phát hiện gì đó, trong khi đọc lại kho tàng truyện cổ tích Việt Nam?”, đã trả lời “Nhiều! Hòa Vang đọc lại hết, xem lại hết. Trầu cau này, Tấm Cám này, Thánh Gióng này, Chuyện đẻ trăm trứng này... còn cái tay Trạng Quỳnh nữa, bảo là tay ấy tiêu biểu cho trí tuệ của một dân tộc chịu thương chịu khó như thế này thì khó chịu quá. Quỳnh chẳng qua chỉ giỏi lừa đảo và khôn vặt, hơn nữa đất nước ta không phải là cái chợ giời. Lại cô Tấm nữa,
tôi thấy cái lí lịch đáng ngờ lắm, bàn chân xinh xắn từ bao giờ mà xỏ vừa khít đôi hài nhà Vua được nhỉ? Còn cô Cám dứt khoát phải xuất thân từ thành phần lao động vì có đôi bàn chân to và thô”(1). Khi được hỏi về “Chuyện đẻ trăm trứng”, ông đã không ngần ngại khen “Một truyền thuyết rất hay” nhưng liền sau đó ông lại phủ định ngay “nhưng cũng rất phản khoa học !!! Đọc lại mà xem: “... Sau bảy ngày, cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai, 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt”. Tuyệt nhiên không thấy bóng một người con gái, thế thì còn đâu ra cơ hội để cho họ yêu thương mà duy trì nòi giống?”(2)
.
Trên đây là một số ý kiến, quan điểm của các nhà nghiên cứu khi đối diện với truyện cổ. Họ muốn hướng tới sự lôgíc trong từng câu chữ trên cơ sở đó đưa ra cách tư biện đối lập và phủ nhận cách lí giải của dân gian. Nhưng theo chúng tôi, cảm nhận không có nghĩa là sáng tạo. Các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại mức độ chất vấn, giả thiết đòi thẩm định lại các giá trị được nhận thức trong truyện cổ. Thực ra, nhận thức khám phá những vẻ đẹp được cô đúc khái quát trong truyện cổ dân gian nói riêng và văn học dân gian nói chung là một điều cần thiết và đáng tôn trọng. Vì văn học dân gian là “những hòn ngọc quý”, sự tỏa sáng của nó không phải một thời, một lần có thể rạch ròi hết được. Song nhận thức lại truyện cổ, lật lại những vấn đề tựa hồ như phi lí trong truyện cổ theo phương pháp biện luận, hoặc suy luận chủ quan, xóa nhòa ranh giới có tính chất lịch sử của vấn đề hoặc bỏ qua đặc trưng truyện cổ, đặc trưng của thi pháp thể loại sẽ dẫn đến chỗ cực đoan, phiến diện và phi lôgíc. Theo chúng tôi, việc xuất phát từ môi trường đặc trưng thể loại để thưởng thức nó, thẩm định nó, khám phá nó là một việc làm công bằng và khách quan. Nếu không sẽ dẫn đến chỗ lật lại toàn bộ vấn đề một cách chủ quan. Theo thời gian, xã hội ngày càng phát triển, thiết nghĩ chúng ta không nên cứng nhắc dùng con mắt của người hiện tại để thay thế cách nghĩ, cách lí giải, cách triết lý của người xưa như thể đó là một nhận thức sai lầm, ấu trĩ.
(1), (2) Hoàng Nhuận Cầm (1991), Mười phút với người viết văn tự do Hoà Vang (bản viết tay).
Khác với cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu trên, một bộ phận nhà văn không nhỏ (những người sáng tạo) dùng truyện cổ như một điểm tựa, như một mạch nguồn khơi mở cho hàng trăm nhánh sông đổ về biển lớn. Đây là một trong những xu thế khá phổ biến trong văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là những năm gần đây, văn học bước vào con đường đổi mới. Văn nghệ cũng hướng tới sự thay đổi toàn diện, đa bản sắc. Văn học cũng đã có những tìm tòi thể nghiệm mới. Chất liệu truyện cổ ở cấp độ này được vận dụng linh hoạt hơn. Nhà văn có thể chỉ sử dụng một hình tượng nhân vật, một típ, một môtíp trong truyện cổ hoặc một vài yếu tố thi pháp tiêu biểu để từ đó mở ra những hướng sáng tạo mới. Sự sáng tạo của nhà văn hoàn toàn không phụ thuộc hoặc bị chi phối từ nội dung hay hình thức của truyện cổ dân gian. Kỹ thuật viết truyện ngắn đã hoàn toàn làm chủ.
Nội dung câu chuyện cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa xã hội, triết lý nhân sinh, đời sống tâm hồn đa dạng, phong phú của con người. Có thể đưa ra một số hình thức kế thừa và tiếp nhận của các nhà văn hiện đại khi đối diện với chất liệu dồi dào của truyện cổ. Một trong những xu hướng cũng khá tiêu biểu, đó là nhà văn sử dụng lại tên nhân vật trong các câu chuyện cổ để xây dựng một hình tượng nhân vật mới cho tác phẩm của mình. Các nhân vật dân gian được tái sinh trong tác phẩm hiện đại đã bị đẩy ra khỏi ranh giới của hình tượng cũ, thậm chí không còn đường dây liên hệ với nhân vật quá khứ. Nhân vật mới phủ nhận sự tồn tại của nhân vật cũ, rứt phá bước vào xã hội hiện đại, phát ngôn cho tư tưởng nghệ thuật mới: Bụt mệt, Sự tích những ngày đẹp trời (Hòa Vang); Trương Chi
(Nguyễn Huy Thiệp); Câu hát (Lưu Sơn Minh); Trương Chi của tôi, Châu Long, Trầu têm cánh phượng (Bão Vũ)...
ở một dạng khác, các nhà văn lại sử dụng có tính chất đột phá, đơn lẻ một số yếu tố thi pháp của truyện cổ để làm xuất phát điểm cho cảm hứng sáng tạo hồn nhiên chủ động, độc lập với văn bản truyền thống, thậm chí đối lập với nội dung của văn bản truyền thống. Sự lặp lại một số yếu tố thi pháp (thời gian, không gian nghệ thuật, tổ chức kết cấu, lặp lại típ, môtíp, sử dụng yếu tố kì diệu…) đã tạo ra một phong cách, một bút pháp hoàn toàn hiện đại nhưng vẫn phảng phất không khí huyền thoại, cổ xưa. Một
bên là cuộc sống với đầy đủ ý nghĩa đa thanh phồn tạp của nó như nghe thấy được, nhìn thấy được; một bên là sự hư ảo, chập chờn đâu đó đã tạo ra một ám ảnh cho người đọc về những vấn đề đang được đặt ra trong xã hội hiện đại. Tiêu biểu cho xu hướng này là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (với 10 truyện ngắn liên hoàn Những ngọn gió Hua Tát), Lưu Sơn Minh (Miêu cẩm, Bến trần gian, Ngày và đêm), Nguyễn Quang Thiều (Bí mật hồ cá thần), Ngô Tự lập (Xác chết trả thù, Mùa đại bàng, Được ngọc), Kiều Bích Hậu (Huyền thoại về người đẹp), Phạm Hải Vân (Thợ may), Nguyễn Đông Thức (Trái tim con rắn)…
Việc sử dụng lại tên nhân vật truyện cổ, sử dụng yếu tố thi pháp, sử dụng phong cách dân gian không còn đơn thuần là việc bảo lưu, phát triển các đề tài và hình thức nghệ thuật truyền thống. Đó là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Từ cách vận dụng chất liệu truyện cổ một cách linh hoạt, uyển chuyển, nhà văn đã hướng tới mục đích xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giàu ý nghĩa. Nội dung của các tác phẩm cũng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống với tất cả sự phồn tạp của nó; đi sâu vào bản chất của con người, cái cốt lõi tâm lí của con người, thậm chí chạm đến độ rung sâu nhất của tâm hồn con người. Ngòi bút của nhà văn luôn oằn theo hơi thở của cuộc sống, của mỗi sinh linh con người, trong đó có tình yêu, hạnh phúc và đau khổ; có nỗi khao khát và sự thất vọng; có ánh sáng và tăm tối; có giả dối và sự trung thực, ngu độn... Những phạm trù ấy không bị phân liệt thành những chiến tuyến một cách rạch ròi, nó lẫn lộn trong nhau, che đậy trong nhau, thậm chí nó tồn tại trong mỗi cá nhân con người. Đọc một tác phẩm, cùng một lúc phải hiểu ở nhiều tầng nghĩa, nó như “tảng băng trôi” mà cái bề nổi chỉ là tiêu điểm. Những loại truyện như thế kết thúc thường để lại những ám ảnh ghê gớm cho người đọc về cái thiện cái ác, về con người, về số phận... Nó luôn dằn vặt con người hiện đại.
Để phản ánh được nhiều tầng nghĩa từ cuộc sống, đưa vào tác phẩm những tầng bậc sâu sắc từ cuộc sống, một số bộ phận nhà văn đã sử dụng lối tư duy dân gian, những hình thức nghệ thuận dân gian để gửi gắm những ý tưởng sáng tạo của mình thông qua con đường dân gian hóa. Sử
dụng những yếu tố nghệ thuật dân gian, nhà văn muốn đem hiện thực của cuộc sống hiện đại trở về trong dân gian, trở về với những vấn đề có tính chất vĩnh cửu của con người và cuộc sống. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.
Xét cho cùng, một cách khách quan, dù lịch sử phát triển đến đâu thì những vấn đề của cuộc sống, của con người vẫn tồn tại, vẫn phải là những vấn đề cần giải quyết. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, của toàn xã hội trên cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, cái cao cả. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi trả lời phỏng vấn ở Seatle đã xác nhận: “Khi viết văn tôi luôn tìm lại những giá trị truyền thống... [72, tr.153]. Tôi nghĩ một nhà văn phải bắt đầu từ những kinh nghiệm nguyên thủy nhất của dân tộc mình. Tóm lại, phải đi từ con người Việt Nam, từ nguồn gốc, từ đó lần về sau”. Nhà văn Hòa Vang, khi tạo ra những thế giới nghệ thuật riêng cũng khẳng định “phải từ nguồn cội” (Gặp gỡ nhà văn Hòa Vang).
Từ sự khởi thảo đó các nhà văn hiện đại đã vận dụng mọi cách thức để khái quát hóa nghệ thuật đời sống một cách đa dạng, phong phú, đi sâu vào khám phá những bản chất của đời sống trong cái vô cùng vô tận, trong cái xung đột và đặc biệt là cái phi lí như một lực gây ra các đảo lộn giá trị cuộc sống. Nhà văn muốn nhìn sự vật ở điểm xuất phát và điểm tận cùng của nó và muốn thế nhà văn phải dày công nghiên cứu cái hoàn cảnh đã biến một phần nào (con hay người) trong một cá thể mạnh lên. Nghĩa là, về một khía cạnh nào đó nhà văn muốn “lột trần” tất cả, bất kể ai, thành phần nào (vua chúa hay thường dân, trí thức hay mù chữ, có địa vị hay thấp hèn...)[72, tr.133].
Văn chương của các nhà văn này, đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp giàu chất triết lí, chẳng hạn trong truyện của ông thường không kể về một câu chuyện gì đấy, mà là sự suy tư về những vấn đề gì đấy. Nền tảng văn chương của Nguyễn Huy Thiệp là sự suy tư. “Nguyễn Huy Thiệp viết văn không chỉ để nói lên sự đời mà anh còn bàn luận về sự đời, bàn luận về cả chính văn chương”[72, tr.133]. Sự đời trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp cũng được mổ xẻ, phơi bày ở nhiều góc độ, nhiều tầng bậc, kể cả những góc tăm tối, khuất lấp. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra được một phong
cách đa thanh trong giọng điệu, đa nghĩa trong nội dung. Trong đó chất liệu truyện cổ đóng vai trò vừa là khởi điểm vừa là tạo không khí, vừa là nền để nhà văn chuyển tải những thông tin của cuộc sống. Ngay trong lời mở đầu