Vai trò của truyện cổ dân gian trong sự hình thành và phát triển các thể loại tự sự văn học Việt Nam

Một phần của tài liệu Vai trò của văn học dân gian trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại dấu ấn của truyện cổ dân gian trong một số tác giả, tác phẩm tự sự Việt Nam sau 1945 (Trang 36)

2. Vai trò truyện cổ dân gian trong quá trình hình thành và phát triển của văn học

2.1.Vai trò của truyện cổ dân gian trong sự hình thành và phát triển các thể loại tự sự văn học Việt Nam

triển các thể loại tự sự văn học Việt Nam

Bên cạnh ảnh hưởng của truyện cổ dân gian đối với các loại hình nghệ thuật nói chung thì ảnh hưởng của truyện cổ dân gian trong lĩnh vực văn học là rất lớn. Quá trình đó diễn ra thường xuyên và sâu đậm nhất.

Ngay từ khi khởi phát, dòng văn học viết dân tộc, trong đó chủ yếu là văn học tự sự, các nhà văn đã lấy các truyện cổ dân gian làm nền tảng. Và suốt trong tiến trình lịch sử của văn học, kể từ 10 thế kỉ văn học trung đại đến thời kì hiện đại, kho tàng truyện cổ dân gian luôn đóng một vai trò quan trong trong việc hình thành và phát triển các thể loại tự sự văn học; trong việc mở ra những chân trời hư cấu nghệ thuật mới đáp ứng những mục đích sáng tạo mới; trong việc giữ vai trò nền móng về tư tưởng thẩm mĩ cho các hình thức sáng tạo nghệ thuật đó. Đặc biệt, ở những thời kì lịch sử xã hội có nhiều biến động, chuyển mình hoặc đột biến, truyện cổ dân gian (cũng như văn học dân gian nói chung) cũng có những sứ mệnh lịch sử của mình trong việc củng cố và phát triển xã hội.

ở nước ta, văn học viết ra đời muộn, theo các tài liệu nghiên cứu thì văn học viết chính thức ra đời từ khoảng thế kỉ thứ X. Trước đó, văn học dân gian tồn tại trong cộng đồng. Tức là sinh hoạt văn học dân gian chưa tách rời với đời sống thực tiễn, chưa tách rời các loại hình nghệ thuật trong tổng thể folklore. Ngay từ khi ra đời, văn học viết đã đóng một vai trò chủ đạo trong diện mạo nền văn học dân tộc. Tuy nhiên, trong bước đầu hình thành và phát triển, văn học viết phải dựa vào vốn liếng của văn học dân gian từ nhiều góc độ khác nhau, như: hình thức, thể loại, thi pháp, chất liệu, cốt truyện...

Truyện cổ dân gian được coi là thủy tổ của văn học thành văn. Theo giáo sư Kiều Thu Hoạch, trong bài Vai trò của truyện kể dân gian đối với sự hình thành các thể loại tự sự văn học Việt Nam[102] thì văn học viết của dân tộc ta bắt đầu được ghi chép bằng chữ Hán là từ thời Lý, khi nhà nước Đại Việt bắt đầu chủ trương phát triển nền văn hóa dân tộc. Tác phẩm đầu tiên được ra đời trên tinh thần đó là Ngoại sử kí (những điều ghi chép về lịch sử ngoài chính sử) của Đỗ Thiện. Những tác phẩm này chủ

yếu lại là những truyền thuyết, thần thoại thời cổ đại, có tính chất ghi chép về các dã sử truyền miệng dân gian, hay nói cách khác là các truyện kể dân gian về lịch sử. Cùng thời điểm với Ngoại sử kí còn có các tác phẩm như Báo cực truyện của tác giả vô danh, Thiền uyển tập anh (tập hợp những đoá hoa đẹp trong vườn thiền) do tầng lớp tăng lữ biên soạn, Tam tổ thực lục (ghi chép sự tích ba vị tổ phái Trúc Lâm đời Trần) gắn liền với một chuyện dân gian đầy hấp dẫn, được truyền tụng nhiều đời.

Như vậy, việc sưu tầm ghi chép nói trên đã dẫn đến nhiều truyện kể dân gian truyền miệng được lưu giữ bằng văn bản, đồng thời là khởi thủy cho việc hình thành và phát triển nền văn học viết đương thời.

Cũng đi theo hướng ghi chép các truyện dân gian như thế, còn có các tác phẩm Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên đời Trần), Lĩnh Nam chích quái

(Trần Thế Pháp đời Trần), sau đó Vũ Quỳnh, Kiều Phú ở đầu đời Lê. Đây là những tác phẩm đã thu thập được những thần thoại truyền thuyết nói về ngọn nguồn dân tộc và về công cuộc đấu tranh chống thiên tai địch họa ở thời kì dựng nước của các vua Hùng, về các vị thần có công với nước với dân... Đó là những cơ sở có sự ảnh hưởng trong việc hình thành dòng mạch văn học yêu nước cho văn học viết sau này qua thể loại. Ngoài Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, thể loại truyện kí này còn được phát triển mạnh mẽ về sau, đặc biệt nở rộ ở hai thế kỉ XVIII, XIX như Đại Nam kì sự (truyện lạ nước Nam), Việt điện kì văn hợp lục (tập truyện lạ nghe được), Dị văn tạp lục (ghi chép linh tinh về những chuyện lạ), Dị nhân lược chí (lược ghi về những nhân vật kì lạ), Sử Nam chí dị (ghi chép những chuyện lạ trong sử Nam)...

Những tác phẩm nói trên, mặc dù mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng thực chất vẫn mô phỏng theo kiểu Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái mà thôi. Trong đó yếu tố quái dị đã được các tác giả coi như là một đặc trưng của thể loại này. Thời gian sau, thể loại truyện kí sử này còn được tiếp tục diễn tiến và phát triển rất phong phú, bao gồm các tác phẩm khuyết danh như Trần Lê ngoại truyện (truyện dã sử thời Trần Lê), Lĩnh Nam nhân vật chí (ghi chép về những nhân vật cõi Lĩnh Nam), Danh thần danh nho truyện kí (Truyện kí về các danh thần danh nho)... Các tác phẩm có tên tác giả như Công dư tiệp kí (Vũ Phương Đề), Nam Hải dị nhân liệt

truyện (Phan Kế Bính), Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh), Vũ trung tuỳ bút, Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ)...

Như vậy, có thể khẳng định rằng, thể loại truyện kí đã được bắt đầu bằng nghi chép Floklore và chiếm một vị trí hết sức chủ đạo. Sự ra đời của thể loại truyện kí và sự phát triển mạnh mẽ của nó về sau ở thế kỉ XVIII tiếp tục tạo một tiền đề nghệ thuật quan trọng đẩy tới việc hình thành một thể loại mới trong văn học tự sự Việt Nam, đó là tiểu thuyết lịch sử. Thực chất đó cũng là thể truyện kí lịch sử nhưng ở dạng trường thiên như Việt Nam khai quốc chí truyện (Nguyễn Khoa Chiêm), Hoàng Lê nhất thống chí (của nhóm tác giả Ngô Thì), Tây Dương Gia Tô bí lục (của nhóm tác giả Nguyễn Hòa Đường, Nguyễn Bá An...). Trong Hoàng Lê nhất thống chí, mặc dù viết theo hình thức của tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc nhưng thực chất trong đó cách đặt tên, cách miêu tả nhân vật có nhiều sự khác biệt mang tính sáng tạo của người viết. Trong đó ngôn ngữ kể chuyện, lối đối đáp đậm chất dân gian. Tác giả cũng đã đưa vào truyện khá nhiều những truyền thuyết, giai thoại, tục ngữ, những biểu tượng của văn học dân gian.

Truyện cổ dân gian cũng có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành và phát triển thể loại truyền kì ở thế kỉ XV về sau. Tiêu biểu là Thánh Tông di thảo (XV), Truyền kì mạn lục (của Nguyễn Dữ ở thế kỉ XVI),

Truyền kì tân phả (của Đoàn Thị Điểm, thế kỉ XVIII), Tân truyền kì lục

(Phạm Quí Thích, khoảng đầu thế kỉ XIX)... Đây được đánh dấu là một bước phát triển mới về nghệ thuật viết của văn học tự sự Việt Nam. Hầu hết các tác phẩm truyền kì trên đều được xây dựng từ những cốt truyện dân gian mà ngày nay vẫn còn được lưu truyền như Bà chúa Liễu Hạnh, Cây thông và cây bách, Tướng Dạ xoa... Trên cơ sở các cốt truyện của truyện dân gian, các tác giả truyền kì hư cấu thành những câu chuyện mới, hướng tới những giá trị nghệ thuật cao, vừa có yếu tố lãng mạn, vừa có tính tư tưởng sâu sắc.

Kho tàng truyện cổ dân gian không chỉ có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển các thể loại văn xuôi tự sự mà còn có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển các thể loại tự sự văn vần của văn

học dân tộc, hình thức thể loại cũng như cách xử lí nghệ thuật của nhà văn. Trước hết, phải kể đến thể loại truyện thơ Nôm lịch sử. Thể loại này bắt đầu cũng được hình thành bằng cách kể lại những cốt truyện dân gian, như: Thiên Nam ngữ lục, trong đó có nhiều cốt truyện được lấy từ các truyện dân gian như Vương Nguyệt ánh Nguyên (đời Nguyên), Bạch Viên Tôn Các (đời Đường)... Đây là tác phẩm tự sự chữ Nôm bằng thơ sáu tám, đánh dấu việc hình thành và phát triển thành công cho thể loại này về sau như Đại Nam Quốc sử diễn ca của nhóm tác giả Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái...

Bên cạnh truyện thơ Nôm lịch sử, truyện thơ Nôm về đề tài xã hội

cũng được hình thành từ kho tàng truyện cổ dân gian như Tống Trân Cúc Hoa (từ truyện cổ tích Trạng Gầu), Quan Âm Thị Kính (truyện Nôm cùng tên), Bích Câu kì ngộ (Tú Uyên giáng kiều)... Thể loại này ngày càng được khẳng định và phát triển, phù hợp để phản ánh những nội dung xã hội rộng lớn và đã thực sự tạo nên một thời kì nở rộ của tiểu thuyết quốc ngữ vào thế kỉ XVIII mà đỉnh cao là tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Đầu thế kỉ XX trở đi, văn học chuyển mình bước vào thời kì hiện đại, mở đầu cho một giai đoạn mới, hứa hẹn bao sự đổi thay và sáng tạo mới. Có thể nói rằng, truyện cổ ở đây đã được sử dụng rất sinh động, ở nhiều mức độ khác nhau, có nhiều xu hướng khác nhau, hướng tới nhiều mục đích phong phú của đời sống xã hội. Đó là đề tài chống ngoại xâm, ca ngợi các anh hùng dân tộc, phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, lòng tự hào dân tộc... Các tiểu thuyết lịch sử mượn cốt truyện từ dân gian vẫn tiếp tục được sáng tác. Tuy vậy, những tư tưởng cốt lõi trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích dân gian từ ngàn xưa vẫn được kế thừa. Tiêu biểu là các tiểu thuyết lịch sử Hậu Trần dật sử (Phan Bội Châu), Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật), Lê Đại Hành và tiếng sấm đêm đông

(Nguyễn Tử Siêu), Ngọn cờ vàng (Đinh Gia Thuyết), ...

Có thể nói, kho tàng truyện cổ dân gian thực sự đã có những tác động trực tiếp, sâu sắc, và vô cùng rộng lớn trong lĩnh vực đặt nền móng cơ sở để từ đó tạo dựng cho một nền văn học viết hình thành và phát triển. Hay

nói cách khác, văn chương thời Trung đại đã tận dụng tối đa trong việc khơi nguồn mạch từ truyện cổ dân gian, dùng vốn liếng từ truyện cổ dân gian để dần dần khẳng định diện mạo cho một thời kì văn học mới - Văn học viết. Bắt đầu là bằng sự ghi chép, tập hợp thành những kho tàng phong phú, đầy đủ các thành phần thể loại. Tiếp đến là sử dụng chất liệu từ nội dung các câu chuyện, sử dụng các phương pháp và các hình thức sáng tác của dân gian để bắt chước, mô phỏng. Nhuần nhuyễn hơn một chút thì thêm thắt sáng tạo, và cứ như thế qua thực tiễn, qua thời gian, văn học dân gian đã nuôi nấng, đã tiếp nguồn lực cho nền văn học viết nảy mầm, phát triển và không ngừng đơm hoa kết trái. Đó cũng chính là qui luật phát triển của nhiều nền văn học trên thế giới, tạo nên sự phong phú và tính chiều sâu cho văn học.

Một phần của tài liệu Vai trò của văn học dân gian trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại dấu ấn của truyện cổ dân gian trong một số tác giả, tác phẩm tự sự Việt Nam sau 1945 (Trang 36)