2. Truyện cổ dân gian và xu hướng tiểu thuyết hóa
2.2. Những thủ pháp nghệ thuật phát triển cốt truyện
Khác với những nhà văn chế tác truyện cổ hoặc sử dụng các yếu tố thi pháp truyện cổ, sử dụng phong cách sáng tác dân gian để sáng tác những câu truyện cổ tích, phục vụ cho đối tượng thiếu nhi, dung lượng tác phẩm hầu như không thay đổi là mấy, kết cấu ổn định, ngôn ngữ nặng về trần thuật, thời gian, không gian nghệ thuật bị đẩy về quá khứ xa xăm và thuộc miền không xác định, nhà văn Tô Hoài cũng quay trở về những giá trị truyền thống, lấy chất liệu từ nguồn truyện cổ dân gian nhưng chỉ để làm nền tảng cốt lõi ban đầu. Trên cơ sở đó nhà văn nhào nặn, gia công và phát triển thành những pho tiểu thuyết. Từ một đến hai trang truyện cổ dân gian, dung lượng tác phẩm có thể đẩy lên tới hàng mấy trăm trang. ý nghĩa của tác phẩm cũng đã sâu sắc hơn, phù hợp với những nhận thức của thời đại mới. Tuy nhiên, chủ đề tư tưởng của truyện cơ bản vẫn được giữ nguyên, cảm hứng vẫn theo mạch truyền thống không thay đổi.
Như vậy, từ tâm điểm là một truyện cổ dài khoảng vài ba trang giấy, nhà văn đã tiếp tục mở rộng biên độ, chiều kích của tác phẩm. Để thực hiện được mục đích đó nhà văn đã phải dùng hàng loạt thủ pháp nghệ thuật như thêm chi tiết, phát triển các sự kiện; bổ sung hệ thống nhân vật; miêu tả đời sống nhân vật có nội tâm sâu sắc, phong phú, phức tạp; xâu chuỗi, móc nối nhiều truyền thuyết, thần thoại ... Các nhân vật, các sự kiện diễn ra trên một trục thời gian, không gian rộng lớn. Các truyện của Tô Hoài vẫn tiếp tục tác phẩm truyền thống, ca ngợi con người, ca ngợi sự nỗ lực và sức mạnh của con người trước hoàn cảnh, trước thế giới tự nhiên nhưng đă được ông phản ánh ở một tầm cao mới.
Có thể nói rằng, đây là hoạt động sáng tạo kế thừa truyền thống. Tuy nhiên xét về mặt thi pháp thì loại sáng tạo này đã mang đặc trưng của thể loại tiểu thuyết. Hay nói cách khác, Tô Hoài đã không kể lại truyện cổ dân gian một cách đơn thuần, cố định hóa chúng, hoặc mô phỏng một cách máy móc, rập khuôn. Nhà văn đã can thiệp sâu vào tác phẩm trên nhiều phương diện, trong đó chứa đựng những tư tưởng tình cảm cá nhân, những mục đích và ý tưởng sáng tạo mới mẻ, hiện đại. Tuy vậy, vẫn không xa lạ, tách khỏi những tiếp nhận vốn rất gần gũi với bạn đọc.
Tô Hoài không làm lại vai trò của Nguyễn Đổng Chi - một người sưu tầm truyện cổ. Trong truyện “Nhất Dạ Trạch” (Lĩnh Nam chích quái) có chỗ miêu tả “Chử Đồng Tử thân thể trần truồng, đói rét, đứng trên sông, hễ thấy thuyền buồm qua lại thì đứng ở dưới nước mà ăn xin”. Đến Nguyễn Đổng Chi, sự ghi chép sưu tầm lại khiến người đọc cảm nhận rõ hơn, chi tiết hơn vì một Chử Đồng Tử cần cù lao động, nghèo khổ, có hiếu; một Tiên Dung yêu tự do, không nề hà địa vị sang hèn. Nhưng sự thay đổi chút ít như trên không làm cho chủ đề cốt truyện thay đổi, các chi tiết đồng nhất chiếm hầu hết vị trí của truyện, dung lượng tác phẩm không chênh lệch là mấy. Truyện chỉ dừng lại mức độ cố định cổ tích thành văn bản. Nhà văn không được coi là người đã tham gia sáng tạo, hoăc chí ít đó chỉ là sự can thiệp không có ý thức của nhà văn. Nhà văn Tô Hoài trong ba cuốn tiểu thuyết Đảo Hoang (dựa trên Sự tích Dưa hấu), Nhà Chử (dựa trên truyện Đầm Nhất Dạ và Bãi Tự Nhiên), Chuyện nỏ thần (dựa trên truyền thuyết Hùng Vương, Lý Ông Trọng, Hai Bà Trưng...) thực sự trở thành nhà sáng tạo tài ba. Nhà văn đã can thiệp sâu tới mọi bình diện tác phẩm.
Trong quá trình đối chiếu và khảo sát với tác phẩm truyền thống, để giảm sự trùng lặp không cần thiết, chúng tôi chỉ trình bày các thao tác tiêu biểu mà nhà văn dựa vào đó để làm cơ sở phát triển dung lượng, chiều kích tác phẩm.
Trong ba tiểu thuyết của nhà văn Tô Hoài, tác giả chú tâm lược bỏ bớt các chi tiết biến hóa, phù phép dị đoan mà thiên về tính thiết thực. Nhà văn muốn nhấn mạnh vai trò và công lao của con người.
Như chúng ta đều biết, trong thể loại thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, yếu tố hoang đường kì ảo giữ một vai trò rất quan trọng. Sự tác động của sức mạnh thần linh, phép thuật đối với nội dung câu chuyện cũng rất lớn. Tính chất hoang đường, kì ảo là một trong những thành tố quan trọng nhất tạo nên sắc thái riêng cho bộ phận truyện cổ. Nó vừa là thế giới quan vừa là ước mơ của người lao động xưa. Trước những hiện tượng của tự nhiên, con người không thể lí giải được (trời, đất, gió, mưa, lũ lụt, hạn hán...). Bằng niềm tin thơ ngây và trí tưởng tượng bay bổng, người xưa đã xây dựng nên những sức mạnh siêu nhiên để chống trả và chiến thắng thế lực của tự nhiên. Yếu tố hoang đường kì ảo vì thế đã trở thành một trong những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của thể loại thần thoại, truyền thuyết, cổ tích... có sức lay động mãnh liệt đối với con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Niềm tin và khát vọng của người xưa đã được họ tạo nên những hình ảnh nghệ thuật đặc sắc. Hàng loạt Thần được xây dựng để gánh vác những trọng trách lớn lao như dời núi, lấp bể, vá trời (thần thoại); những nhân vật sinh ra để trợ giúp người nghèo khổ, bất hạnh, trừng trị kẻ ác (cổ tích); những anh hùng mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm (truyền thuyết)... Bên cạnh những yếu tố phù phép, biến hóa li kì cũng xuất hiện khá phổ biến (sự tích Đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên, Thánh Gióng, An Dương Vương, Sọ dừa ...). Khi văn học viết ra đời (thế kỉ X) cũng được bắt đầu bằng sự ghi chép Folklore, các thể loại tự sự văn học hình thành, yếu tố kỳ diệu, hoang đường, những phép biến ảo li kì vẫn tiếp tục được sử dụng (Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái…), thậm chí đậm đặc yếu tố kinh dị (Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ ) ...
Qua thời gian, cùng với sự nhận thức của con người, yếu tố hoang đường mờ nhạt dần, nhường chỗ cho nhận thức trí tuệ của con người và yếu tố ngẫu nhiên. Con người trong những nhận thức lí tính đã nắm được quy luật của tự nhiên, của cuộc sống. Tâm lí tiếp nhận của con người cũng thay đổi, xích dần về thời hiện đại. Những yếu tố kì diệu, hoang đường,
biến hóa khôn lường trở nên như một hình thức tô điểm câu chuyện thêm phần lung linh hư ảo. Nhà văn Tô Hoài khi sử dụng các nguồn chất liệu truyện cổ dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích...) để phát triển thành những tiểu thuyết, ông cũng lưu ý tới việc loại bỏ bớt các yếu tố thần linh, ma thuật, phù phép (loại bỏ bớt chứ không phải là vứt bỏ hoàn toàn). Mục đích của nhà văn là muốn làm cho nội dung câu chuyện thật hơn, gần gũi hơn. Giảm bớt sức mạnh của thần linh, ma thuật tức là nâng cao tầm vóc, sức mạnh của con người. Câu chuyện vì thế có thể phản ánh và hướng tới những ý nghĩa lớn lao của thời đại.
Tô Hoài đã cố gắng để không thần thánh hóa nhân vật. Nhân vật của ông gần gũi đời thường hơn, suy nghĩ và hành động chẳng khác gì đời thường. Từ những triết lí có tính chất tượng trưng trong dân gian, nhà văn đã tích cực đào sâu, bới kĩ các chi tiết, các sự kiện. Các nhân vật trong ba cuốn tiểu thuyết của Tô Hoài được thử thách trên rất nhiều hoàn cảnh; chiến đấu vật lộn với hoàn cảnh, không những thế còn phải chiến đấu cả chính mình.
Nhà văn Tô Hoài đã tiếp tục các đề tài từ truyện cổ nhưng ở một vị trí và tầm vóc mới, cao lớn hơn, sâu sắc hơn, gắn liền với cả một quá trình phát triển của con người. “Tôi hiểu nền văn minh ấy và câu chuyện dưa hấu là tinh thần sức mạnh lớn lao của dân tộc, là truyền thống chiến đấu chống thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, giành quyền sống và phát triển qua tất cả các đời. Trong Đất nước và con người Việt Nam - một bản hùng ca sôi nổi từ nghìn năm dựng nước tới nay trên bờ biển Đông”[25, tr.7]. Từ nhận thức sâu sắc ấy mà nhà văn đã từng nuôi nấng, ấp ủ “làm được bài thơ về cái đảo hoang ấy một lần nữa”[25, tr.8].
Sức mạnh con người Việt Nam kết tinh trong lịch sử đã được nhà văn tưởng tượng, tái tạo thấm đẫm chất hiện thực. Trong nhiều thao tác dẫn đến kết quả đó có việc khởi đầu là loại bỏ bớt một phần yếu tố kì dị hoang đường. Chúng ta có thể khảo sát ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần để thấy được phương pháp xử lí nghệ thuật này của nhà văn.
Trong truyện cổ tích Đầm Nhất Dạ và Bãi Tự Nhiên có chi tiết Chử Đồng Tử trên đường đi ra nước ngoài mở rộng buôn bán có qua một hòn núi giữa biển, gọi là núi Quỳnh Viên. Chử Đồng Tử trèo lên đến tận đỉnh cao say sưa ngắm cảnh, bỗng nhiên thấy mình đứng trước một cái am nhỏ. Trước am có một đạo sĩ ngồi định thần trên một phiến đá. Chử Đồng Tử quyết định theo sư phụ ở lại hành đạo. Nhờ hiểu đạo rất chóng - sư phụ đã dạy cho anh rất nhiều phép mầu nhiệm rồi cho anh một cái gậy và một cái nón. Hai vật ấy đã có biến hóa kì ảo có thể biến một vùng hoang sơ thành “một cung điện lộng lẫy, có đủ các thứ giường sập, màn trướng, lại có cả tiểu đồng thị nữ và binh lính đi lại rộn rịp...”[66, tr.41], có thể biến cung điện nguy nga lộng lẫy thành một bãi đất không trống trọi, đầm lầy. Truyện còn có thêm chi tiết là đời sau Triệu Việt Vương đóng quân trong đầm để chống quân xâm lược nhà Lương. Lúc bị quân giặc vây nguy cấp, Triệu Việt Vương thiết đàn, cầu thần giúp ông tiêu diệt quân địch để cứu mạng nước, bỗng thấy một vị thần cưỡi rồng xuống đàn cho Triệu Việt Vương một cái móng rồng và dặn phải cắm cái vuốt này lên chỏm mũi đầu mình thì đi đến đâu, giặc sẽ tan đến đấy. Nói xong thần cưỡi rồng bay vụt lên trời.
Theo lời thần dạy, Triệu Việt Vương cắm vuốt rồng lên mũi mũ, thấy sức khỏe tăng lên bội phần, trí óc cũng sáng suốt, thân thể ngày một lớn, mới đem quân phá vòng vây, chém được tướng giặc là Dương Sằn. Quân xâm lược nhà Lương bị tan vỡ, phải rút khỏi nước Nam.
Trong truyện Nhà Chử, yếu tố thực và ảo cũng được sử dụng nhưng đã có sự lược bỏ. Một bên là nhân vật Chử trong cuộc hành trình về thăm lại chốn quê, nơi ông bà, cha mẹ đã sinh ra Chử. Một bên là những con người mà Chử gặp có gì đó như hư ảo, như là quá khứ hiện về trong giấc mơ. Chi tiết Phật bà ban tặng cây trượng và chiếc nón với những phép màu nhiệm huyền ảo trên không được nhà văn sử dụng lại. Cả chi tiết Triệu Việt Vương cầu thần giúp đánh thắng xâm lược nhà Lương cũng bị loại bỏ. Cuộc gặp gỡ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử nên duyên vợ chồng như là duyên phận, là ý trời và thực tế đó là sự tự nguyện của hai người. Kết thúc là một đám cưới linh đình, có cả các bô lão địa phương tới
dự. Từ đó hai vợ chồng Chử Đồng Tử “lập nên bến cửa, trên bãi dưới nước có chợ hôm, chợ mai, cho đất nước thêm một cõi”[27, tr.185]. Hai người sống một cuộc đời giản dị, hạnh phúc và nghĩ về viễn cảnh của một ngày mai tươi sáng “Mai kia, trên cửa sông nhìn ra, nắng soi lên cát những bến bãi, chợ búa mọc như nấm. Thuyền bè ra vào phơi phới, nhiều không kể xiết. Hoa xoan tím ngát thơm sang cả những người ngả gỗ làm nhà”[27, tr.186]. Câu chuyện không còn cảm giác thoắt ẩn, thoắt hiện. Cuộc sống thực của con người đã lộ rõ trên từng trang sách, nghe như đâu đó rất gần.
Tương tự trong truyện cổ tích Mỵ Châu – Trọng Thủy, yếu tố ma thuật phù phép cũng khá đậm nét. Khi An Dương Vương lệnh cho quân lính xây thành thì điều ngạc nhiên “là thành hễ xây lên cao quá đầu người, thì chỉ trong một đêm tự nhiên đổ sụp”[4, tr.94 - 95].
“Sở dĩ xây lên đổ xuống là vì có nhiều yêu quái phá phách. Chúng nó biến hóa muôn hình vạn dạng”. Nhờ phép thần thông của thần Kim Quy, yêu quái bị tiêu diệt không còn một mống [4, tr.95.T5]. ở đây truyền thuyết dân gian dường như đã được lịch sử hóa dưới những ảnh hưởng của tư tưởng chính thống. Vì vậy yếu tố thần linh, ma thuật sẽ gây cảm giác nặng nề, ma quái, làm biến mất một phần lịch sử.
Trong Chuyện nỏ thần, nhà văn Tô Hoài không đưa chi tiết này vào phần sáng tạo của mình. Trong tác phẩm ông có trích dẫn như một lời đề tựa chứ không hề có ý phát triển, khai thác ý đó. Nhà văn có cách xử lí nghệ thuật theo cách thức và dụng ý của mình. Trong Chuyện nỏ thần, nhà văn Tô Hoài đã xâu chuỗi nhiều truyền thuyết với nhau (Lý Ông Trọng, Mỵ Châu – Trọng Thủy, Hai Bà Trưng). Chi tiết An Dương Vương xây thành được bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Vua Thục và Lý Ông Trọng. Đi theo còn có các tướng giỏi Đô Nồi, Đô Lỗ. Mọi người nhận thấy cần phải xây thành để phòng thủ giặc ngoại xâm lâu dài. Thế là kế họach lựa chọn địa thế đã được xác định. Đó là “một dải đồi tổ ong tựa bên bờ sông Thiếp, sông Thiếp có nối sông Lý sang các ngọn lên Vũ Ninh, lại ra sông Cái, xung quanh hiểm hóc, bao bọc nhiều đầm hồ, nhiều vực. Đánh bộ, đánh thủy, tiến lui đều thuận”[26, tr.43]. Kế họach đắp thành được ban ra “người khắp các cõi về đắp thành, đi giữa trời nước ấy
như những đám trảy hội”[26, tr.99]. Không khí xây thành diễn ra tấp nập, náo nhiệt, có đủ già trẻ, trai gái, phường này phường khác thi đua, tiếng hát tiếng cười rạo rực cả một vùng. Công việc xây thành vất vả, kéo dài từ năm này qua năm khác nhưng khí thế mỗi năm một tăng thêm, thể hiện được sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân khắp các cõi. “Năm nay, khí thế khác hẳn mọi năm. Người về xây thành vua Thục, lại người được gọi, như mọi khi hội quân các cõi. Đâu đâu cũng tấp nập. Trai tráng cả nước đóng khố ba bảy, cởi trần đi đông nghịt về thành. Đông hơn hội quân. Các bà lão, các ả ngoài nội trong thành kéo ra. Chiều đến, người phường nào, chạ nào tụ tập lại. Dọc sông sáng rực đuốc đóm. Chỗ hát xoan, hát thương, hát nhớ, chỗ đấu voi, đấu vật rộn rã đến khuya”[26, tr.106].
Không còn hình ảnh bức thành xây lên cao lại đổ, liên tiếp lặp lại như thế mà “công sức của hàng vạn con người, kiên trì bền bỉ đã chiến thắng. Dãy tường thành lấp lánh ánh nắng nổi màu xanh lục in trên nền trời cùng với những nét lố nhố đoàn người kéo đất lởm chởm cao dần dường như từng lúc trông đã khác”[26, tr.117].
Không cần phải dùng đến sức trợ giúp của các nàng tiên bay đi bay về trong đêm. Tô Hoài đã đưa câu chuyện cổ về với hiện thực của cuộc sống, gắn liền với quá trình đấu tranh và xây dựng của dân tộc ta trong lịch sử. Đó là tinh thần sức mạnh tập thể, sự đoàn kết nhất trí. Câu chuyện của nhà văn khơi dậy trong người đọc niềm tự hào quá khứ. Nó được khơi dậy như một ký ức đẹp đẽ về một quá khứ mà trong đó con người gắn liền không khí chung của dân tộc, có ý thức trách nhiệm cao, với những truyền thống cao đẹp. Lời nói của Cao Lỗ trước sự khen ngợi của vua Thục đã khẳng định nhận thức và chủ ý của nhà văn “Vua chớ quá khen, làm tôi nghĩ mà thẹn. Chỉ bởi cố ông Trọng đã dạy, mới nên thành này. Rồi nhờ