2. Từ chất liệu truyện cổ đến một số hình thức sáng tạo nghệ thuật trong truyện ngắn hiện đại của một số nhà văn
2.1. Lấy lại tên nhân vật của truyện cổ
Lấy lại nhân vật của dân gian, từ dân gian để xây dựng những nội dung cốt truyện mới, thể hiện một tư duy hiện đại, nhân vật không thay đổi nhưng đời sống của nhân vật đã vượt xa điểm xuất phát. Dân gian gọi đó là hình thức Bình cũ rượu mới. Có thể chỉ ra hàng loạt nhà văn đã sử
dụng hình thức này: Trương Chi (Nguyễn Huy Thiệp), Câu hát (Lưu Sơn Minh), Bụt mệt (Hòa Vang), Trương Chi của tôi, Châu Long, Trầu têm cánh phượng (Bảo Vũ), Sự tích những ngày đẹp trời (Hòa Vang)... Các nhân vật trong câu chuyện của nhà văn đã giũ bỏ những chức năng vốn có của mình trong truyện cổ, bước vào xã hội hiện đại rất sống động, độc đáo, gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
Như chúng tôi đã đề cập ở phần trước, trong truyện cổ, các nhân vật xuất hiện đều thực hiện một chức năng nhất định nào đó, các nhân vật mang tính khái quát cao, đại diện cho một loại người nhất định trong xã hội. Do phương thức tồn tại của nghệ thuật dân gian là truyền miệng nên không có điều kiện đi sâu miêu tả chi tiết đời sống nhân vật, những diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật như trong văn học viết. Khi sử dụng lại tên của các nhân vật trong truyện cổ, nhà văn đã nắm bắt những cấu trúc mở này để sáng tạo, đưa nhân vật vào những tình huống, những tâm cảnh phức tạp, thậm chí trái khoáy của đời sống. Nhân vật cũng vì thế mà có điều kiện để bộc lộ thực lòng, thực đúng với bản chất của con người.
Nhân vật Bụt trong truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích Tấm Cám nói riêng là loại nhân vật thần kì, có sức mạnh siêu nhiên. Chức năng duy nhất của Bụt là giúp người nghèo khổ, tốt bụng khi gặp tai họa “Lòng hỉ xả vô biên là đặc trưng của Bụt”[99, tr.74] và cứ thế “Chúng sinh gọi, Bụt đáp lời”[99, tr.74]. Bụt như là một yếu tố phụ để cho nhân vật chính thực hiện theo chủ đề của truyện.
Truyện cổ tích Tấm Cám kể về một cô Tấm mồ côi từ thuở nhỏ, phải ở với người mẹ ghẻ độc ác và đứa em nanh nọc tên là Cám. Tấm luôn bị đứa em cùng cha khác mẹ và người mẹ kế lừa dối, hãm hại, Tấm gặp rất nhiều sự việc éo le. Những lúc như thế Tấm chỉ biết ôm mặt khóc. Và mỗi lần như thế Bụt nhân từ lại hiện lên cứu giúp. Từ một cô bé mồ côi mẹ nghèo khổ, Bụt đã làm cho Tấm đã trở thành Hoàng hậu, mọi cái ác xung quanh đều bị Bụt loại trừ.
Nhà văn Hoà Vang đã dựa vào những tình tiết của truyện xưa, lấy lại hình tượng nhân vật của truyện xưa để viết chuyện. Nhân vật Bụt trong tác phẩm của Hòa Vang không còn là hình tượng siêu nhiên nữa. Bụt của Hòa Vang cũng mệt mỏi, cũng bất lực trước những áp lực bộn bề của cuộc
sống đời thường. Nhan đề câu chuyện đã thể hiện sự khám phá, sáng tạo, độc đáo của nhà văn. Bụt mệt, tức Bụt bị ốm, chuyện vốn không ai nghĩ ra được. Mở đầu câu truyện không phải là hình ảnh của một ông Bụt uy nghi, nhân từ hiện ra để cứu giúp mọi sự việc bất lực, đau khổ mà là một ông Bụt đang nằm ngất xỉu bên hồ nước mắt của con người, trông thật thảm hại: “Bụt nằm bẹp dưới một gốc tùng bách chết khô sát mé một hồ nước trong vắt, áo quần lấm láp, đôi hài mòn vẹt thủng hở cả gót chân, hơi thở hổn hển, mắt lờ đờ, tay quờ quạng...”[99,tr.69]. Nguyên nhân của tình trạng ấy chính là Bụt đã làm việc quá tải vì chức năng cứu giúp của mình. Nhưng sâu xa cũng vì Bụt không làm sao lấp hết bể khổ của con người nơi trần gian.
Trong Bụt mệt, nhà văn không chủ tâm phê phán nhân vật Tấm mà coi đó là một lí do để xuất phát triển khai chủ đề tác phẩm mới. Nhà văn đã đưa Bụt từ thế giới siêu nhiên trở về với thực tế thời hậu sinh, đối mặt với bao nhiêu mối quan hệ đời thường, phức tạp và lẫn lộn. Hòa Vang đã sử dụng một khung cốt truyện phụ để tạo cớ độc thoại nội tâm nhân vật. Nhân vật Bụt tự trách mình quá dễ dãi, mủi lòng trước tiếng khóc của cô Tấm ngày xưa, đã “châm ngòi tai vạ”[99, tr.71], tự nhận ra năng lực từ bi cứu độ của mình không phải là vô tận vô biên như trước kia; Bụt nhận thức, phán xét rất rõ là “thiên hạ bây giờ khác quá rồi, người đông lắm, họ đẻ nhiều, chết ít... Người lắm thì khổ đau càng lắm. Mà nỗi khổ đau bây giờ thì loại đau đớn như cô Tấm ngày ấy chẳng thấm tháp vào đâu. Có kẻ bị anh em ruột của mình (chứ chẳng phải cùng cha khác mẹ nào) trút sạch, nẫng sạch cả cơ nghiệp, vợ con... (chứ chẳng phải chỉ là cái giỏ cua). Có người phải ngồi nhặt cả đời một ngọn núi trộn lẫn những hạt vàng thật và những vụ thau đỏm giả, mà lại còn bị bịt mắt buộc chân nữa kia... (chứ chẳng phải một đấu thóc trộn với một đấu gạo)”[99, tr.74]. Rồi lại còn cảnh khóc giả, khóc thật, khóc thuê, khóc mướn... Người đáng khóc thì đã khóc hết nước mắt, người khóc thì không xứng đáng. Vì lòng từ bi mù quáng mà Bụt đã hiện lên cứu giúp không xuể, đã cạn kiệt sinh lực vì sự quá tải. Giọng văn đọc lên có cái gì đó dí dỏm, hài hước nhưng không phải không gợi nhiều điều phải suy ngẫm, sâu xa.
Như vậy, từ tiếng khóc cầu cạnh ban ơn trong Tấm Cám, Hòa Vang đã để cho nhân vật Bụt mệt mỏi trong tiếng khóc đầy cung bậc sắc thái của con người, rộng hơn là của loài người thời hậu sinh. Thời mà con người vẫn đang còn phải đối mặt với khổ đau, sự tha hóa của đạo đức và nhân cách, còn phải gánh chịu những bất công, đè nén, trớ trêu... Nhân vật Bụt trong truyện ngắn của Hòa Vang đã vượt ra khỏi tính chất chức năng vốn có. Bụt của Hòa Vang biết so bì, biết dằn vặt, sám hối, biết phán xét, suy ngẫm về mình, về người khác, về sự đời, về những triết lí của cuộc sống, rất gần gũi với cuộc sống đời sống hiện tại.
Trong truyện Sự tích những ngày đẹp trời, Hòa Vang cũng sử dụng lại các nhân vật từ thần thoại “Sơn Tinh, Thủy Tinh” để khai thông một hướng sáng tạo hoàn toàn mới, chứa đựng những nhận thức và lí giải mới cũng rất hợp lí và hấp dẫn. Chủ đề câu chuyện cũng hoàn toàn thay đổi theo một hướng khác. Tình cảm vốn là một lĩnh vực không thể tồn tại một cách công thức, rạch ròi, tình yêu lại càng không thể diễn ra như những phép tính... Nhà văn Hòa Vang đã dựa vào lí lẽ đó để đi vào khám phá những cái riêng nhỏ âm thầm, cái lẽ cố nhiên trong mỗi con người để xây dựng một mối tình sâu kín, đẹp như thơ giữa Mị Nương và Thủy Tinh, người đã thua cuộc trong hội thi kén rể năm xưa.
Trong truyện cổ, nhân vật Thủy Tinh đại diện cho tuyến nhân vật phản diện, biểu tượng cho sự hung dữ, độc ác, hay thù oán và gây nhiều tai họa. Đến Sự tích những ngày đẹp trời Thủy Tinh đã trở thành nhân vật trung tâm, nhân vật chính diện. Thủy Tinh không còn là nhân vật đại diện cho cái ác, “bị muôn đời gớm ghiếc, nguyền rủa” trong xã hội mà là một người tình tuyệt vời, đầy bao dung. Tình yêu của chàng dành cho Mị Nương cũng thật cao thượng, sâu sắc và trong sáng. Nhân vật Thủy Tinh cũng trải qua những sắc thái tâm trạng của con người đang yêu. Tình yêu của chàng cũng có những giây phút đắm say, nồng nhiệt “Tôi đã yêu em, từ lâu lắm rồi cho đến mãi mãi”, cũng hồi hộp thấp thỏm và tràn ngập
nhung nhớ “lòng chỉ cồn cào một ý nghĩ làm sao gặp được em, thấy được em. Đã bao lần tôi định lén trốn ra ngay trong đêm tìm đến chỗ em. Nhưng rồi tôi biết em đã ở trong cung cấm. Và ý nghĩ cuối cùng khiến tôi
đành nén lòng nằm yên chờ sáng” [99, tr.10-11]. Chàng cũng đau đớn, hụt hẫng khi bị mất tình yêu; khi người yêu của mình thuộc về một kẻ khác; khi tình yêu bị áp đặt, toan tính thiếu công bằng. Lần đấy Thủy Tinh đã trở về biển cả trong sự “rầu rĩ, thẫn thờ”, “đau xót”. Chàng đã khóc cho tình yêu, khóc cho chính mình nhưng tuyệt nhiên không mảy may oán hận Sơn Tinh. Thủy Tinh thừa nhận “Tôi chỉ đau xót cho tôi. Tôi đứng chết sững và không thể cầm được nước mắt ào ào dâng lên, túa ra giàn dụa”[99, tr.17]. Hành động Thủy Tinh “dâng nước” đánh Sơn Tinh trong truyện cổ được nhà văn lí giải như là sự phản ứng tự phát của những loài thủy tộc khi thủ lĩnh của mình thất trận. Vì bản chất của tình yêu vốn không có thù hận, tầm thường.
Đối lập với sự hung hăng, kiêu ngạo và độc ác trong truyện cổ, Thủy Tinh của Hòa Vang điềm đạm, sâu sắc trong tình yêu, trong lối ứng xử nhưng cũng thật mộng mơ. Sau lần đó, Thủy Tinh đã “một mình về biển” mang theo mỗi đau khổ và thánh thiện với tất cả “nỗi nhớ, lòng mong muốn hướng về em”. Và chàng đã hóa thân thành những dòng suối nhỏ, những giọt mưa đầu mùa trong vắt, tinh khiết thấm đượm vị mặn mòi của biển với “hi vọng sẽ gặp lại em”. Bởi tình yêu muôn đời vẫn vậy, nó làm cho những trái tim luôn biết hướng về nhau. Thủy Tinh ở đây cũng thật đáng yêu, vì chàng đã sống tất cả cho tình yêu, sẵn sàng từ bỏ quyền lực, danh vọng để sống cho tình yêu “Bây giờ thì tôi đã từ bỏ tất cả. Tôi đã quyết định trả lại ngôi Chúa Biển. Tôi về đây, cố hướng mãi, cố nhỏ bé mãi con người mình đi tìm được tận suối nguồn này, hy vọng gặp em”[99, tr.20]. Nhà văn Hòa Vang thực sự đã thể hiện sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của Thủy Tinh, một trái tim tan vỡ, khổ đau vì mất tình yêu. Nhà văn đã lắng nghe được sự thổn thức của con tim, nỗi khát khao, hy vọng, sự sót xa cay đắng và sự hóa thân của tình yêu. Hòa Vang đã để cho nhân vật sống những tâm trạng thực của tình yêu với nhiều sắc thái, nhiều cảm giác, nhiều cung bậc. Bản chất của tình yêu là như vậy.
Nhân vật Mị Nương trong truyện cổ cũng là cái xác không hồn, là biểu tượng của sự tranh chấp, là sự tuân thủ tuyệt đối sự sắp đặt của số phận một cách vô cảm. Mị Nương cũng chỉ là một nhân vật thực hiện
chức năng trong việc thể hiện chủ đề của cốt truyện. Trong Sự tích những ngày đẹp trời nàng đã tự khẳng định mình. Bên cạnh một Mị Nương có hạnh phúc, bằng lòng với những gì đạt được là một Mị Nương sâu thẳm cõi lòng, cũng phải âm thầm nén chịu những điều áp đặt phi lí. Trong tâm hồn ấy vẫn luôn có những lẽ cố nhiên khác, riêng nhỏ âm thầm như là thế giới bí mật mà chỉ có tình yêu mới biết được. “Cái cảm giác ấy nhiều khi phải len lỏi, phải tàng hình, tan biến vào những ánh mắt chào đón rạng rỡ, những nụ cười hớn hở vui tươi [99, tr.5]. Mị Nương cũng như bao người phụ nữ khác, cũng khát khao tình yêu, cũng cất giữ trong tâm hồn mình những khát khao thầm kín, khát khao được chia sẻ, giãi bày; khát khao được vỗ về, âu yếm. Con người ấy cũng trải qua những cảm giác của hạnh phúc, của tình yêu đích thực, cũng mơ mộng và đam mê... Mị Nương đã hóa thành những làn gió thơm “rướn lên bay dọc triều đê, hồ hởi ào theo những con sông tới biển”[99, tr.23], nơi có tình yêu bao la, thăm thẳm và mặn nồng đang vẫy gọi, chờ đón.
ở điểm này, Hòa Vang đã biến cuộc hôn nhân cổ, loại hôn nhân tiền tình yêu thành một mối tình sâu nặng, chôn chặt trong mỗi con người, khi có điều kiện bộc lộ thì nó mãnh liệt vô cùng. Sự tưởng tượng của mình, theo tư duy của con người hiện đại, các nhân vật của ông đã sống hết mình theo tiếng vẫy gọi của tình yêu. Nhà văn đã chọn đúng vai trò người nghệ sĩ, giãi bày, ngợi ca những tình yêu đẹp đẽ. Hòa Vang suy tôn ủng hộ tình yêu, suy tôn những hạnh phúc có tình yêu. Điều đó cũng đồng nghĩa là không chấp nhận một thứ hạnh phúc, một thứ hôn nhân áp đặt, vụ lợi, không có tình yêu. Câu chuyện của ông cũng gợi mở lên nhiều điều, bởi những điều đó, hôm nay không phải không còn tồn tại, nếu chúng ta không ý thức được, không tôn trọng tình yêu thì chắc chắn “những lẽ cố nhiên” một lúc nào đó bất chợt sẽ biến chúng ta thành những con thiêu thân. Mà những cái tương tự tình yêu trong cuộc đời thì nhiều lắm, không đơn giản để tránh được nhầm lẫn, để tránh những tan vỡ...
Cũng bằng cách lấy lại nhân vật từ dân gian, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại tạo ra một mẫu nhân vật Trương Chi mới vốn là có từ trong truyện cổ, trở thành một nhân vật đầy cá tính, đầy tâm trạng. Tâm trạng
cũng ở dạng bị dồn nén, o ép đến bức xúc, cay cú dẫn đến những phản ứng gay gắt, khác hẳn nhân vật Trương Chi truyền thống. Trương Chi trong truyện cổ là một câu chuyện hay và cảm động mà trí tưởng tượng của dân gian đã cống hiến cho văn học. Mị Nương từ say mê câu hát, tiếng đàn đâm ra thương nhớ người hát đến ngã bệnh. Cái bệnh tương tư thường thấy trong văn học xưa. Đến khi phụ thân nàng gọi Trương Chi thì té ra là một người khố rách áo ôm “thậm xấu”. Mị Nương thoát bệnh thì lại đến Trương Chi, chàng ra về mang theo hình ảnh giai nhân mà ốm tương tư rồi chết.
Nguyễn Huy Thiệp đã mượn hình ảnh Trương Chi trong truyện cổ, dựa vào những tình tiết về mối tình éo le, sự cam chịu của nhân vật trước thân phận nghèo hèn để xây dựng một hình ảnh về chàng Trương Chi của thời hiện tại, với sự ứng xử và thái độ cay cú trước lẽ đời. Câu chuyện không còn thơ mộng và trữ tình như trong truyện cổ, nhường chỗ cho sự bế tắc ngột ngạt. Ngột ngạt, bế tắc đến nỗi nhân vật có thể nổi đoá, tung hê tất cả, có thể văng tục một cách vô lối “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông” [83, tr.132]. Lại còn văng tục “cứt”, “cứt”... trở đi trở lại như một lời phỉ nhổ đầy hằn học trong suốt tác phẩm. Trương Chi đã văng tục lên tất cả, về tình yêu, về công danh, về tiền bạc, sự nhẫn nhục, những cái mà chàng nguyền rủa, khinh bạc và bất lực. Trương Chi còn văng tục luôn cả chính mình.
Những nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp cũng đã trải qua những tâm trạng đau đớn, xót xa, cay cú bởi không tìm được tiếng nói chung giữa cuộc đời - cuộc đời mà theo chàng là còn những bất công ngang trái, còn những nhố nhăng và toan tính, còn bạc bẽo và trớ trêu, còn những xúc phạm và tổn thương. Như vậy, nhân vật Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp không còn là nhân vật sinh ra để làm người cam chịu, âm thầm nhận lấy những trái khoáy của cuộc đời mà đã vùng vẫy trong số phận. Tâm trạng của nhân vật đã phát triển theo nhịp độ tăng tiến, từ thấp đến cao, từ dồn nén đến bức xúc cay cú, đến không thể nhín nhượng. Câu chuyện cũng không còn là mặt hồ phẳng lặng, trong suốt mà đã hiện lên những
đợt sóng ngầm, những cơn xoáy đục báo hiệu cho một cơn đại hồng thủy ập đến bất cứ lúc nào.
ở trong truyện cổ chỉ cần mấy giọt nước mắt của Mị Nương là oan hồn của Trương Chi được giải tỏa, rất trữ tình và giàu chất thơ. Tác giả thừa nhận rằng “Quả thực cái kết thúc ấy là tuyệt diệu, cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình”[83, tr.144]. Nhưng đó là kiểu kết