1. Nhà văn viết truyện cổ tích
1.2. Truyện cổ dân gian và sự chế tác của nhà văn
Văn học dân gian và văn học viết đều là nghệ thuật ngôn từ nhưng có rất nhiều điểm khác biệt nhau. Một trong những điểm khác biệt nhau đó là quá trình sáng tạo.
Một tác phẩm văn học viết khi đã được công bố tức là đã kết thúc về cơ bản một quá trình sáng taọ. Sự hay dở của tác phẩm, từ đó, tùy thuộc vào sự phán xét của bạn đọc. Điều đó cũng đồng nghĩa là: nếu tác phẩm không hay, nhà văn không có cơ hội để điều chỉnh lại. Nhất là đối với loại hình tự sự. Một tác phẩm văn học tồi sẽ chết trong công chúng bạn đọc, nhưng ngược lại, nó sẽ tồn tại mãi mãi trên văn bản.
Đối lập lại, một tác phẩm dân gian khi được diễn xướng trong một hoàn cảnh, một môi trường cụ thể nào đó thì đó chỉ là một lát cắt của một quá trình tác phẩm. Những sáng tác ấy sẽ liên tục được lưu truyền trong không gian và thời gian. ở một thời điểm bất kỳ, một địa điểm bất kỳ khi có môi trường hứng tác, các sáng tác dân gian sẽ được đón nhận, thêm bớt... phù hợp với văn cảnh hoặc nhận thức, hiểu biết của từng cá nhân, từng vùng, từng miền, từng thời kỳ khác nhau. Kết quả của quá trình sáng tạo đó, qua thời gian và không gian đã cho rất nhiều dị bản. Các nhà Folklore học gọi đó là sự hứng tác - sáng tác lại.
Các nhà văn đã dựa vào nguyên lý sáng tạo này để kể lại truyện cổ dân gian bằng chữ viết. Đây cũng là một quá trình hứng tác - sáng tác lại, nhưng tác phẩm thành văn mang dấu ấn sáng tác riêng của nhà văn.
ở cấp độ này các nhà văn đã lấy một số truyện cổ dân gian và viết lại tương đối trung thành với văn bản truyền miệng. Cốt truyện cổ vẫn được giữ nguyên. Nhà văn chỉ tham gia gia công, thêm thắt một vài chi tiết nhỏ. Biên độ giao động giữa dân gian và thành văn rất ít. Về căn bản tính chất trọn vẹn của truyện cổ vẫn được bảo tồn. Sự can thiệp của nhà văn chỉ ít nhiều làm phá vỡ tính nguyên bản của hệ thống nghệ thuật truyện cổ dân gian, ít nhiều có sự thay đổi những yếu tố thuộc phong cách dân gian như xen vào phong cách sách vở, phong cách viết.
ở đây, cần phân biệt sự gia công này với công việc của một số nhà sưu tầm hiện đại. Trong thực tế, các nhà sưu tầm vô hình trung đã can thiệp không ý thức dẫn đến sự thêm thắt một số đoạn trong quá trình thu thập kho tàng truyện cổ. Ví dụ, trường hợp biên soạn truyện Cây khế có đoạn: “Những ngày sung sướng nhất của hai vợ chồng người em là những ngày khế chín. Quanh năm hai vợ chồng đã chăm bón, bắt sâu đuổi kiến cho cây khế, nên cây khế xanh mơn mởn, bóng rợp khắp mảnh vườn nhỏ bé, quả lúc lỉu ở những cành là sát mặt đất, trẻ lên ba cũng với tay được” [74, Tr. 593- 595]. Những đoạn miêu tả kèm theo những từ láy mơn mởn, lúc lỉu thường không mấy khi được sử dụng trong lời văn tường thuật của cổ tích. Trong sách ghi chép của mình, nhà sưu tầm nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã hiện đại hóa tương đối nhiều. Tương tự trong đoạn miêu tả nhân vật: “Một hôm đứng đợi cho chim ăn xong, người vợ nói nửa bỡn, nửa thật với chim...”,
“...Chim bỗng nghển cổ, nheo mắt như cười đáp lại..”, “Chim tỏ vẻ vui mừng, gật gật cái đầu”, “Người vợ thấy chồng mình về mừng rỡ vô cùng, chạy ra vuốt lông chim, tỏ ý cảm ơn, ra hiệu cho chim bay lên cây khế giải khát” [74, Tr.595]. (Những từ gạch chân do chúng tôi nhấn mạnh P.T.T). Điều này không phù hợp với lý thuyết về cổ tích. Dĩ nhiên đây là việc làm không có chủ tâm sáng tạo như một số nhà sưu tầm cổ tích. Trong phong cách truyện cổ nói chung chỉ tiến hành tường thuật sự kiện, ít quan tâm tới lối mô tả chi tiết, mô tả chân dung nhân vật...
Ngoài việc trung thành với các yếu tố về nội dung nghe được hoặc ghi chép được, người sưu tầm cần phải tuân thủ với đặc trưng thể loại.
ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài có một số truyện được viết dựa trên truyện kể dân gian, giữ nguyên một phần nội dung cốt truyện đã có trong dân gian, chẳng hạn truyện “Trê và Cóc”, “Ông Trạng Chuối”. Theo Tô Hoài hai truyện này được viết vào năm 1940.
Truyện Ông Trạng Chuối được nhà văn viết dựa trên nội dung truyện cổ “Sơn Tinh Thủy Tinh” và “Chàng Chuối”. Còn truyện “Trê và cóc” vẫn dựa vào một truyện nôm cùng tên được lưu hành phổ biến rộng rãi trong dân gian.
Sau năm 1945, xu hướng nhà văn dựa vào cốt truyện cổ để chế tác, sáng tác lại phải kể đến hàng loạt nhà văn như Phạm Hổ (Cất nhà giữa hồ, Ngựa thần từ đâu tới…), Tô Hoài (Hổ và Trâu đi cày, Voi biết bay - tập truyện), Nguyễn Huy Tưởng (Con cóc là cậu ông trời, Tìm mẹ, An Dương Vương xây thành ốc, Truyện bánh chưng…)
Chúng tôi sẽ sẽ đi vào phân tích một vài truyện tiêu biểu để thấy được mối quan hệ cội nguồn và mối quan hệ loại hình của nhóm này, thấy dược dấu ấn và ưu điểm sáng tạo của nhà văn.
Như đã đề cập ở trên, ở mức độ từ đơn giản, thuần tuý nhất, nhà văn đã tham gia chế tác những truyện cổ đã được lưu hành trong dân gian mà nhà văn hoặc đã được đọc, được kể lại. Truyện “Cất nhà giữa hồ” có nguồn gốc từ truyện cổ Tây Nguyên, trong một lần đi công tác Tây Nguyên, nhà văn đã được nghe kể lại. Truyện kể về một em bé mồ côi nghèo khổ tên là Mây phải đi ở cho tên Chúa làng độc ác. Em phải làm hết mọi công việc nặng nhọc, bị đánh đập, mắng nhiếc. Em còn bị Chúa làng
bắt cất nhà giữa hồ trong ba ngày. Các loài cá sấu, rắn lớn, rắn nhỏ và hàng nghìn loài cá đã giúp Mây cất xong một ngôi nhà đẹp. Tên chúa làng vội vã đem cả gia đình hắn xuống ở và đã bị các loài thủy tộc nhấn chìm xuống hồ sâu cùng với ngôi nhà tai quái mà hắn bắt Mây xây cất.
Nhà văn đã trung thành với cốt truyện dân gian, sử dụng phong cách dân gian để viết lại. Tác giả chỉ thêm thắt một vài chi tiết nhỏ. Trong truyện “Cất nhà giữa hồ”, nhà văn Phạm Hổ đã chú ý mô tả rất kỹ xoáy nước. Xoáy nước ấy được lặp lại nhiều lần trong truyện, mỗi lần lại được miêu tả những mức độ khác nhau. Phần đầu truyện, chi tiết xoáy nước được miêu tả rất mạnh “Nếu đem con trâu xuống đó, các xoáy nước nhấn chìm ngay”[28, tr.6], khi Mây xây nhà “Các xoáy nước cũng nuốt chửng và lôi đi mất”[28, tr.6], khi tên chúa làng bị nhấn chìm giữa lòng hồ “Chỉ còn cái xoáy nước quái ác, xoay tít, rít lên như gió hú”[28, tr.6]. Chi tiết xoáy nước được nhà văn xây dựng mạnh mẽ, hung hãn như một cơn giận triền miên, sôi sục.
Màu nước xanh của hồ cũng mang một vai trò gợi tả khác hẳn. Những lúc quá khổ, bận việc quần quật, bị đánh đập, ... Mây liền ra ngồi ngắm nước hồ “nước hồ thay đổi đủ màu xanh, tím, bạc, đồng... Mây cứ nhìn vào đấy thì thấy vui và quên hết”[28, tr.3]; Khi tên chúa làng biết, cấm Mây không được ra đó nữa, đêm đêm, Mây lại lẻn ra ngồi bên bờ hồ “Nước hồ gợn sóng, thay mầu như muốn nói chuyện, như muốn an ủi Mây”[28, tr.4]. Trong kết thúc truyện, khi tên chúa làng và gia đình nó bị các xoáy nước nhấn chìm “màu nước hồ xanh biếc, sâu thăm thẳm”[28, tr.19]. Như vậy, thiên nhiên đã đóng vai trò phục vụ cốt truyện. Những xoáy nước sôi sục, quay tít, màu nước hồ bí ẩn đổi màu như diễn tả những cơn giận của thiên nhiên. Hành động độc ác của tên chúa làng, sự bất công khổ cực của bé Mây đã thấu động cả đất trời.
Phạm Hổ đã gia công vào miêu tả sự vật, hiện tượng. Tuy đưa phong cách hiện đại vào trong truyện kể nhưng nhà văn vẫn giữ những chi tiết truyền thống vốn có trong truyện cổ. Đàn thủy tộc vẫn được nhà văn giữ lại nhưng đan cài giữa những chi tiết cổ là phong văn hiện đại. Chú cá sấu vẫn đứng yên nhưng “những xoáy nước xoáy tít ở hai bên hông”[28, tr.11] . Sự thêm thắt những chi tiết nhỏ, xen vào những câu văn miêu tả - câu
chép được kể lại đã trở nên li kỳ, hấp dẫn, hàm chứa những ý tưởng sâu sắc hơn. Chính vì vậy “Cất nhà giữa hồ” không thể là một dị bản của truyện cổ dân gian. Nhà văn Phạm Hổ đã đóng vai trò của một người đồng sáng tạo.
ở một số tác phẩm, tác giả còn thêm những lời dẫn, lời tâm sự, lời thưa, những câu kết thúc truyện theo chủ ý của tác giả. Trong truyện cổ tích, vai trò của người kể chuyện rất quan trọng. Người nghệ nhân kể đã làm cho truyện dân gian sống lại trong môi trường biểu diễn. Họ vừa là người lưu truyền, vừa là người sáng tạo ra truyện cổ. ở Liên Xô, người ta đã dày công nghiên cứu vai người kể chuyện và nhận ra rằng: Người kể cổ tích phải thủ vai khác người kể truyền thuyết hay các thể loại khác. Cụ thể là, khi kể cổ tích, người kể chỉ tạo ra một trường cổ tích cho người nghe cảm thụ, người kể không hề có ý thức làm cho người nghe tin vào điều được kể. Ngược lại, người kể chuyện truyền thuyết lại cố gắng làm cho người nghe tin vào những điều mình kể. Khi viết lại truyện Thánh Gióng
dưới tiêu đề Ngựa thần từ đâu đến, Phạm Hổ đã đóng vai trò người kể chuyện truyền thuyết, đối tượng nghe là các cháu thiếu nhi. Mở đầu câu chuyện nhà văn viết:
“Các cháu thân yêu. Chắc tất cả chúng ta ai cũng đều biết chuyện ông Gióng thời xửa, thời xưa, đã cưỡi Ngựa Sắt đi dẹp giặc Ân.
Nhưng các cháu có biết Ngựa Sắt đã từ đâu đến và vì sao Ngựa Sắt lại có thể phun ra lửa để cùng ông Gióng giết hết giặc Ân không?” [30, Tr.11].
Từ chỗ say mê, thắc mắc chưa giải đáp được từ thuở nhỏ, nhà văn đã bổ sung những chi tiết li kỳ, hấp dẫn tác động trực tiếp vào thế giới tưởng tượng của trẻ thơ. Thế giới cổ tích đã ăn sâu vào trong kí ức tuổi thơ của tác giả, gây nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong suốt cuộc đời ông. Điều này lí giải một phần, vì sao nhà văn đã lựa chọn lĩnh vực viết cho thiết nhi và thành công ở lĩnh vực này. Nhà văn Phạm Hổ đã nắm được tâm lí và sở thích trẻ nhỏ, biết các em thích truyện nào, chi tiết nào tác động mạnh đến tư tưởng của các em.
Trong câu chuyện nhà văn đã viện dẫn ra một người đáng tin cậy. Người già là đối tượng có sức thuyết phục nhất. Phải viện dẫn một người
cao tuổi vì hai lẽ: một là, chuyện xảy ra vào thời xa xưa nghĩa là tác giả không được chứng kiến (lúc kể, người kể chuyện có thể già rồi). Câu chuyện mà tác giả đang kể là do một người già kể (nên đáng tin lắm). Trong truyện, tác giả tâm sự: “Chú may mắn được một ông cụ kể cho nghe về chuyện này: Chú xin kể lại để các cháu cùng nghe”[30, tr.11]
Tương tự, trong “Con cóc là cậu ông Giời” của Nguyễn Huy Tưởng, ngay trong phần mở đầu truyện nhà văn đã thêm một đoạn 17 dòng diễn giải về hình thức và đời sống của loài cóc. “Các em hãy trông con cóc kìa. Hình thù nó rất xấu. Da nó sần sùi. Người ta có cảm tưởng rằng nó rất bẩn. Có người vừa thấy nó là đã rú lên rồi. Cóc sống một cuộc đời tối tăm. Nó không muốn ló ra ngoài, hình như nó cũng cảm thấy rằng nó không được đẹp mắt cho lắm. Nhưng khoan! Đừng ghét bỏ nó mà tội nghiệp. Nhà nông ta không những không ghét nó mà còn thương nó, không những thích nó mà còn trọng nó - cóc bắt ruồi, bắt muỗi..”[81, tr.543].
Rõ ràng, trong Ngựa thần từ đâu đến, Phạm Hổ gần như đã lặp lại cái khuôn dân gian mới. Cốt truyện Thánh Gióng được giữ nguyên vẹn. Nhà văn chỉ gia công vào những chỗ mà cảm thấy hứng thú, thiết thực. Ví dụ, chi tiết ngựa phun ra lửa. Trong truyện, Phạm Hổ không sử dụng lại con ngựa sắt mà để nó xuất thân từ một con ngựa có thật “bộ lông màu hồng, lúc phi cứ sáng rực lên như ngọn lửa”. Ngựa con được bố Gióng luyện thành ngựa giỏi, nhưng nó vẫn là con ngựa thật. Vì vậy, nó đã bị mũi tên của giặc Ân bắn thương rồi chết. Ngựa hồng chết, nhờ phép thần kỳ của trời đất tái tạo, biến thành một chú ngựa nhỏ bằng đất nung. Phạm Hổ lại tiếp tục quay về với những chi tiết truyền thống đó là Ngựa Sắt. Sau lời phán truyền của ngựa nhỏ “Các cụ hãy đi xin thật nhiều sắt, đổ cao bằng đồi con ngay trước mặt kia kìa. Tôi xin ăn sắt đó và sẽ lớn lên”[30, tr.17]. Thế là “chỉ trong một ngày, già trẻ, lớn bé đã ùn ùn mang sắt đến và để cao như cái đồi ở ngay trước mặt”[30,tr.17]. Phạm Hổ miêu tả rất kĩ chi tiết ngọn lửa “trong đêm tối mênh mông, muôn nghìn, ức triệu ngọn lửa từ bốn phương tám hướng cứ tới tấp bay về. Lửa xanh, lửa đỏ, lửa nhỏ, lửa lớn, lửa ngắn, lửa dài, lửa đèn, lửa bếp, lửa soi cá, lửa đốt nương, lửa trẻ đốt chơi, lửa già sắc thuốc...”[30, tr.18]
Nhà văn đã tạo ra ngọn lửa lòng yêu nước, ngọn lửa căm thù giặc ngoại xâm đã dồn kết lại, đã hun đúc sức mạnh nóng bỏng quyết liệt, ngùn ngụt thiêu cháy quân thù. Trong truyện Thánh Gióng, chú Gióng vỗ vào lưng ngựa, ngựa phun ra lửa. Ngọn lửa trong Ngựa thần từ đâu đến được gom từ triệu triệu con người yêu nước, từ trẻ đến già, từ khắp mọi miền đất nước. Nguồn gốc của ngọn lửa, vì thế mà mang một ý nghĩa sâu sắc hơn, gắn với những thực tế đời sống hiện tại. Đó là tinh thần yêu nước, sức mạnh chiến tranh nhân dân, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta... Sự chế tác của nhà văn vẫn giữ được ý nghĩa xã hội của hình tượng truyền thống. ý nghĩa truyền thống đã được nghe, được tưởng tượng ở những gam sắc mới, hướng các em vào những nhận thức có ý nghĩa giáo dục gần gũi, thân thuộc.
Ngoài ra, trong kết thúc truyện, Phạm Hổ còn thêm chi tiết ngựa bay lên đỉnh núi Sóc Sơn, ngựa sắt quay lại nhìn xuống xóm làng bên dưới và nói với Thánh Gióng: “Ngựa sắt này xin gửi trả lại và trả gấp đôi những ngọn lửa mà bà con đã gửi cho ngựa sắt mang đi cùng thời gian dẹp giặc” [30, tr.20].
Từ một chi tiết hư cấu trong truyện, trước mắt các em nhỏ là sự thích thú, khoái chí vì sự hấp dẫn diệu kì, sự tự hào chung về nguồn gốc sức mạnh của ngựa thần, của công cuộc chống giặc Ân... Cùng với thời gian, nhà văn hi vọng những nhận thức cảm tính sẽ định hình cho các em những cảm xúc lí tính. Đây không chỉ là bức thông điệp nhà văn gửi cho riêng các em nhỏ mà còn là cả một sự hàm ý sâu xa đối với tất cả chúng ta. Ngọn lửa mà ngựa sắt trả lại cho bà con đã chung sức đóng góp là “những ngọn lửa thật ấm, thật đẹp, thật hồng, thật sáng”, “... sáng bừng lên gấp đôi và cứ sáng bừng lên như thế cho đến bây giờ, cho đến mãi mãi sau này, càng ngày càng sáng...”. Từ những chi tiết sáng tạo thêm, nhà văn Phạm Hổ đã làm nẩy nổi một ý nghĩa sâu xa từ truyện cổ, đưa vào chuyện một ý nghĩ hiện đại ở chiều sâu triết lý nhân sinh nhưng vẫn không rơi vào lối hiện đại hóa.
Trong truyện cổ “ Trí khôn của ta đây”, vì muốn có được trí khôn của con người, Hổ đã mắc lừa người nông dân, bị đốt cháy vằn vện cả thân