Cơ sở và hình thức hư cấu nghệ thuật

Một phần của tài liệu Vai trò của văn học dân gian trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại dấu ấn của truyện cổ dân gian trong một số tác giả, tác phẩm tự sự Việt Nam sau 1945 (Trang 86)

2. Truyện cổ dân gian và xu hướng tiểu thuyết hóa

2.1. Cơ sở và hình thức hư cấu nghệ thuật

Như chúng ta đã biết, truyện cổ dân gian là một bộ phận thuộc loại hình tự sự dân gian được nhiều người ưa thích vì vẻ đẹp phong phú, hấp dẫn. Những giá trị thẩm mĩ lâu bền mang tính chất toàn nhân loại trong kho tàng truyện cổ lung linh sắc màu ấy đã mở ra những chân trời hư cấu nghệ thuật vô tận của nhà văn. Truyện cổ dân gian tồn tại trong cộng đồng, được sưu tập ghi chép lại, dẫn đến được thêm thắt chế biến thêm, được mô phỏng lại. Qua thời gian, phạm vi giới hạn sáng tạo của nhà văn lại tiếp tục được nới rộng tạo ra những hình thức nghệ thuật mới, trong đó cái cốt lõi tinh thần tư tưởng vẫn là từ dân gian. Một trong những hình thức xử lí nghệ thuật của nhà văn là phát triển các truyện cổ thành tiểu thuyết. Nếu như ở hai mục trên, chúng ta đi vào xem xét việc nhà văn sử dụng chất liệu truyện cổ chế tác thêm, tức kể lại, cố định hóa chúng thành những tác phẩm thành văn một cách uyển chuyển, sáng tạo, hoặc sử dụng thi pháp truyện cổ, phong cách truyện cổ để viết cổ tích thì hình thức của hai công đoạn ấy chỉ dừng lại ở mức độ tạo ra mô hình, kết cấu tương đương với hình thức và bản chất của thể loại ban đầu.

Trở lại xu hướng tiểu thuyết hóa truyện cổ, chúng ta thấy ở đây nhà văn tiếp tục lấy chất liệu từ nguồn truyện cổ dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn...). Sự can thiệp của nhà văn vào nhiều địa hạt mang tính chất khái quát cao trong truyện cổ để cụ thể nó, khơi sâu và phát triển nó một cách tỉ mỉ, chi tiết, diễn giải một cách có cơ sở, có lôgíc, có tính kế tục để phát triển toàn diện truyện cổ từ các góc độ khác

nhau. Sự can thiệp chủ quan, mạnh mẽ này của các nhà văn hiện đại xuất phát từ những mục đích sáng tạo nghệ thuật cụ thể. Kết quả của quá trình sáng tạo này đã cho ra đời những tác phẩm văn học mới, mang đặc trưng thẩm mĩ của một thể loại văn học mới - đó là tiểu thuyết. Sử dụng truyền thống cái gì, vứt khỏi truyền thống cái gì đều nằm trong ý thức xử lí nghệ thuật của nhà văn. Cụ thể, chúng tôi sẽ đưa ra khảo sát ba tác phẩm - ba tiểu thuyết tiêu biểu cho xu hướng này của nhà văn Tô Hoài là Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần.

Nguồn gốc của ba tiểu thuyết này từ các truyện cổ quen thuộc lưu truyền trong dân gian. Tiểu thuyết Đảo hoang được xây dựng trên cốt truyện Sự tích quả dưa hấu; Chuyện nỏ thần lại được kết hợp từ nhiều truyền thuyết Lý Ông Trọng, Mỵ Châu – Trọng Thủy, Hai Bà Trưng; tiểu thuyết Nhà Chử dựa trên cốt truyện Đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên.

Truyện cổ dân gian nói riêng, văn học dân gian nói chung là hình thức nghệ thuật truyền khẩu, được ra đời từ khi chưa có chữ viết. Chính phương thức tồn tại đã quy định những đặc trưng về thi pháp thể loại văn học này (nhân vật, ngôn ngữ, kết cấu, dung lượng...). Một loại hình nghệ thuật mang tính ổn định cao, ít thay đổi, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền thụ, dễ lưu giữ trong dòng chảy của thời gian, trong sự xê dịch của không gian. Nhà văn khi xây dựng các tiểu thuyết trên đã sử dụng lại cốt truyện dân gian, sử dụng những vấn đề nội dung được nêu trong tác phẩm, sử dụng lại các nhân vật xưa của truyện cổ. Tiếp tục đi theo mạch cảm hứng thuận chiều của dân gian nhưng hình thức hư cấu, giá trị nghệ thuật đã thay đổi, kéo theo sự thay đổi toàn diện của các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm (nhân vật, ngôn ngữ, kết cấu, dung lượng, thời gian, không gian nghệ thuật...).

Quá trình hư cấu trên hoàn toàn có cơ sở, chấp nhận được như một sự sáng tạo lôgíc, thậm chí còn có sức thuyết phục cao. Nó vừa có cái âm điệu gần gũi quen thuộc như lời kể của bà của mẹ; vừa có cái gần gũi của cuộc sống hiện tại; vừa có dáng dấp truyền thống vừa mang nét hiện đại. Hiện đại tiếp nối truyền thống một cách uyển chuyển, sâu sắc hơn. Nhà văn Tô Hoài sử dụng hình thức nghệ thuật ấy để xây dựng tác phẩm.

Chúng ta có thể đưa ra một số đặc trưng thẩm mĩ tiêu biểu của thể loại tiểu thuyết để đối chiếu, so sánh sự chuyển động của những truyện cổ dân gian với tư cách là một tâm điểm sang một khu vực văn học mới.

Khác với đặc trưng của thi pháp của văn học dân gian, đặc biệt là loại hình tự sự dân gian, trong đó chủ yếu là cổ tích. Tiểu thuyết là một thể loại tiêu biểu của văn học hiện đại. Đây là một loại hình nghệ thuật mềm dẻo, uyển chuyển và dường như không bị đóng khung trong những qui phạm chật hẹp như một số thể loại khác. Tiểu thuyết là một thể loại hiện thân của sự uyển chuyển “đó là một thể loại luôn luôn đi tìm, luôn luôn nghiên cứu bản thân và luôn soát lại tất cả những hình thức đã thành hình của mình. Một thể loại như vậy chỉ có thể là thể loại được xây dựng trong khu vực tiếp xúc trực tiếp với hiện thực đang tiến triển [15, tr.87-88]. Chính vì vậy mà tiểu thuyết là thể loại văn học gần gũi nhất với cuộc sống. Trong thể loại này, cuộc sống sẽ được phản ánh một cách toàn vẹn, với tất cả tính chất sinh động, phức tạp, nhiều màu nhiều vẻ của nó được bộc lộ một cách sâu sắc và rõ rệt nhất. Nhà văn Tô Hoài, khi phát triển những truyện cổ thành tiểu thuyết đã dựa vào tính chất và đặc trưng thẩm mĩ của loại hình nghệ thuật hiện đại này để mở rộng đường hướng sáng tạo. Vì “Cái khuynh hướng của tiểu thuyết bây giờ là hết sức gần sự sống để linh hoạt và thật như cuộc đời”[15, tr.91]. “Nhiều nhà phê bình thường ví những tiểu thuyết lớn như những cuốn bách khoa của đời sống. Theo tôi thì nói tiểu thuyết đều phần nào có mang tính cách “bách khoa” ấy, vì đời sống tự nó là “bách khoa”[15, tr.91-92]. Trong tiểu thuyết chứa đựng mọi thứ hiện hữu từ cuộc đời: những vấn đề triết học, văn học, chính trị, quân sự, kinh tế, đạo đức mà nhân loại hằng quan tâm, sự hình thành tính cách của con người, những nét tinh tế, phức tạp của tâm hồn, tấn bị kịch của cá nhân con người, bức tranh có qui mô sử thi của một xã hội rộng lớn, hình ảnh đầy màu sắc rực rỡ của thiên nhiên, đất nước...

Xét về mặt dung lượng, tiểu thuyết là một hình thức sử thi lớn, hình thức kể chuyện cỡ lớn. Với dung lượng lớn của nó, cho phép nhà văn có thể triển khai các sự kiện, mô tả nhiều nhân vật trung tâm trong một quá trình phát triển dài, trong mối quan hệ phức tạp, nhiều chiều... Trong tiểu

thuyết, nhà văn có thể triển khai nhiều sự kiện, nhiều nhân vật, các sự kiện, các biến cố, các tính cách, thông qua đó vẽ nên những bức tranh xã hội rộng lớn.

Xét về nhân vật, tiểu thuyết hướng tới xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Trong đó nhân vật của tiểu thuyết được xây dựng trên cơ sở một quá trình thai nghén của nhà văn. Nhân vật đóng vai trò dắt dẫn cốt truyện. Khác với các truyện kể dân gian, thường chú ý đến cốt truyện nhiều hơn nhân vật và trong nhân vật thì hành động được miêu tả nhiều hơn tâm lí. Trong văn học cổ đại, văn học dân gian chưa có con người cá thể hóa như hiện nay. Hành động của các nhân vật bị quy định bởi những lực lượng thần thánh, bởi khuôn lí lễ giáo phong kiến. Các nhân vật nhìn chung chưa có số phận riêng của mình. Mọi hành động của nhân vật là đều thực hiện nghĩa vụ đối với tập thể. Điều này đối lập lại với tiểu thuyết, cốt truyện nhà văn có thể vay mượn, không nhất thiết phải qua kinh nghiệm của tác giả nhưng nhân vật trong tác phẩm thì phải là đứa con tinh thần của nhà văn. Nguyễn Du có thể vay mượn và cải biến cốt truyện có sẵn của Thanh Tâm tài nhân nhưng nếu nhà thơ không chứng kiến cuộc đời ba chìm bảy nổi của những con hát trong Long thành cầm giả ca, Thái bình mại ca giả, không thương xót những kiếp người đau khổ, oan trái trong chế độ cũ thì không thể có một nàng Kiều lưu lạc, luân phiên làm rung động lòng người đến thế. Cũng như Tô Hoài có thể vay mượn và cải biên cốt truyện Sự tích quả dưa hấu, Mỵ Châu – Trọng Thủy, Đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên… nhưng nếu như tác giả không có những vốn liếng từ cuộc sống, vốn văn hóa sâu rộng và những chuyến đi thực tế thì làm sao có thể có một Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần phong phú và sinh động như thế, làm sao có thể tái tạo được bức tranh của một thời kì đấu tranh xây dựng hào hùng như thế.

Hiểu được hoàn cảnh, số phận của nhân vật còn phải nắm bắt được những qui luật biện chứng của tư tưởng, tình cảm, tâm lí nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết là nhân vật có đời sống nội tâm phong phú, sâu sắc, phức tạp. Nó hoàn toàn không phân tuyến rạch ròi, hoặc tốt hoặc xấu như trong cổ tích, mà nhiều khi bị lẫn tuyến, đổi tuyến... “Cách miêu tả từ bên trong tâm hồn nhân vật đã giúp cho tiểu thuyết hiện đại ngày càng đi sâu vào cuộc sống tinh thần của con người, vào thế giới phức tạp, tinh vi

nhưng có ý nghĩa nhất và có tầm quan trọng quyết định đối với những nhân cách của người ta”[15, tr.242].

Về kết cấucốt truyện trong tiểu thuyết cũng vượt ra khỏi tính qui phạm, giản đơn mang tính lặp lại của truyện cổ. Kết cấu của tiểu thuyết cũng bao hàm nhiều yếu tố, nhiều thành phần được sắp xếp tổ chức theo một hệ thống, một trật tự nhất định tạo nên mối liên hệ giữa các yếu tố thuộc nội dung và hình thức tác phẩm. Sự sắp xếp tổ chức đó cũng đòi hỏi phải chặt chẽ, cân xứng nhưng nó vẫn tạo nên một cái gì đó bề bộn, phức tạp như chính cuộc sống thực phả vào. Một trong những đặc trưng của những bộ tiểu thuyết hiện đại là tính chất nhiều tuyến, nhiều bình diện, sự luân phiên giữa các cảnh khác nhau, sự đan chéo giữa những tuyến cá nhân và những tuyến lịch sử. Trong tiểu thuyết hiện đại có nhiều nhân vật hơn, số phận của họ đan chéo vào nhau, nhà văn thường đưa người đọc đi từ địa điểm này đến địa điểm khác, từ thời này sang thời khác, “cách kết cấu khiến ta nhớ đến những cảnh nối tiếp nhau trên màn ảnh, những đoạn cận cảnh luân phiên với những cảnh quần chúng”[15, tr.271] đông đúc, rầm rộ.

Cốt truyện của tiểu thuyết cũng chỉ là một hệ thống cụ thể những sự kiện và hành động trong tác phẩm nhưng hệ thống đó bộc lộ các tính cách trong những mối quan hệ và tác động qua lại của chúng, dưới sự chỉ đạo của một tư tưởng chủ đề nhất định. Và, “chỉ khi nào nhà văn tìm được ý nghĩa của sự việc đối với vận mệnh những con người, và nhìn được rõ sự chuyển biến của những con người tham gia vào việc ấy thì bấy giờ mới thực sự có cốt truyện để viết thành tiểu thuyết”[15, tr.281].

Một yếu tố nữa cũng cần được đề cập đến, đó là ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết có ba hình thức chủ yếu: Ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ cá thể hóa của các loại nhân vật khác nhau, ngôn ngữ không hoàn toàn trực tiếp, chuyển lời của tác giả vào nhân vật một cách kín đáo (những đoạn độc thoại nội tâm khám phá ra “biện chứng pháp tâm hồn” của nhân vật, đặc biệt là những đoạn độc thoại song thanh hoặc đối thoại bên trong như các nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu, Đôtxtôiepxki,...). Ngôn ngữ trong tiểu thuyết giàu tính hình tượng, giàu

chất tạo hình, đập ngay vào giác quan người đọc. Nhà văn sử dụng nó để miêu tả sự kiện và tính cách, xây dựng những hình tượng ngôn ngữ của nhân vật. Một nhân vật có một giọng nói riêng, thích dùng một số từ ngữ riêng tạo nên một sự phong phú đa dạng trong đối tượng phản ánh.

Xây dựng tiểu thuyết tức là bắt tay vào một quá trình hư cấu và sáng tạo nghệ thuật trên cơ sở những tiêu chí về mặt thể loại. Đó là một quá trình phức tạp, phụ thuộc vào thế giới quan, vốn sống, trình độ hiểu biết lịch lãm, phong cách và tính cách của nhà văn, đồng thời lại còn bị chi phối bởi tư tưởng chủ đề, kết cấu và cốt truyện của cuốn tiểu thuyết. Tiểu thuyết cho phép người nghệ sĩ có thể phát huy cao độ quyền hư cấu và sáng tạo nghệ thuật. Nhưng sự tưởng tượng của nhà văn chỉ có thể bay vút lên khi nó được đặt trên một bệ phóng vững chắc của cuộc sống”[15, tr.252].

Nhà văn Tô Hoài khi xây dựng ba cuốn tiểu thuyết trên đã chú ý khai thác những thế mạnh của tiểu thuyết để mở rộng mọi chiều kích tác phẩm. Cốt truyện được nhà văn lấy từ truyện cổ, nhân vật cũng là nhân vật của truyện cổ, mạch cảm hứng cũng đi từ truyện cổ... Nhưng nội dung tác phẩm đã ở một tầm vóc mới. Mặt khác, ngôn ngữ bút pháp hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng hiện đại. Tuy nhiên, chúng tôi gọi xu hướng sáng tạo của Tô Hoài là xu hướng tiểu thuyết hóa truyện cổ - tức là trên cơ sở những nội dung của truyện cổ nhà văn tiến tới phát triển nó thành những tác phẩm có hình thức tiểu thuyết. Hay nói cách khác, những tác phẩm ấy đã vượt qua ranh giới của thể loại truyền thống để tiến tới định vị mình ở một hình thức nghệ thuật mới, nó chưa hoàn toàn là một tiểu thuyết theo nghĩa chuẩn mực nhất. Tuy nhiên sự thay đổi lớn về dung lượng, về cách xây dựng nhân vật, về kết cấu, cốt truyện, về yếu tố nghệ thuật, về bút pháp… đã làm cho các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài gần gũi hơn, thật hơn với cuộc sống hiện tại, nội dung tác phẩm chứa đựng được nhiều vấn đề tồn tại từ trong cuộc đời. Tuy chưa đạt đến trình độ điển hình nhưng các nhân vật trong truyện của Tô Hoài đã tồn tại một cách sinh động, đúng bản chất con người hơn, giải quyết những vấn đề lớn lao của thời đại được đặt ra trong tác phẩm. Đó là sức mạnh của con người, ý chí và nghị lực kiên cường của con người, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm

của dân tộc Việt Nam trong lịch sử; cuộc sống phồn thịnh mang tính chất cộng đồng cao trong buổi đầu mở mang xứ sở...

Để đạt được kết quả như trên, nhà văn Tô Hoài đã sử dụng nhiều thao tác, nhiều thủ pháp nghệ thuật. Ngoài tài năng và niềm đam mê sáng tạo, nói như giáo sư Phan Cự Đệ: “Sự tưởng tượng của nhà văn chỉ có thể bay vút lên khi nó được đặt trên một bệ phóng vững chắc của cuộc sống” (sđd). Với Tô Hoài, vốn sống, vốn văn hóa, sự lịch lãm là một thế mạnh giúp ông thành công.

Một phần của tài liệu Vai trò của văn học dân gian trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại dấu ấn của truyện cổ dân gian trong một số tác giả, tác phẩm tự sự Việt Nam sau 1945 (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)