2. Từ chất liệu truyện cổ đến một số hình thức sáng tạo nghệ thuật trong truyện ngắn hiện đại của một số nhà văn
2.2 Sử dụng một số yếu tố thi pháp đặc trưng của truyện cổ
Khác với Phạm Hổ, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Tú Nam... khi viết chuyện cổ tích cho thiếu nhi, tái tạo một thể loại văn học đặc sắc, các nhà văn đã sử dụng đồng bộ các yếu tố thi pháp của thể loại truyền thống. ở xu hướng này, các nhà văn chỉ sử dụng một số thi pháp truyện cổ có tính chất xen cài trong một hệ thống bút pháp, phong cách hoàn toàn hiện đại. Đưa vào một vài yếu tố thi pháp như thế là chủ ý của nhà văn, nó không
hoàn toàn đơn thuần là sự kế tục những giá trị nghệ thuật có tính chất truyền thống mà chủ yếu để tạo không khí huyền thoại, tạo cơ sở để đối lập, so sánh hiện tại, thể hiện những ước vọng sâu xa của con người, những thực tế đang diễn ra mang bản chất đích thực của con người, của cuộc sống.
Có thể đưa ra trường hợp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với 10 truyện ngắn liên hoàn Những ngọn gió Hua Tát. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là những truyện ngắn rất hiện đại, hiện đại trong nội dung tư tưởng, trong khai thác những vấn đề từ cuộc sống, trong chất giọng... Để nói được những nhận thức, quan điểm, những trăn trở, bức xúc thực tiễn trong từng truyện cụ thể, nhà văn đã biết đan cài một vài yếu tố thi pháp có tính chất đơn lẻ, có tính chất đột phá,... Chẳng hạn, hoặc không gian, thời gian nghệ thuật, cách tổ chức kết cấu, lặp lại một vài môtíp, xen yếu tố kỳ diệu...
Mục đích của nhà văn là tạo một không khí có vẻ như huyền thoại, xa xưa. Những câu chuyện xẩy ra trong bản nhỏ nhà văn cũng chỉ nghe thấy, nghe đồn đại, nhà văn không chịu trách nhiệm về tính sự thật lịch sử của vấn đề. Những câu chuyện buồn trong bản nhỏ không gợi cho chúng ta nhiều điều, nó đã tồn tại trong đời sống của người dân Hua Tát, đã được người dân Hua Tát biết đến, đã được người dân phán truyền. Nguyễn Huy Thiệp muốn đưa các nguồn gốc câu chuyện của mình về trong một mẫu số chung là dân gian của dân gian. Đó là một dụng ý sâu sắc của nhà văn.
Ngay trong lời giới thiệu về chùm truyện nhỏ, tác giả đã tạo ra một khung cảnh nhạt nhòa, hư ảo, đầy vẻ thần bí về bản Hua Tát. “ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhạt đại thể mà thôi. Đó là thứ không khí huyền thoại”[83, tr.314]. Trong không khí lung bung huyền thoại ấy đã có bao điều kì lạ bí ẩn diễn ra mà chưa tìm được lời giải đáp. “ở Hua Tát, những chuyện cổ như những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh rào trong các ngõ nhỏ”[83, tr.314]. Những câu chuyện, những lời đồn đại ở đây cũng thật vô hình, hư thực lẫn lộn. Tất
cả đã ăn sâu trong tâm thức của người dân Hua Tát – xứ sở theo tác giả, vẫn còn chứa chất nhiều đau khổ, phi lí.
Các câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu tập trung khơi sâu và những điều bí ẩn, kì lạ, đó là: sự chết chóc, sự trả thù, sự bạc bẽo, trớ trêu... Nhưng nhà văn hi vọng từ trong thế giới lùng bùng ấy, một thế giới không rõ thực hư, không lời lí giải người nghe sẽ hiểu rõ những nỗi đau khổ của con người, từ đó mà “ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tình người”[83, tr.315]. Theo Nguyễn Huy Thiệp “Những người sống trong truyện cổ bây giờ đều không còn nữa. ở Hua Tát, họ đã biến thành đất bụi và tro than cả. Tuy vậy, linh hồn của họ vẫn bay thấp thoáng trên các khau cút nhà sàn như những ngọn gió” [83,tr.315]. Những người trong truyện cổ đã chết nhưng linh hồn họ vẫn sống như nỗi đau khổ của con người vẫn tồn tại, lẩn khuất đâu đó trong bản nhỏ.
Nhà văn đưa các câu chuyện của mình đặt trong không gian, thời gian huyền thoại, hư ảo như giăng mắc một chút sương mù lên những trang viết chứa đầy tâm trạng của mình. Chính vì vậy mà những câu chuyện của ông rất hiện đại mà vẫn mang dáng dấp của những truyện cổ miền núi. Hình thức sáng tác này được các nhà nghiên cứu gọi là giả cổ tích.
Ngoài ra còn phải kể đến sáng tác của một số nhà văn khác như Lưu Sơn Minh (Miêu cẩm, Bến trần gian), Ngô Tự Lập (Xác chết trả thù, Mùa đại bàng), Võ Thị Hảo (Đêm bướm ma), Nguyễn Đông Thức (Trái tim con rắn), Nguyễn Quang Thiều (Con chuột lông vàng), Ngô Văn Phú (Bướm trắng, Cặp bồ với ma)... ở các tác phẩm này, bên cạnh một thế giới hiện tại đang diễn ra cụ thể, rõ ràng, hiển hiện trước mắt chúng ta, các nhà văn còn đề cập đến một thế giới khác vô hình mà không phải dễ gì nhìn thấy, không dễ gì lí giải được nhưng nó là một phần của cuộc sống, của con người, không thể phủ nhận.
Rải rác trong các tác phẩm trên, các nhà văn có sử dụng một vài yếu tố thi pháp dân gian tạo nên không khí huyền thoại cho những vấn đề được đề cập trong tác phẩm nhưng thực chất là cũng để phản ánh những khía cạnh đa dạng, nhiều chiều của cuộc sống đương đại. Tuy nhiên mức độ sử dụng ở các tác giả này thưa hơn, thuần tuý hơn so với Nguyễn Huy Thiệp.
2.2.1 Thời gian, không gian nghệ thuật
Không gian, thời gian trong một số câu chuyện của các nhà văn này đều có địa danh, thời khắc nhưng cũng chỉ là thứ không gian thời gian phiếm định kiểu cổ tích dân gian. Trường hợp này chủ yếu rơi vào các sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Một số câu chuyện của ông được mở đầu bằng những trạng từ chỉ thời gian không xác định, “ngày ấy”, “năm ấy”. Thời gian là thời gian quá khứ, quá khứ không xác định. Chúng ta có thể khảo sát hàng loạt truyện ngắn của nhà văn để thấy sự lặp lại lối dẫn viện thời gian của truyện cổ tích:
- “Ngày ấy, ở Hua Tát có một cô gái là Pùa. Sắc đẹp của nàng khắp các mường không ai bì kịp...”[83, tr.315] (Truyện thứ nhất: Trái tim hổ).
- “Ngày ấy, ở Hua Tát có một gia đình ngụ cư không biết ở mường nào chuyển đến...”[83, tr.319] (Truyện thứ hai: Con thú lớn nhất).
ở một số chuyện khác, trong quá trình kể, nhà văn cũng đan xen vào những trạng ngữ như “lần ấy”, “năm ấy”, “thuở ấy”, “hôm ấy”... đẩy các sự việc về quá khứ, quá khứ không xác định.
- “Năm ấy, Hua Tát sống trong mùa đông khủng khiếp. Trời trở chứng, cây cối khô héo vì sương muối, nước đóng thành băng [83, tr.316] (Truyện thứ nhất: Trái tim hổ).
- Mùa đông ấy, trong rừng Hua Tát xuất hiện con hổ dữ...”[83, tr.316] (Truyện thứ nhất: Trái tim hổ).
- “Cuối năm ấy, ở Hua Tát động rừng, cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt” [83, tr.321] (Truyện thứ hai: Con thú lớn nhất).
- “Lần ấy, lão già đi vắng cả tuần liền”[83, tr.321] (Truyện thứ hai:
Con thú lớn nhất).
- “Nơi ấy, không hiểu sao rừng Hua Tát củ mài nhiều vô kể” [83, tr.325] (Truyện thứ ba: Nàng Bua).
- “Cuối năm ấy, Bua lấy một người thợ săn hiền lành, goá vợ và không con cái” [83, tr.326] (Truyện thứ ba: Nàng Bua).
- “Năm ấy, bỗng nhiên trong rừng Hua Tát xuất hiện một loại sâu đen kì lạ” [83, tr.342] (Truyện thứ bảy:Chiếc tù và bị bỏ quên).
Rải rác ở trong một số tác phẩm của nhà văn khác cũng sử dụng yếu tố thời gian, không gian kiểu cổ tích như trên, chẳng hạn truyện "Miêu Cẩm" của tác giả Lưu Sơn Minh. Câu mở đầu truyện Miêu Cẩm cũng là:
- “Xưa, có nhà giàu họ Trương thường đi lại buôn bán khắp bốn phương...” [59, tr.101] (Truyện: Miêu Cẩm).
Đẩy thời gian về quá khứ, quá khứ không xác định còn được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sử dụng khi kết thúc một câu chuyện mà theo tác giả chỉ còn là kí ức: “không ai nhắc lại huyền thoại về sự mầu nhiệm của trái tim hổ. Người ta đã quên nó đi như quên bao điều cay đắng xảy ra trên thế gian này... Còn nhớ chuyện ấy, bây giờ có lẽ chỉ rất ít người” [83, tr.319]
Mặc dầu trong các chuyện của các nhà văn đều đưa ra các địa danh cụ thể như bản Hua Tát, Mường Cúm, Mường La, Mai Sơn, Châu Long , Châu Yên... nhưng một khi yếu tố thời gian không xác định thì yếu tố không gian cũng chỉ là một thứ ảo ảnh, một thứ ước lệ của những thời khắc chập chờn, hư ảo không xác định ấy mà thôi. Chính tính chất phiếm định ấy đã giúp cho nội dung câu chuyện của nhà văn càng lởn vởn thực hư, quanh quẩn với đời thường mà như xa vời trong quá khứ.
2.2.2 Cách tổ chức kết cấu các sự kiện
Trong một số truyện, các nhà văn lại dùng lối kết cấu đơn giản, bao gồm một hệ thống sự kiện. Các sự kiện được kể theo một tuyến thẳng. Nhân vật cũng đi từ điểm xuất phát đến kết thúc tác phẩm một cách tuần tự. Sự kiện cũng được sắp xếp theo một trật tự có vẻ như định sẵn, được diễn ra từ nơi này đến nơi khác, từ thời điểm này đến thời điểm khác theo hướng tịnh tiến (theo tuyến thẳng).
Hà Thị E, con gái trưởng bản là một người con gái xinh đẹp “lưng như lưng kiến vàng, mắt long lanh như sao Khun Lú - Nàng ủa, tiếng nói của nàng dịu dàng. Khi nàng cười, tiếng cười trong vắt và vô tư lự... đức hạnh của nàng cũng ít người bì kịp...“[83, tr.327]. Tất cả mọi người đều muốn chọn cho E một người chồng xứng đáng. Rất nhiều chàng trai trong thôn, ngoài bản muốn lấy được E làm vợ. Các bô lão trong bản bàn bạc và quyết định tổ chức một cuộc thi tài để chọn ra một người có đức tính quí nhất và khó kiếm nhất làm chồng của E.
“Một bữa kia có một chàng trai dáng vẻ hùng dũng đến nói với trưởng bản và các bô lão:
- Dũng cảm là đức tính quý nhất và khó kiếm nhất. Tôi là người có đức tính ấy”[83, tr.328].
“Một lần khác, có chàng trai thông minh, sáng sủa đến nói với trưởng bản và các bô lão:
- Khôn ngoan là đức tính đáng quí và khó kiếm. Tôi là người có đức tính ấy”[83, tr.329].
“Một lần khác nữa, có một chàng trai béo phì cưỡi ngựa đến bản. Chàng béo nói:
- Giàu có là đức tính đáng quí và khó kiếm. Tôi là người giàu có” [83, tr.330].
Các chàng trai lần lượt đến trổ tài: Chàng thứ nhất, chàng thứ hai, chàng thứ ba nhưng đều không được E chấp nhận. Cuối cùng có một chàng trai trong bản Hua Tát tìm đến trưởng bản và các bô lão. Đấy là Hặc, chàng trai mồ côi, người thợ săn xuất sắc nhất bản khẳng định:
“- Trung thực là đức tính đáng quí và khó kiếm nhất” [83, tr.331]. So sánh với một số truyện cổ tích khác (Ba chàng thiện nghệ,…)
chúng ta sẽ thấy môtíp thi kén rể này đã được lặp lại. Để mô tả, nhà văn đã sử dụng cấu trúc ba tầng (theo số lượng những người cầu hôn), hơn nữa các đoạn nói về sự thử thách đối với người cầu hôn nhiều chỗ lặp lại nhau gần như hoàn toàn và trở thành những công thức cổ tích trong truyện này. Còn người giúp đỡ thần kì quyết định số phận thử thách ở đây chính là Then - Vị thần tối cao. Then đã cho trời mưa xuống theo lời khẩn cầu của kẻ bị thử thách. Kết thúc tác phẩm là lòng thành của Hặc đã được đáp lại, đức tính trung thực của Hặc đã được chứng minh, tình yêu của Hặc được E chấp nhận. Kết cục, chàng Hặc mồ côi đã lấy được cô vợ xinh đẹp và hạnh phúc. Đó là lối kết thúc có hậu phổ biến trong truyện cổ tích.
Tương tự trong truyện Nàng Sinh, chúng ta lại bắt gặp môtíp cô gái nghèo khổ thô kệch và người dị dạng biến thành người xinh đẹp. Câu chuyện kể về một thiếu nữ mồ côi ở bản Hua Tát (kiểu người nghèo khổ bất hạnh dưới đáy xã hội) “nàng gầy gò, bé nhỏ, trông rất đáng thương.
Nàng không bao giờ được ăn miếng ngon, mặc váy áo đẹp. Thân phận côn hươn(1), nàng sống thui thủi như con chim cút” [83, tr.353]. Nhưng chính nàng là người duy nhất ở bản nhấc được hòn đá thần trong khi “mọi người xúm xít quanh miếu nhỏ... từng người lần lượt vào miếu để nhấc hòn đá trên tay, nhưng đều bất lực”.
Trong ba truyện “Tiệc xòe vui nhất”, “Chiếc tù và bị bỏ quên”, “Nàng Sinh”, tác giả đã sử dụng lối kết thúc có hậu trong truyện cổ tích. Trong
Tấm Cám, nàng Tấm hiền lành tốt bụng cuối cùng trở thành Hoàng Hậu, Chàng Thạch Sanh (Thạch Sanh) cuối cùng lấy được Công chúa... Các nhân vật nghèo khổ, bất hạnh cuối cùng đều may mắn, đổi đời và hạnh phúc. Trong Tiệc xòe vui nhất, chàng Hặc mồ côi cuối cùng lấy được nàng E xinh đẹp nhất mường; Nàng Sinh (Nàng Sinh) cuối cùng cũng trở nên xinh đẹp, sung sướng và lấy được Hoàng đế...
Như vậy, trong tổng số mười truyện Những ngọn gió Hua Tát có ba trên bảy truyện kết thúc có hậu. Những truyện kết thúc theo lối có hậu thường được tác giả sử dụng ở những truyện cổ lặp lại những môtíp cổ tích (môtíp thi kén rể, môtíp khắc phục tai họa, môtíp người đội lốt xấu xí, trong đó có dạng cô gái nghèo thô kệch và dị dạng biến thành người xinh đẹp), có kết cấu tác phẩm theo tuyến thẳng, các sự kiện cũng được sắp xếp theo một trình tự nhất định. Tuy nhiên theo T.N Philimonova thì “nếu xuất phát từ lí thuyết của Prốp thì trong các truyền thuyết cổ tích này, về mặt kết cấu sau tình huống tai họa, thiếu hụt ban đầu không qua lớp cấu trúc đầu tiên - một thử thách sơ bộ - mà lập tức bắt đầu ngay thử thách chính trong đó người giúp đỡ thần kì hoặc một vật kì diệu (tù và, hòn đá thần) giúp cho các nhân vật” [72, tr.71]. Ông cũng cho rằng việc tạo kết cấu gần với truyện cổ tích thần kì kể cả về phong cách là Nguyễn Huy Thiệp muốn cho chúng ta hiểu rằng “kết thúc có hậu chỉ có thể có trong truyện cổ tích. Còn cuộc đời thực không bao giờ có chỗ cho nó” [72, tr.71]. Thực ra, vấn đề chưa hẳn như vậy. Việc sử dụng các yếu tố dân gian trong văn Nguyễn Huy Thiệp là có dụng ý nhiều chiều, đó là điều không thể phủ nhận. Yếu tố dân gian nói chung, chất liệu truyện cổ nói riêng được nhà văn sử dụng
(1)
rất linh hoạt, nhiều lúc chỉ ở mức độ chấm phá, đan xen, có lúc lại có vẻ như đậm đặc nhất thời... Mục đích ý tứ của câu chuyện nhiều khi chỉ nằm gói gọn trong một câu nói, một câu kể mà muốn hiểu hết, người đọc cũng phải chất vấn lại câu nói, câu kể đó... Kiểu kết thúc có hậu trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp nhiều khi chỉ có vai trò khép lại tác phẩm vì dụng ý nhà văn đã thực hiện từ trước đó (Tiệc xòe vui nhất, Chiếc tù và bị bỏ quên).
Truyện Miêu Cẩm của Lưu Sơn Minh cũng được kể lại theo một trình tự diễn biến của sự việc. Câu chuyện kể về tên nhà giàu họ Trương làm nghề buôn bán khắp bốn phương. Năm ấy, họ Trương chuẩn bị cưới vợ cho con trai nên có ý định tìm mua một sản vật quý. Rồi các sự kiện liên tiếp xảy ra theo trình tự: Trương lạc vào thế giới ma quỷ, mua được cái chăn đẹp, có sức quyến rũ kì lạ không cưỡng lại được. Tay nhà giàu họ Trương đưa về nhà. Người con trai Trương nhận được cái chăn sung sướng mang ra dùng, dần dần đâm ra mê mẩn, tương tư. Rồi đến lượt Trương dùng chăn cũng trở thành mê mẩn như đứa con trai. Hai cha con tranh cãi nhau. Kết quả là gia đình lụn bại, cha con họ Trương sau khi tỉnh ngộ trở thành ngẩn ngơ. Mọi người đều xa lánh. Các sự kiện được nhà văn lắp ghép một cách đơn giản, nối tiếp nhau cho đến kết thúc tác phẩm.
2.2.3 Yếu tố kì diệu, huyền ảo
Rải rác ở trong một số truyện, các nhà văn lại đưa vào những chi tiết kì lạ, những phép màu, sức mạnh của thần linh, phép thuật, ma quỷ... Những câu chuyện nhiều khi đang diễn ra một cách trần trụi, đời thường,