Cái không bản chất và cái bản chất – Quá trình lao động

Một phần của tài liệu Lôgic học G.W.F. Hêghen và sự vận dụng của C.Mác trong Tư bản (Trang 51)

trình gia tăng giá trị

Hêghen đã phân tích chỉ ra, mối quan hệ giữa cái tồn tại – không bản chất với cái tồn tại khác – cái có tính bản chất là không ổn, không đứng vững. “Khi tồn tại được nắm lấy một cách tách rời với bản chất như thế, [tồn tại] bị gọi là cái “không-bản-chất”. Nhưng bản chất là tồn tại-ở trong-chính mình; nó có tính bản chất chỉ trong chừng mực nó có cái phủ định của mình ở trong chính mình…” [5, 426]. Bùi Văn Nam Sơn giải thích thêm trong Phần chú giải dẫn nhập, “Vì lẽ, bản chất - do tính phủ định chính mình - là tồn tại tự trung giới với chính mình; nó là tồn tại trong chính

mình, là cái có tính bản chất trong chừng mực nó có bên trong nó, cái phủ định chính mình, tức nó có trong mối quan hệ với cái khác, nghĩa là, có sự biến đổi ở lĩnh vực tồn tại, khiến cho cái khác chỉ là một vẻ ngoài, một ánh tượng của nó. Bản chất không thể quan hệ với cái không bản chất của vẻ ngoài như với cái gì đó ở bên ngoài. Ngược lại, theo định nghĩa, nó có cái phủ định của chính nó ở bên trong nó, nghĩa là có cái không bản chất như là vẻ ngoài hay ánh tượng của riêng nó” [5, 429].

Quá trình chuyển hoá trực tiếp của vật vốn là sự chuyển hóa từ khả năng của bản chất thành hiện thực, là bản chất. Bản chất là sự vận động tạo thành vật. Sự tự vận động của bản chất là thực thể. Bản chất không thể xuất hiện trong cái trực tiếp cũng như ở bên ngoài cái trực tiếp. Nó cần phải nảy sinh trong cái trực tiếp và ở bên ngoài lĩnh vực đó.

Lao động cho nhà tư bản dưới sự giám sát của họ tạo thành hình thái lao động xã hội xác định, không đụng đến bản chất của lao động nhưng không phụ thuộc vào hình thái xã hội xác định và tạo ra giá trị sử dụng. Quá trình tự vận động của bản chất đều được xác định về mặt lịch sử, và ngoài ra là quá trình bảo toàn ở những hình thức lịch sử khác nhau bản chất chung của mình. Cái đó tạo nên tính hai mặt của quá trình tự vận động của bản chất trong từng hình thức lịch sử. Bản tính lịch sử của tính hai mặt của quá trình tự vận động của bản chất lần đầu tiên được C. Mác khám phá. Đó là một trong những thành tựu quan trọng nhất của lôgic học macxit. Từ lôgic Hêghen bản tính lịch sử của tính hai mặt trực tiếp của vận động bị biến mất, bởi lẽ Hêghen ghi nhận không phải bản chất được xác định về mặt lịch sử, mà bản chất bất định về mặt lịch sử.

Mac đã khắc họa lao động nói chung cả trong mối liên hệ được bộc lộ ra trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Sản xuất giá trị sử dụng là tiền đề của sản xuất tư bản chủ nghĩa, và nó được tái tạo bởi sự vận động của sản xuất tư bản

chủ nghĩa. Nhưng nếu giá trị sử dụng là một mặt của tiền đề nằm ở lĩnh vực tồn tại tư bản, thì quá trình sản xuất giá trị sử dụng là mặt khác của tiền đề tồn tại trong lĩnh vực bản chất. “Muốn biểu hiện lao động của mình vào trong hàng hoá, người lao động trước hết phải làm cho lao động của mình biểu hiện thành giá trị sử dụng, thành những vật, dùng để thoả mãn những nhu cầu nhất định. Do đó nhà tư bản bắt buộc người công nhân phải sản xuất một giá trị sử dụng đặc biệt, một sản phẩm nhất định nào đó. Việc sản xuất ra giá trị sử dụng hay của cải, được tiến hành vì lợi ích của nhà tư bản và dưới sự kiểm soát của nhà tư bản” [15, 265].

Như vậy, tiền đề của đối tượng nằm cả trong lĩnh vực tồn tại lẫn trong lĩnh vực bản chất. Đến lượt mình bản chất có được ở cả lĩnh vực tồn tại (tiềm năng) và cả ở lĩnh vực bản chất (hiện thực). Bản chất được khắc hoạ như quá trình hai mặt: quá trình lao động (tiền đề trong lĩnh vực bản chất) và quá trình gia tăng giá trị (riêng bản chất). Mác khởi đầu xem xét lĩnh vực bản chất từ việc mô tả tiền đề, bởi lẽ nó sẽ hiện diện ở lĩnh vực bản chất.

Tính hai mặt của quá trình tự vận động của bản chất. Quá trình lao động và quá trình gia tăng giá trị như là cái không bản chất và cái bản chất.

Quá trình lao động xét về mặt kết quả, sản phẩm là kết quả của toàn bộ hoạt động của con người với tư liệu lao động và đối tượng lao động biểu hiện ra như là tư liệu sản xuất, còn bản thân lao động thì biểu hiện ra là lao động sản xuất. “Khi một giá trị sử dụng bước ra khỏi một quá trình lao động với tư cách là sản phẩm, thì những giá trị sử dụng khác, những sản phẩm của những quá trình lao động trước đó, lại đi vào quá trình sử dụng ấy với tư cách là những tư liệu sản xuất. Cũng một giá trị sử dụng ấy, vốn là sản phẩm của lao động, lại được dùng làm tư liệu sản xuất cho một lao động khác. Vì vậy, sản phẩm không chỉ là kết quả mà đồng thời còn là điều kiện của quá trình lao động nữa” [15, 271].

Quá trình làm gia tăng giá trị. Sản phẩm - sở hữu của nhà tư bản là một giá trị sử dụng nhất định. Ở đây, giá trị sử dụng chỉ được sản xuất ra vì nó là thực thể vật chất, là vật mang giá trị trao đổi. Nhưng nhà tư bản muốn sản xuất ra một hàng hoá có giá trị lớn hơn tổng giá trị những hàng hoá cần thiết để sản xuất ra nó, tức là lớn hơn tổng số tư liệu sản xuất và sức lao động mà nhà tư bản đã phải ứng trước bằng tiền mặt mua hàng hoá trên thị trường. Nhà tư bản muốn sản xuất ra một hàng hóa, thì không những đã sản xuất ra giá trị sử dụng mà còn sản xuất ra giá trị thặng dư nữa.

Nhưng ở đây không nói về hai quá trình như phân tích, mà nói về hai mặt của cùng một quá trình. Hay nói cách khác, sự đối lập của lao động trừu tượng tạo ra giá trị và lao động cụ thể tạo ra giá trị sử dụng “Với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình sản xuất và quá trình hình thành giá trị, thì quá trình sản xuất là quá trình sản xuất hàng hoá; Với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình làm gia tăng giá trị thì quá trình sản xuất là một quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, là hình thái tư bản chủ nghĩa của nền sản xuất hàng hoá” [15, 294 - 295]. Do sự phân biệt được quá trình lao động và quá trình tăng thêm giá trị, cho nên Mác giải thích được thực chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Như vậy, nói đến sản xuất hàng hoá, tức là chỉ nói đến một mặt của quá trình mà thôi. Bản thân hàng hoá là sự thống nhất giữa giá trị sử dụng và giá trị, quá trình sản xuất hàng hoá cũng phải là một sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình tạo ra giá trị. “Chúng ta biết rằng giá trị của mỗi hàng hoá được quyết định bởi lượng lao động đã được vật chất hoá trong giá trị sử dụng của hàng hoá ấy, tức là bởi thời gian lao động xã hội cần thiết sản xuất ra hàng hoá ấy… Vì vậy trước hết phải tính số lao động đã được vật hoá trong sản phẩm” [15, 279 - 280].

Mác đã phân tích quá trình tạo ra giá trị và so sánh quá trình làm tăng giá trị. Ông cho rằng “Quá trình làm tăng giá trị chẳng qua cũng chỉ là quá trình tạo ra giá trị được kéo dài quá một điểm nào đó mà thôi. Nếu quá trình tạo ra giá trị chỉ kéo dài đến cái điểm ở đó giá trị sức lao động do tư bản trả bằng một vật ngang giá mới, thì đó chỉ là một qúa trình giản đơn tạo ra giá trị. Còn nếu như quá trình tạo ra giá trị vẫn tiếp diễn quá điểm đó, thì nó trở thành một quá trình làm tăng giá trị” [15, 291 - 292].

Quá trình lao động nói chung, không là riêng sản xuất của tư bản, đó là tồn tại tư bản chừng nào nó được lưu giữ trong lĩnh vực bản chất. Với điều này quá trình lao động và quá trình làm gia tăng giá trị được Mác xác định chủ yếu như các quá trình khác nhau, giữa chúng có mối liên hệ bên ngoài: mối liên hệ của cái mang và cái bị mang. Do đó, chúng mới được xem xét trong sự bất phân nội tại đối với nhau. Như vậy, trong lĩnh vực bản chất tồn tại và bản chất, như là những thứ trực tiếp đã phân biệt với nhau, đã đứng đối lập với nhau. Tuy nhiên, do đang nói về lĩnh vực bản chất và sự phân định diễn ra bên trong nó, cho nên tồn tại (quá trình lao động nói chung) trong bản chất ở đây là không căn bản. Còn bản chất (quá trình làm gia tăng giá trị) là căn bản. Căn bản và không căn bản là bản chất tồn tại trong bản chất, được lấy một cách trực tiếp, bất phân nội tại với nhau. Quá trình làm gia tăng giá trị khác với công thức phổ biến của tư bản ở chỗ công thức này xác định sự tồn tại của tư bản trong lưu thông, trong tính vật thể của lao động, còn quá trình làm gia tăng giá trị trong sản xuất là hình thức hoạt động, hình thức vận động của lao động. Trong trường hợp thứ nhất, bản chất được cố định trong tồn tại, trong trường hợp thứ hai, được cố định trong lĩnh vực bản chất. Do đó, bản chất là lĩnh vực riêng của mình trước hết thể hiện dưới dạng tồn tại bị “vượt bỏ”. Tồn tại hoá ra là một yếu tố của chính bản chất và bản chất được “vượt bỏ” bởi tồn tại. “Trong quá trình lao động, lao động không ngừng chuyển hoá

từ hình thái hoạt động sang hình thái tồn tại, từ hình thái vận động sang hình thái vật thể” [15, 283].

Bản chất được lấy như là cái căn bản và không căn bản, là tồn tại bị “vượt bỏ”, tức là phủ định thứ nhất của tồn tại.

2.2.2. Vẻ ngoài - Tư bản bất biến và tư bản khả biến

Tư bản bất biến và tư bản khả biến như là phủ định của tồn tại của đối tượng. Ngoại hình (vẻ ngoài)

Ở trên, Mác đã phân tích từ quá trình lao động đến việc xác định quá trình làm gia tăng giá trị. Nếu mục đích của chương trước nhằm vạch rõ tư bản ra đời như thế nào, giá trị trở thành giá trị tự lớn lên như thế nào, thì mục đích của chương sau nghiên cứu xem bộ phận giá trị này (thể hiện trong sức lao động) trở thành tư bản khả biến và giá trị tư liệu sản xuất trở thành tư bản bất biến như thế nào. Nội dung của Tư bản bất biến và tư bản khả biến một lần nữa lại làm cho quá trình gia tăng đó quay trở lại quá trình lao động nói chung, nhưng ở đây không phải không cần đến quá trình gia tăng giá trị nữa. Mà phải đề cập đến việc lý giải vai trò khác nhau của các yếu tố khác nhau của quá trình lao động nói chung trong sự tạo thành giá trị. “Những nhân tố khác nhau của qúa trình lao động tham gia một cách khác nhau vào sự hình thành giá trị của sản phẩm” [15, 297]. Giá trị tư liệu sản xuất đơn giản được chuyển sang giá trị của sản phẩm được tạo ra, còn tư liệu tiêu dùng sức lao động tạo ra giá trị mới.

Khi trình bày những vai trò khác nhau mà những nhân tố khác nhau của quá trình lao động đã giữ trong sự hình thành giá trị sản phẩm, trên thực tế Mác đã vạch rõ những chức năng của những bộ phận cấu thành khác nhau của tư bản trong quá trình tăng thêm giá trị của bản thân nó. Số dư ra trong tổng giá trị của sản phẩm so với tổng số giá trị của những yếu tố cấu thành sản

phẩm, đó chính là số dư trong số tư bản tăng thêm giá trị so với giá trị của tư bản ứng ra ban đầu. Tư liệu sản xuất và sức lao động là những hình thái tồn tại khác nhau mà giá trị tư bản ban đầu đã khoác lấy khi trút bỏ hình thái tiền tệ và chuyển hóa thành những nhân tố trong quá trình sản xuất. “Vậy, trong quá trình sản xuất, bộ phận tư bản biến thành tư liệu sản xuất, tức là nguyên liệu, vật liệu phụ và tư liệu lao động, không thay đổi đại lượng giá trị của nó… vì vậy gọi nó là tư bản bất biến”; “Trái lại, bộ phận tư bản biến thành sức lao động lại thay đổi giá trị của nó trong quá trình sản xuất. Nó tái tạo ra một vật ngang giá với bản thân nó, và ngoài ra nó còn sản xuất một số dư, tức giá trị thặng dư… gọi là tư bản khả biến” [15, 311]. Xét trên quan điểm quá trình lao động, những bộ phận cấu thành của tư bản phân biệt thành những nhân tố khách quan và chủ quan, thành tư liệu sản xuất và sức lao động, nhưng xét trên quan điểm của quá trình làm gia tăng giá trị thì lại phân biệt thành tư bản bất biến và tư bản khả biến .

Trong phần Học thuyết về Bản chất, phần Giảng thêm, Hêghen đã phân biệt: “Khi ta nói về “bản chất”, ta phân biệt nó với “tồn tại”, nghĩa là, với cái gì trực tiếp, còn khi ta so sánh với bản chất, ta xem tồn tại như là một ánh tượng [hay một vẻ ngoài] đơn thuần. Nhưng vẻ ngoài này không đơn giản là “không gì hết”, không phải là một hư vô đơn thuần, mà đúng hơn nó tồn tại như đã là được thủ tiêu, vượt bỏ” [5, 412].

Mác chú ý đến quá trình lao động nói chung trong việc xác định tư bản bất biến và tư bản khả biến trong sự khúc xạ qua quá trình gia tăng giá trị, chứ không phải tự thân. Do đó tồn tại trong lĩnh vực bản chất và bản chất đã không đơn giản đối ngược nhau như những cái khác nhau, cái không căn bản và cái căn bản. Tồn tại trong lĩnh vực bản chất như tồn tại tự thân, biến mất. Không đơn giản là quá trình lao động nói chung được xem xét. Tồn tại trong bản chất bây giờ được bảo toàn trong tính “bị vượt bỏ” của mình. Lao động

nói chung được bảo toàn trong sự khác biệt giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến chỉ với tư cách của thời đoạn “bị vượt bỏ”, tức là của cái mà Hêghen gọi là ngoại hình. Chính sự “vượt bỏ” lao động nói chung trong quá trình làm gia tăng giá trị mới tạo ra sự khác biệt giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến

Ngoại hình tồn tại ở cả lĩnh vực trực tiếp, cả ở lĩnh vực hiện tượng, mà ở đó nó là bản chất hiện ra một cách trực tiếp, trong đó một mặt của lĩnh vực bản chất bị khúc xạ, trở nên “bừng sáng” qua mặt kia của cùng một nó.

Trong Tư bản, Mác nhận thấy trong quá trình lao động “Cái bị tiêu dùng đi trong các tư liệu sản xuất là giá trị sử dụng của chúng, nhờ tiêu dùng giá trị sử dụng này mà lao động tạo ra được sản phẩm. Trên thực tế giá trị của những tư liệu sản xuất không bị tiêu dùng đi, và vì thế nó cũng không thể tái sản xuất ra. Giá trị của nó được bảo tồn, nhưng không phải là vì một thao tác nào đó xảy ra với nó trong quá trình lao động, nhưng chính là vì cái giá trị sử dụng trong cái ban đầu biến đi trong một giá trị sử dụng khác. Chính vì thế mà giá trị tư liệu sản xuất hiện trở lại trong giá trị của sản phẩm, nhưng nói một cách chính xác thì không được tái sản xuất ra. Cái được sản xuất ra là giá trị sử dụng mới, trong đó giá trị trao đổi cũ tái hiện ra” [15, 309].

Như vậy, sự thống nhất trực tiếp các mặt của tính hai mặt của bản chất

Một phần của tài liệu Lôgic học G.W.F. Hêghen và sự vận dụng của C.Mác trong Tư bản (Trang 51)