Trong quá trình tuần hoàn, tư bản thể hiện bị phân tách thành các hình thái chức năng độc lập. Lưu thông hàng hoá hiện ra như là thứ được cấu thành từ các tuần hoàn gián đoạn, các tuần hoàn như các hành vi đơn nhất. Phần thứ hai của tập 2 đề cập đến Chu chuyển của tư bản. “Tuần hoàn của tư bản được coi là một quá trình định kỳ, chứ không phải là một hành vi cá biệt, thì gọi là vòng chu chuyển của tư bản” [16, 234 - 235]. Tuần hoàn của tư bản bây giờ hiện ra không phải theo cách cô lập, độc lập với nhau, mà trong sự đổi mới lặp lại thường xuyên. Tư bản hiện ra trong cả tuần hoàn lẫn chu chuyển. Trong tuần hoàn nó hiện ra như là sự tồn tại, bởi lẽ, tư bản ở đây tức là cái bản chất, nó không chỉ bộc lộ ra trong lưu thông mà cả các mối liên hệ giữa các tuần hoàn tư bản. Trong chu chuyển tư bản trở thành hiện tượng, bởi lẽ tư bản, tức bản chất, là cái trực tiếp theo nghĩa là nó biểu hiện trong lưu thông, tuy nhiên nó cũng không là cái trực tiếp trong chừng mực các vòng tuần hoàn được khảo sát trong tính liên tục của chúng, trong sự lặp lại thống nhất của chúng. Do đó, tư bản như là vật trung giới chính mình trong lĩnh vực biểu hiện. “Bản chất - như là Tồn tại tự trung giới mình với mình thông qua tính phủ định chính mình...”, “Do đó, bản chất là tồn tại như là ánh hiện
[trở thành vẻ ngoài] ở trong chính mình” [5, 411].
Trong chu chuyển tư bản, sự thay thế các hình thái (không phải tư bản nói chung) mà là tư bản sản xuất trong sự khác nhau của nó ảnh hưởng đến phương thức lưu thông, tức là tư bản cố định và tư bản lưu động. Chính sự khác nhau giữa tư bản cố định và tư bản lưu động đã xuyên suốt sự chu chuyển và là quy luật của nó. Cái góp mặt vào sự thay thế các biểu hiện là quy luật của hiện tượng. Quy luật của các biểu hiện không là bản chất như vốn có. Sự khác nhau giữa tư bản cố định và tư bản lưu động không là sự khác nhau tuyệt đối của sản xuất tư bản, nhưng là sự khác nhau của sản xuất
tư bản trong sự ảnh hưởng của nó đến phương thức lưu thông tư bản. Quy luật biểu hiện là cái thường xuyên, không đổi trong lĩnh vực hiện tượng, nơi mà bản chất hiện ra một cách trực tiếp, chứ không phải như nó có tự thân. Tính thường xuyên trong sự thay thế các hiện tượng là quy luật của chúng.
Bên cạnh quy luật đó hiện tượng còn có nội dung không bản chất, mà sự hiện diện yên bình của nó tạo ra quy luật. Hiện tượng là quy luật trong sự thay thế bất thường các biểu hiện. Chu chuyển tư bản cố định và tư bản lưu động cũng là quy luật của hiện tượng trong sự thay thế bất thường của các biểu hiện. Như vậy, quy luật hiện tượng thể hiện ra đã không như là một mặt của hiện tượng so với toàn bộ hiện tượng, mà tạo thành chỉnh thể của hiện tượng bao gồm trong mình với tính cách là một thời đoạn cả sự tồn tại không bản chất. Cái thường xuyên có mặt trong hiện tượng bao gồm trong mình sự phủ định của mình, cái không bản chất, cái mà trong đó nó được thay thế. Đó là lôgic chung nhất của Phần hai, tập 2 của Tư bản.