Sự khác nhau – Hiệp tác giản đơn

Một phần của tài liệu Lôgic học G.W.F. Hêghen và sự vận dụng của C.Mác trong Tư bản (Trang 68)

Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ thực tế bắt đầu ở nơi nào mà cũng một nhà tư bản cá biệt thuê nhiều công nhân một lúc, do đó quá trình lao động mở rộng quy mô của nó và cung cấp sản phẩm với một số lượng lớn. Quá trình sản xuất giá trị thặng dư tương đối đơn giản nhất là hiệp tác giản đơn. Hiệp tác giản đơn là hợp tác trong đó “nhiều công nhân bổ sung cho nhau cùng làm một việc hoặc một loại công việc như nhau” [15, 475]. Quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu cả về mặt lịch sử lẫn lôgic từ việc mở rộng quá trình lao động, từ sự thu hút vào hoạt động số lượng lớn công nhân để chế tác ra cùng một loại hàng hoá “Đứng về mặt bản thân phương thức sản xuất thì xét công trường thủ công chẳng hạn, lúc ban đầu hầu như chỉ khác ngành công nghiệp thủ công phường hội ở chỗ một số lượng công nhân đông hơn được một nhà tư bản thuê cùng một lúc. Đó chỉ là cái xưởng của người thợ cả phường hội được mở rộng ra mà thôi. Như vậy, sự khác nhau lúc đầu chỉ thuần tuý có tính chất số lượng” [15, 468]. Sau đó sự hợp nhất lao động dần dần tăng lên, sức sản xuất mới ra đời “tự nó đã là một sức tập thể rồi” [15, 473].

Qua ví dụ về sự hợp tác, Mác đã chỉ ra những thay đổi về lượng, do chỗ được tích luỹ lại, sẽ dẫn đến chỗ hình thành một chất mới mang tính liên kết, và khẳng định tính đúng đắn của quy luật biện chứng do Hêghen nêu ra. Và

chính sức sản xuất xã hội tập thể này mà người công nhân với tư cách là người lao động tập thể phát triển lên thành sức sản xuất của tư bản.

Như vậy, sản xuất giá trị thặng dư nhận được bằng cách hiệp tác giản đơn, dựa vào phương thức sản xuất cũ, nhưng là sự khác biệt bên ngoài, không làm biến đổi chính phương thức sản xuất. Phương thức sản xuất vẫn còn là sự đồng nhất với chính mình, sự khác biệt trong nó tồn tại chỉ như là cái bên ngoài nó, thuần tuý số lượng. Đồng nhất và khác biệt là bên ngoài, là bất cần nhau, do đó tạo thành sự khác nhau. Đồng thời giữa chúng vẫn có mối liên hệ bên ngoài. Sản xuất giá trị thặng dư tương đối bằng cách hiệp tác giản đơn là không thể nếu không có sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối.

Một phần của tài liệu Lôgic học G.W.F. Hêghen và sự vận dụng của C.Mác trong Tư bản (Trang 68)