Các bản chất xác định. Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối như là sự đồng nhất.
Chỉ sau khi trình bày giá trị thặng dư tuyệt đối và vạch mở khái niệm giá trị thặng dư tương đối, Mác mới định nghĩa giá trị thặng dư tuyệt đối và tương đối. Trong khi mới trình bày một mặt giá trị thặng dư tuyệt đối, thì nó thể hiện với tư cách là bản chất xác định. Việc chuyển sang xem xét hình thức thứ hai của bản chất cho phép phân biệt hình thức thứ nhất với bản chất nói chung và hiểu được hình thức của bản chất.
Trong phần học thuyết về Bản chất, Hêghen đã phân tích “Sự đồng nhất này - đến từ tồn tại - [nên] thoạt đầu xuất hiện như bị dính chặt với những quy định của tồn tại, và [với tính chất ấy] quan hệ với tồn tại như
với một cái gì ngoại tại. Khi tồn tại được nắm lấy một cách tách rời bản
chất như thế, nó [tồn tại] bị gọi là cái “không-bản-chất”. Nhưng bản chất tồn tại-ở trong-chính mình; nó có tính bản chất ở trong chừng mực nó có
cái phủ định của mình ở trong chính mình, [nghĩa là] có quan hệ-với-cái khác hay có sự trung giới ở bên trong chính mình. Vì thế, nó có cái không-bản chất như là “vẻ ngoài” của riêng nó ở trong nó” [5, 426].
Như vậy, bản chất đồng nhất là tính phủ định quan hệ với mình, nhưng quan hệ với mình của tính phủ định là quan hệ phủ định với mình, nghĩa là vận động thuần tuý của việc dị biệt hoá mình với chính mình. Với tư cách ấy, bản chất là hành vi tuyệt đối của việc tự đẩy mình ra khỏi chính mình, nghĩa là, thiết yếu chứa đựng tính quy định khác biệt.
“Bản chất ánh hiện trong mình hay [nói cách khác] là sự phản tư thuần tuý. Bằng cách ấy, nó chỉ là sự quan hệ với mình (không phải như là sự quan hệ trực tiếp mà như là sự quan hệ đã được phản tư): sự đồng
nhất với mình” [5, 434]. Sự đồng nhất này là sự đồng nhất hình thức hay là
sự đồng nhất giác tính, trong chừng mực nó bị nắm chặt lấy và bị trừu tượng hoá (hay tước bỏ) khỏi sự khác biệt. Hay nói cách khác, sự trừu tượng hoá là việc thiết định sự đồng nhất hình thức này.
Trong Tư bản của Mác các bản chất xác định hay các hình thức hình thức khác nhau như thế nào? Giá trị thặng dư tuyệt đối và tương đối là những hình thức của một bản chất. Cả hai đều không là một phần, một mặt, một yếu tố của bản chất, mà là toàn bộ bản chất ở hình thức xác định. Bản chất của đối tượng là thứ có sự nảy sinh và biến đổi về mặt lịch sử. Về mặt lịch sử, thì lúc đầu khi xuất hiện bản chất kế thừa những tiền đề của sự phát triển trước đó, mà chưa làm biến đổi chúng. Cái đó tạo thành bản chất xác định thứ nhất về lịch sử cũng như về lôgic. Sau đó bản chất mới xuất hiện cải biến giai đoạn phát triển trước đó cho phù hợp với bản tính của mình. Vì thế trong sự vận động của mọi đối tượng đều có hai hình thức bản chất cơ bản. Trên thực tế giá trị thặng dư tuyệt đối đặc trưng cho sơ kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, khi mà bản chất của nó đã xuất hiện, nhưng bản chất đó -sản xuất giá trị thặng dư,
còn được thực hiện trong những điều kiện xã hội và kỹ thuật chưa thay đổi, được kế thừa lại. Ngược lại, đối với sản xuất giá trị thặng dư tương đối “Cần phải có một cuộc đảo lộn trong những điều kiện kỹ thuật và xã hội của quá trình lao động…” [15, 458].
Đến đây Mác mới định nghĩa “Giá trị thặng dư được sản xuất ra bằng cách kéo dài ngày lao động, thì tôi gọi đó là giá trị thặng dư tuyệt đối; trái lại, giá trị thặng dư có được do rút ngắn thời gian lao động cần thiết và do sự thay đổi tương ứng trong tỷ lệ các đại lượng của hai bộ phận cấu thành ngày lao động, thì tôi gọi đó là giá trị thặng dư tương đối” [15, 458].
Khi nghiên cứu giá trị thặng dư tuyệt đối, các điều kiện xã hội và kỹ thuật được giả định là cho sẵn, không đổi; còn giả định thêm là sản xuất tư bản chủ nghĩa diễn ra trên phương thức sản xuất được kế thừa không có sự thay đổi gì cả. Sản xuất giá trị thặng dư tương đối bằng cách làm đảo lộn phương thức sản xuất cũ. Nhưng chính vì sự đảo lộn như thế trong phương thức sản xuất rút cục dẫn đến sự tiêu vong của hệ thống quan hệ trong đó diễn ra sản xuất giá trị thặng dư tương đối, mà sự giả định tính không đổi của phương thức sản xuất là sự giả định tính không đổi, sự đồng nhất của sản xuất giá trị thặng dư vốn có. Nhưng sản xuất giá trị thặng dư là quá trình tự gia tăng giá trị, tức là giá trị thặng dư được sản xuất ra trong sự phủ định của chính nó. Trong trường hợp đầu tiên không có giới hạn cho sự tự vận động của bản chất nói chung, bản chất được xác định trong chính mình. Trường hợp thứ hai đề cập đến sự đồng nhất của bản chất tự nó trong quan hệ với bản chất khác. Giá trị thặng dư tuyệt đối hay tương đối là những trình độ phủ nhận giá trị thặng dư bởi chính nó. Nhưng khi nghiên cứu giá trị thặng dư tuyệt đối, bản chất của đối tượng (của tư bản) vẫn thể hiện như sự đồng nhất với chính mình. Tuy nhiên, sự sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối không là sự đồng nhất trừu tượng, trống rỗng với chính nó. Trên thực tế, sự kéo dài ngày lao động có
giới hạn tự nhiên và sinh lý. Theo đà tiệm cận gần đến giới hạn đó thì cũng cạn kiệt dần khả năng sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối. Sự phản kháng của giai cấp công nhân dẫn đến việc phải hạn chế hợp pháp độ dài ngày lao động, điều đó buộc các nhà tư bản sản xuất giá trị thặng dư trong khoảng thời gian lao động cần thiết bằng cách tăng năng suất lao động “Để hạ thấp giá trị sức lao động, việc nâng cao năng suất lao động là phải bao quát những ngành công nghiệp mà sản phẩm quyết định giá trị sức lao động, tức là những sản phẩm thuộc về số những tư liệu sinh hoạt thông thường hoặc có thể thay thế những tư liệu sinh hoạt đó” [15, 459].
Do đó, ngay sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối đã chứa đựng mầm mống của sự khác biệt: kéo dài ngày lao động là đặc thù của sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối, nhưng đồng thời sự biến đổi ngày lao động cuối cùng rồi cũng dẫn đến tất yếu phải thay đổi phương thức sản xuất, mà sự không đổi đó giả định cho sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối. Như vậy, sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối trên bình diện như sự đồng nhất, nhưng đồng nhất không phải không có khác biệt, mà cùng với khác biệt. Nhưng ở mức đó thì sự khác biệt còn chưa được bộc lộ. Cùng một thứ, đồng thời vừa đồng nhất vừa khác biệt, dù khác biệt còn chưa rõ.