6. Bố cục của Luận văn
3.2.3. Tiêu chuẩn về tính đơn giản
Tính đơn giản đối với một chú giải ngữ pháp là việc diễn giải ngôn ngữ sao cho hợp lí, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh tối đa dùng các khái niệm mang tính chất “hàn lâm”, các thuật ngữ trong ngành ngôn ngữ học, không thể quá chú ý giới thiệu và chú giải cùng một lúc hết các ý nghĩa biểu hiện của một từ khiến cho người học gặp khó khăn trong việc lĩnh hội kiến thức.
Như đã đề cập đến trong phần “Sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành ngôn ngữ”, (phần 3.1.5, chương 3 của luận văn), một số thuật ngữ chuyên ngành ngôn ngữ đã được đưa vào để chú giải ngữ pháp như: câu liên động, câu có vị ngữ liên động, trạng ngữ thể cách, định ngữ sở thuộc, lượng số phiếm định, (Tiếng Việt cho người nước ngoài, Nguyễn Anh Quế), hay thuật ngữ: ngữ cảnh, giả định, sự tình, tham tố, chỉ tố, hàm ý, hiển ngôn,
biến thể,… (Giáo trình Tiếng Việt, Trình độ A, Đoàn Thiện Thuật) là những khái niệm không đơn giản, nhất là đối với người học tiếng Việt như một ngoại ngữ ở trình độ mới bắt đầu.
Trên đây là một số điều nói về tiêu chuẩn cho việc trình bày hiệu quả một chú giải ngữ pháp được nhắc tới trong bài viết của Nguyễn Thị Thuận [41, tr.346] và những liên tưởng của chúng tôi vào một số vấn đề nhận thấy khi khảo sát các hiện tượng ngữ pháp trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Vấn đề đặt ra là tính đồng bộ giữa các giáo trình và việc biên soạn bộ giáo trình chuẩn giúp cho tiến trình giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ đạt hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để xây dựng một bộ giáo trình chuẩn, đáp ứng được ba tiêu chí này, tránh được những sai sót và nhất quán trong những vấn đề về chú giải ngữ pháp còn rất nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian. Việc bàn đến chuẩn trong ngữ pháp dạy tiếng không phải là nhiệm vụ chính của luận văn.
3.3. Tiểu kết
Qua một số nhận xét ở trên, chúng tôi thấy trong các phần chú giải ngữ pháp vẫn còn hiện tượng phân bố chủ điểm ngữ pháp chưa hợp lí như về số lượng chủ điểm chú giải, một số hiện tượng ngữ pháp chú giải mang tính không cơ bản, cùng một chủ điểm ngữ pháp lại được chú giải khác nhau ở mỗi giáo trình, việc sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành ngôn ngữ gây bối rối cho người học vẫn còn tồn tại, ngoài ra còn một vài hiện tượng do sơ suất
của người biên soạn và biên tập giáo trình như chú giải thiếu phần chủ điểm đã đặt ra, lời chú giải chưa rõ ràng, chặt chẽ…
Điều này cho thấy một thực tế là các tác giả khi soạn giáo trình, nhất là biên soạn các vấn đề ngữ pháp đã chủ yếu dựa vào quan điểm cá nhân, kinh nghiệm dạy học của bản thân mà chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học. Nên hiện nay chúng ta chưa có một bộ giáo trình đồng bộ, chuẩn mực trong lĩnh vực dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho người nước ngoài. Vì vậy, để thống nhất hơn trong việc đưa ra số lượng ngữ pháp được chú giải, trình tự giới thiệu vấn đề cũng như liều lượng, cách thức chú giải,… cần phải tiến hành những điều tra, khảo sát thống kê từ thực tế. Hiện tượng ngữ pháp nào phổ biến, dễ tiếp nhận phải được giới thiệu trước, hiện tượng nào khó, ít sử dụng phải được giới thiệu ở các bài sau với liều lượng chú giải sao cho hợp lí, làm sao đảm bảo được tính “đúng – đủ – đơn giản và hợp lí” mà Nguyễn Thị Thuận đã nêu.
Những vấn đề đặt ra trên đây là những khó khăn không chỉ đối với người học mà còn là một thách thức mà những người trực tiếp biên soạn giáo trình đang phải vượt qua. Và để đến được đích, đạt được các tiêu chuẩn trên, cần phải quan tâm hơn nữa đến xu hướng nghiên cứu ngữ pháp giải thích tiếng Việt.
PHẦN KẾT LUẬN
Trong việc dạy tiếng nói chung và việc soạn giáo trình dạy tiếng nói riêng, nếu không có các phần chú giải ngữ pháp thì dù là học viên hay chính người dạy cũng khó có những định hướng rõ ràng cho việc học ngữ pháp của mỗi bài học. Vì thế, trong phương pháp học tiếng, bên cạnh việc học ngữ âm và từ vựng mang tính chất công cụ, thì việc nắm vững ngữ pháp là một yếu tố quan trọng mang tính “chìa khoá” để có thể nối kết ngữ âm và từ vựng, giúp cho quá trình học tiếng được thành công.
Muốn nắm được ngữ pháp, trước hết cần tìm hiểu những chú giải về ý nghĩa ngữ pháp của từ, của câu, của lời, để biết xem chúng được tổ chức ra sao, có kết cấu và có vai trò ngữ pháp thế nào để việc học tiếng sao cho “đúng ngữ pháp”. Trong đó, người dạy là yếu tố quan trọng kết nối những điều chú giải đó đến gần với học viên, giúp cho kiến thức đó từ giáo trình vở nhanh chóng tiếp cận vào “kho” kiến thức của học viên. Các phần chú giải ngữ pháp giúp học viên tự nghiên cứu và tự ôn lại bài.
Qua việc khảo sát, miêu tả các chú giải ngữ pháp trong 20 giáo trình, chúng tôi thu được 577 phần chú giải ngữ pháp với 1673 đơn vị chủ điểm ngữ pháp Từ những gì đã được trình bày cụ thể ở 3 chương, chúng tôi có thể ghi nhận những điều cơ bản nhất sau đây:
1) Trong chương 1, chúng tôi đã giới thiệu một số vấn đề về việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở nước ta hiện nay cũng như vai trò của ngữ pháp trong việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Trong đó, phần ngữ pháp và chú giải ngữ pháp có vai trò quan yếu trong các bài học của các giáo trình. Các hiện tượng ngữ pháp được chú giải cần có tính khoa học, đảm bảo các tiêu chuẩn về chú giải ngữ pháp sao cho phù hợp với trình độ, sự tiếp thu của người học cũng như đảm bảo về dung lượng trong khung chương trình.
2) Trong chương 2, chúng tôi tìm hiểu vị thế ngữ pháp trong 20 giáo trình từ dạy tiếng Việt cho người nước ngoài từ năm 1980 đến nay theo một số mốc thời gian chính.
Trong các chú giải ngữ pháp, các tiêu chí về hình thức được tìm hiểu với 7 cách gọi tên, 4 trình tự giới thiệu tùy theo cách trình bày của mỗi giáo trình, số lượng các chủ điểm ngữ pháp được bố trí với mức độ khá hợp lí là 3 đến 5 chủ điểm ngữ pháp trong một chú giải và có 1 đến 2 phần chú giải ngữ pháp sau mỗi bài khoá hoặc cuối bài học. Về ngôn ngữ chú giải đa phần là theo song ngữ Việt – Anh, đây là cách để học viên dễ hiểu thông qua ngôn ngữ tiếng Anh nhưng học viên học tiếng Việt phải thêm điều kiện học tiếng Anh.
Các kiểu loại hiện tượng ngữ pháp được chú giải là rất phong phú về số lượng kiểu từ loại với các ý nghĩa ngữ pháp tương đối đơn giản gắn liền với các mẫu câu, cách nói thường dùng trong tiếng Việt. Từ việc nắm vững các chú giải ngữ pháp này, người học có thể vận dụng các quy tắc ngữ pháp vào việc hiểu bài học, xây dựng câu và phát ngôn trong văn bản cũng như trong giao tiếp.
Về nội dung chú giải, các giáo trình nghiêng về cách thức chú giải truyền thống là đưa ra chủ điểm ngữ pháp rồi chú giải chủ điểm và đưa ra các ví dụ về câu và ngữ cảnh sử dụng chủ điểm ngữ pháp đó, có một số ít giáo trình đi theo hướng coi trọng giao tiếp, các chủ điểm ngữ pháp được nhấn mạnh vào các câu lồng ghép trong phần hội thoại và có xu hướng không có chú giải riêng về ngữ pháp. Và cho dù là theo hình thức nào, phần ngữ pháp trong các giáo trình đều phải đảm bảo yêu cầu đơn giản, nhẹ nhàng, dễ sử dụng đối với người học. Để có được điều đó, cần thiết phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề dạy ngữ pháp cho người nước ngoài.
3) Mỗi giáo trình hướng tới đối tượng khác nhau và mục đích cũng khác nhau nhưng nhìn chung các giáo trình đã góp phần xây dựng nên khung
chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Tuy nhiên, xét tương quan trong từng cuốn giáo trình nói chung và ở mỗi bài học nói riêng, “việc dạy và không dạy những gì” nhiều chỗ vẫn là vấn đề còn mang tính cá nhân, chưa có sự đồng bộ hay tính nguyên tắc về số lượng hiện tượng ngữ pháp cần được chú giải trong quá trình dạy tiếng.
Trong chương 3, qua việc tìm hiểu các phần chú giải ngữ pháp trong các giáo trình này, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề còn tồn tại và vướng mắc như cần giải quyết khi tiến tới một bộ giáo trình có tính chất đồng bộ khi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Đó là những vấn đề như phân bố chủ điểm ngữ pháp còn chưa được hợp lí, cân đối, cách chú giải nhiều chỗ, nhiều giáo trình còn mang tính chất hàn lâm ; nội dung chú giải còn có chỗ chưa thống nhất trong một số giáo trình.
Còn riêng việc bàn đến tiêu chuẩn đối với chú giải ngữ pháp một cách hiệu quả thì cần được nghiên cứu cụ thể trong những công trình khác.
4) Có thể nói, chú giải ngữ pháp là một phần không thể thiếu trong bất kỳ một giáo trình nào. Nhưng dường như “chú giải ngữ pháp đang chưa phát huy được đúng với vị thế của nó”, việc dạy ngữ pháp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố kinh nghiệm người dạy. Trong khi đó, hiệu quả của sự truyền đạt kiến thức qua các chú giải ngày chính là sự biết cách vận dụng và tận dụng những lợi thế, ưu điểm của các chú giải ngữ pháp này.
Từ những điều này, việc tìm hiểu các chú giải ngữ pháp trong giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (tuy mới ở bước đầu) cũng là một tư liệu đóng góp một phần nhó bé đối với việc phát huy vị trí của chú giải ngữ pháp trong các giáo trình dạy tiếng. Những tài liệu riêng về ngữ pháp tiếng Việt cho người nước ngoài chưa có nhiều, những loại giáo trình như: “Tóm lược ngữ pháp tiếng Việt” (dành cho người nước ngoài), trong đó hệ thống những vấn đề ngữ pháp, quy tắc, cách sử dụng, các ngữ cảnh kèm theo…, “từ điển giải thích từ khó trong
tiếng Việt” giải thích các hiện tượng ngữ pháp của các từ khó trong tiếng Việt, “từ điển Việt – Việt” (dành cho người nước ngoài),… mặc dù đã có nhưng cần phải được gia tăng về số lượng cũng như chất lượng sẽ là những công cụ hữu ích cho người nước ngoài trong việc học ngữ pháp tiếng Việt được thành công. Điều này đang là những cố gắng nỗ lực của những người biên soạn giáo trình cũng như người dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
5) Các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã được xuất bản quả thực đã có đóng góp không nhỏ cho việc dạy học tiếng Việt như một ngoại ngữ và việc nâng cao dần vị thế quốc tế của tiếng Việt. Tuy nhiên, tình trạng các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở nước ta vẫn chưa có được sự thống nhất với mức độ tính toán chương trình hoá thật sự khoa học đang là một thực tế đặt ra. Một trong các vấn đề còn tồn tại hiện nay là việc giải thích các hiện tượng ngữ pháp, các quy tắc ngữ pháp được sử dụng trong các giáo trình này. Đây là vấn đề quan trọng trong địa hạt dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ hiện hầu như vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được nghiên cứu một cách cụ thể và công phu.
Chúng tôi thực hiện luận văn này với hy vọng đóng góp một phần nào đó về mặt dữ liệu và ý tưởng vào lĩnh vực này của tiến trình dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ ở nước ta hiện nay. Tuy đã hết sức cố gắng nhưng do thời gian, công việc và trình độ có hạn nên không thể tránh khỏi những thiếu sót và có những vấn đề chưa được bàn tới một cách kĩ lưỡng và khoa học. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp của các thầy, cô giáo và bạn bè để có thể hoàn thiện hơn trong các nghiên cứu tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Diệp Quang Ban (2004), Ngữ Pháp tiếng Việt, tập một, NXB Giáo dục. 2.Diệp Quang Ban (2004), Ngữ Pháp tiếng Việt, tập hai, NXB Giáo dục.
3.Diệp Quang Ban (2004), Ngữ pháp tiếng Việt – Phần câu, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
4. Nguyễn Tài Cẩn (1999), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 5.Nguyễn Hồng Cổn (2003), Về vấn đề phân định từ loại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ số 2, tr. 36-45.
6.Đỗ Hữu Châu – Bùi Minh Toán (2001), Đại cương ngôn ngữ học, tập một, NXB Giáo dục.
7.Đinh Kiều Châu (2005), Bài giảng môn “Giáo dục ngôn ngữ” (tại lớp K47 Ngôn ngữ CLC).
8.Nguyễn Hữu Chinh (2003), Văn hoá với việc dạy – học ngoại ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ số 3, tr. 73-77.
9.Nguyễn Văn Chính (2001), Đôi điều suy nghĩ về các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Ngữ học trẻ 2001, tr. 200-203.
10. Mai Ngọc Chừ (2001), Quan điểm giao tiếp – thực tiễn trong việc viết giáo trình tiếng Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở giai đoạn đầu, Tạp chí Ngôn ngữ số 14, tr. 8-11.
11. Mai Ngọc Chừ (2002), Dạy tiếng Việt với tư cách một ngoại ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ số 5, tr. 65-69.
12. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2003), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục.
13. Đinh Văn Đức (1991), Vài suy nghĩ bước đầu về ngữ pháp lý thuyết và ngữ pháp thực hành trong việc dạy tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ số 4, tr. 45-50.
14. Đinh Văn Đức (1997), Ngữ pháp chức năng giúp gì cho việc dạy tiếng Việt ở nước ta (Một đề nghị thử nghiệm), Tiếng Việt và việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 64-72.
15. Phạm Thị Thu Giang (2006), Khảo sát một số hiện tượng ngữ pháp thực hành trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở bậc cơ sở, Khoá luận tốt nghiệp.
16. Nguyễn Thiện Giáp (2002), Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB Giáo dục. 17. Nguyễn Thiện Giáp (2000), Ngữ dụng học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 18. Huỳnh Công Hiển (2007), Phân tích dạy cho học viên nước ngoài về nhóm từ biểu đạt ý nghĩa khả năng có thể, được, nổi trong tiếng Việt, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học cho người nước ngoài”, NXB Đại học Quốc gia, tr. 149-157.
19. Nguyễn Chí Hòa (2008), Nội dung và phương pháp dạy giảng dạy ngữ pháp Tiếng Việt thực hành, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
20. Đỗ Thị Thúy Hoàn (2008), Khảo sát hệ thống bài luyện và bài tập trong một số giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam từ năm 1980 đến nay, Luận văn Thạc sĩ.
21. Đinh Thanh Huệ – Phạm Tuấn Khoa (2007), Về một cách xác định nghĩa từ vựng của giới từ không gian và từ chỉ hướng không gian đứng sau động từ vận động trong tiếng Việt, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học cho người nước ngoài”, NXB Đại học Quốc gia, tr. 196-207.
22. Nguyễn Văn Huệ (2007), Vấn đề dạy ngữ pháp tiếng Việt cho người nước ngoài, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học cho người nước ngoài”, NXB Đại học Quốc gia, tr. 191- 195.
23. V.B.Kasevich (1999), Những yếu tố cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, NXB Giáo dục.
24. Nguyễn Văn Khang (1997), Giáo trình tiếng Việt với vấn đề giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhìn từ góc độ giao tiếp ngôn ngữ, Tiếng Việt và việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 116-119.
25. Trần Thị Lan (2005), Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài theo phương pháp giao tiếp, Ngữ học trẻ, tr. 158-164.