6. Bố cục của Luận văn
3.1.5. Sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành ngôn ngữ
Cách giải thích theo thời về các từ “đã, đang, sẽ” đã nêu ở phần trên sẽ dẫn đến những chỗ chưa thỏa đáng, làm cho người học hiểu không đúng bản chất vấn đề nhưng việc sử dụng các thuật ngữ, khái niệm chuyên ngành ngôn ngữ để giải thích ngữ pháp tiếng Việt, chẳng hạn như các thuật ngữ “câu liên động”, “trạng ngữ thể cách”, “ngữ khí từ”, … có thể làm cho người học vốn không phải là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ học cảm thấy bối rối hơn.
Theo Nguyễn Thiện Nam, một trong những nhiệm vụ của người học là phải học cái ngôn ngữ dùng để miêu tả và giải thích ngữ pháp. Tức là người học cũng phải học ý nghĩa của những từ như: chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ, định ngữ,… danh từ, tính từ, động từ. Một số người cho rằng việc học như thế này là việc học thêm nhưng lại phải học trước hết. Theo Pit Corder thì vấn đề ở đây không phải là có nên dạy những thuật ngữ ngôn ngữ học kiểu này hay không mà vấn đề là nên dạy những thuật ngữ nào để tiện cho tiến trình dạy học. [30, tr. 151].
Những từ như dưới đây có thể khiến học viên cảm thấy “khó khăn” trong việc tiếp nhận, vì để hiểu một hiện tượng ngữ pháp thì lại phải xem một giải thích khác về thuật ngữ ngôn ngữ. Như vậy, chú giải “đường vòng” có thể làm cho người học cảm thấy bối rối và càng thêm khó hiểu.
Có thể thấy một số thuật ngữ ngôn ngữ học được sử dụng trong phần chú giải ngữ pháp như :
– ngữ cảnh, giả định, sự tình, tham tố, chỉ tố, hàm ý, hiển ngôn, biến thể
(Giáo trình Tiếng Việt, Trình độ A, Đoàn Thiện Thuật).
– “yếu tố đẳng lập” trong chú giải ngữ pháp “Cả…lẫn (đều) hoặc cả… và…(đều)” (both…and) – Dùng để nối hai yếu tố đẳng lập” Tiếng Việt cho người nước ngoài – trình độ nâng cao, Trịnh Đức Hiển (Chủ biên). Cách giải thích này lại cần phải giải thích thế nào là “yếu tố đẳng lập”.
Giáo viên dạy tiếng thường gặp khó khăn trong việc giải thích cho học viên các thuật ngữ này. Còn học viên, những người không học chuyên ngành về ngôn ngữ thì cũng rất khó khăn khi phải “xem cách chú giải từ này thì lại phải tìm chú giải của các từ được sử dụng để chú giải”. Những lời giải thích mang tính lý thuyết và thiên về việc đặt tên cho hiện tượng ngữ pháp mà không giải thích ngữ nghĩa, ngữ dụng của chúng. Ví dụ:
– Trạng ngữ thể cách (trạng thái) – Adverb of Manner”: Tính từ hoặc trạng từ đặt sau Động vị ngữ để biểu thị trạng thái tính chất của Đ vị ngữ…”
– Câu liên động là câu có vị ngữ Đ thuộc nhóm “yêu cầu, mới, đề nghị, bắt, bảo…” và bổ ngữ là một kết cấu C-V mà C là đối tượng chịu tác động trực tiếp của Động vị ngữ.
– Câu cầu khiến với ngữ khí từ “đi”
– Câu có vị ngữ liên động: Các Đ vị ngữ nối tiếp nhau, hành động sau là hệ quả của hành động trước… Ví dụ: Mình và Harry mua vé vào sân xem. Ban tôi sẽ về nước nghỉ hè. (tr.97, 109, 161, 354, Tiếng Việt cho người nước ngoài,
Nguyễn Anh Quế).
– “Tổ hợp”: “Hơn nữa (moreover, besides) – Tổ hợp dùng khi muốn bổ sung đặc điểm, tính chất… và có ý nhấn mạnh” (tr. 94, Tiếng Việt cho người nước ngoài – trình độ nâng cao, Trịnh Đức Hiển (Chủ biên)).
– “Quán ngữ” trong chú giải “Tiếc là: tổ hợp thường dùng ở đầu câu hoặc đầu mệnh đề như một quán ngữ, biểu thị ý tiếc nuối về một sự việc gì đó.” (tr.18, Giáo trình Tiếng Việt, tập 3, Nguyễn Văn Huệ (Chủ biên)),
Đối với học viên, để hiểu thế nào là liên từ, phó từ,… trong các phần ngữ pháp đã là không dễ dàng. Còn đối với người dạy, những phần này rất bất tiện, học viên nước ngoài ở trình độ cơ sở thường không có tri thức sâu về ngành ngôn ngữ để hiểu hết ý nghĩa các khái niệm kiểu như câu liên động, trạng ngữ thể cách,… nếu không phải trong ngành ngôn ngữ.