Sự phân bố về nội dung chủ điểm ngữ pháp trong mỗi bài học

Một phần của tài liệu Tìm hiểu các hiện tượng ngữ pháp được giới thiệu trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (từ năm 1980 đến nay (Trang 80)

6. Bố cục của Luận văn

3.1.2.Sự phân bố về nội dung chủ điểm ngữ pháp trong mỗi bài học

Việc chú giải ngữ pháp với nội dung đơn giản, rút gọn, dễ hiểu với người học lại chưa thể bao quát được hết các nét nghĩa trong tiếng Việt. Có thể dẫn theo ví dụ về “đã, đang, sẽ” trang 49, phần chú giải ngữ pháp bằng tiếng Anh trong giáo trình Tiếng Việt cho người nước ngoài của Vũ Văn Thi:

“Đã, đang, sẽ:

Đã: is used to indicate the past time. Đang: is used to indicate the present time. Sẽ: is used to indicate the future time. For example:

Năm ngoái, tôi đã học tiếng Việt ở Mỹ.

Năm nay, tôi đang học tiếng Việt ở Việt Nam. Sang năm, tôi sẽ về nước.” (*1)

Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc về trình độ cấp học, nếu với trình độ cơ sở mới bắt đầu thì việc chú giải như trên là cách hiểu khá ngắn gọn và nhanh nhất đối với người học, khi lên trình độ nâng cao sẽ có các kiến giải cụ thể hơn. Dẫu biết rằng ấn tượng đầu tiên đối với người bắt đầu học ngoại ngữ có thể là ấn tượng không dễ thay đổi nhưng đại bộ phận những người học ngoại ngữ đều phải đi theo những vòng tròn đồng tâm trong việc thụ đắc tri thức ngoại ngữ như vậy.

Một ví dụ khác trong giáo trình Tiếng Việt cho người nước ngoài, Mai Ngọc Chừ, chú giải về loại từ “cái, con”, trang 61như sau:

Cái: Classifier used for things.

Con: Classiffier used for animals. (*2)

Cũng với chủ điểm ngữ pháp này, giáo trình Thực hành Tiếng Việt,

Nguyễn Việt Hương, trang 71 có chú giải:

Loại từ chỉ vật (Classifier used for things): Cái (cái bàn, cái ghế, cái bút, cái bảng, cái mũ). Loại từ chỉ động vật: Con (con chó, con mèo, con cá, con gà, con bò)” (*3).

Với cách chú giải như vậy, học viên sẽ ngạc nhiên khi bạn bè người Việt có thể gọi nhau: “cái Lan”, “cái Hà” và sẽ thắc mắc khi gặp những từ như “con sông”, “con người” mà người Việt rất hay sử dụng.

Một chú giải nữa là về các từ “những, các”:

Giáo trình Tiếng Việt cho người nước ngoài – Chương trình cơ sở của Nguyễn Văn Phúc (Chủ biên), trang 73 có chú giải ngữ pháp như sau:

Các từ “những, các” (plural for nouns). For example:

Những + cái bàn, cái ghế, quyển giáo trình, bức tranh, con mèo, con chó, món ăn,… / Các + sinh viên, học sinh, nhân viên, kĩ sư, bác sĩ,… (*4)

Nếu với cách chú giải quá sơ lược như vậy, dễ dẫn đến tình trạng người học sẽ có thể tự hiểu là: “Những” dùng cho vật và động vật, còn “các”

thì chỉ dùng cho người. Điều này dễ dẫn tới nhầm lẫn trong cách sử dụng hai từ này. Trong luận án tiến sĩ của Nguyễn Thiện Nam đã đề cập tới lỗi chọn nhầm “các” thay vì “những” của học viên [29, tr. 37]:

Việt Nam có nên đón khách du lịch không? Nếu có thì chính phủ nên nghĩ xem nên đón các loại khách nào?

Các sinh viên nào mà đi chùa Hương thì sẽ đi vào ngày mai với ô tô của trung tâm.

Theo Nguyễn Thiện Nam, ở hai ví dụ trên, người học đều dùng ngữ đoạn: “các + DT + nào”, ngữ đoạn này không hoàn toàn sai nhưng không chuẩn. Người Việt ít dùng như vậy. [29, tr. 37].

Xem thêm một ví dụ về cách giải thích ngắn gọn về từ “Làm như”,

trang 89, Giáo trình tiếng Việt, tập 4, Nguyễn Văn Huệ (Chủ biên): “Làm như: cho là, nghĩ là, ra vẻ là (nhưng thật ra không phải như thế). Ví dụ: Nó làm như là không biết gì.” (*5). Thực chất, đây là cách chú giải bằng một hiện tượng ngữ pháp tương đương khác. Đối với người đã học và nắm chắc chủ điểm ngữ pháp được dùng để chú giải cho chủ điểm ngữ pháp mới thì cách này sẽ tạo nên sự liên tưởng tương đồng dễ nhớ, nhưng nó là việc mở rộng trường từ vựng bằng các từ đồng nghĩa chứ không mang tính chất “chú giải ngữ pháp”.

Cũng trong giáo trình này, cách chú giải từ “chính”, trang 114 khá mơ hồ: Chính: từ biểu thị ý không phải ai hay không phải cái gì khác. Ví dụ: Chính nó đã nói như thế. Chính những hiểu lầm như thế đã làm cho cô ấy về nước sớm.

Thiết nghĩ với một số cách chú giải như (*1), (*2), (*3), (*4), (*5) thường khó đạt hiệu quả cao, dễ gây khó cho cả người dạy lẫn người học và hệ quả là việc các học viên sẽ mắc rất nhiều lỗi trong việc sử dụng tiếng Việt để giao tiếp.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu các hiện tượng ngữ pháp được giới thiệu trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (từ năm 1980 đến nay (Trang 80)