Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc (Trang 94)

Thi đua yêu nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, đồng thời cũng cổ vũ, phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước của mỗi cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thi đua là đoàn kết: trong phong trào thi đua, chúng ta thấy có đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường… đủ các tín ngưỡng lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sĩ… đủ các hạng người già, trẻ, trai, gái, tất cả đều nhằm một mục đích chung: tăng gia sản xuất, lập công giết giặc”.

Trong thi đua, mỗi người yêu nước trước hết là vượt lên chính mình, để luôn tiến bộ, có đủ năng lực ý chí, đạo đức hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng ngày, đồng thời luôn có suy nghĩ tìm tòi phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Trong thi đua mọi người đều nâng cao tinh thần đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ làm cho khoảng cách giữa con người với con người sẽ được xóa bỏ, con người vượt qua được mưu tính cá nhân, vượt qua cái hủ tục học hỏi lẫn nhau thi đua phấn đấu. Vì vậy mọi người trở nên gần gũi thân mật và hiểu nhau hơn. Đồng thời thông qua phong trào, qua tổ chức các cá nhân, các tập thể, các tầng lớp nhân dân được giác ngộ về quyền lợi, trách nhiệm, ý thức được vị trí vai trò của mình trong cộng đồng, tự giác hành động vì mục tiêu chung của đất nước. Hòa mình vào các phong trào hành động cách mạng, tham gia hoạt động trong các tổ chức, sức mạnh của mỗi cá nhân không tồn tại riêng lẻ, mà hòa quyện với tập thể, với cộng đồng nên được nhân lên thành sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Các phong trào thi đua yêu nước sẽ huy động được sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, trong mọi con người và hàng triệu con người. Thi đua yêu

nước là động lực để khơi dậy và phát huy sức mạnh sáng tạo của con người, biến những điều tưởng chừng không thể làm được thành những điều có thể trong cuộc sống, tạo ra sức mạnh tập hợp, đoàn kết quần chúng. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua đã lan rộng từ hậu phương đến tiền tuyến, từ nhà máy, công trường, đến xưởng thợ, trường học… khắp nơi “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”. Các phong trào thi đua đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, trở thành động lực to lớn trong kháng chiến và xây dựng hậu phương.

Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, phong trào thi đua yêu nước được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước và nhiệt tình cách mạng của toàn dân. Hàng loạt các phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi gắn liền với những nhiệm vụ cụ thể, với những nội dung và hình thức phong phú phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới và phát triển.

Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần cổ vũ, động viên toàn dân thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào thi đua, yêu nước làm cho đại đoàn kết không chỉ dừng lại ở tư tưởng, chủ trương, nguyện vọng, mong muốn mà thực sự trở thành hành động cách mạng của hành chục triệu quần chúng mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đó là những phong trào “Mái ấm công đoàn”, “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” của Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam với các phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”… Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với các phong trào tiêu biểu “Thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “sáng tạo trẻ”… Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai các cuộc vận động “Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập”, “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh

niên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc”… Ngành giáo dục phát động các phong trào “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”….

Những kết quả to lớn của phong trào thi đua yêu nước, sau hơn 20 năm đổi mới, đã khơi dậy nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa nước ta tiến được những bước dài và đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội đang từng bước tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tuy nhiên trong thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chúng ta phải phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Vì vậy phong trào thi đua yêu nước cần phải trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, thường xuyên, liên tục và được tổ chức chặt chẽ sâu rộng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức quần chúng và các tầng lớp nhân dân.

Trong thời gian tới, việc triển khai các phong trào yêu nước cần phải đổi mới để đạt được hiệu quả thiết thực hơn. Chúng ta cần các phong trào thi đua yêu nước với hình thức, phương thức sao cho hấp dẫn, có tiêu chí và thời hạn rõ ràng. Để phong trào thi đua yêu nước thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, phát triển đúng hướng thiết thực, hiệu quả cần tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản sau đây:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần căn cứ vào nhiệm vụ của từng giai đoạn, thời kỳ cụ thể để tạo dựng chương trình hành động và tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khơi dậy và nâng cao tinh thần nồng nàn yêu nước, ý chí tự lực, tự cường… của mỗi người dân để động viên toàn dân phát huy chủ nghĩa anh hung cách mạng trong sự nghiệp đổi mới.

Từ mục tiêu thi đua chung của sự nghiệp đổi mới, các đơn vị, các địa phương, cơ quan, đoàn thể… cần căn cứ vào nhu cầu tực tiễn của quần chúng cần gì thì tổ chức phong trào thi đua đúng vào mục đích đó. Nếu dân thiếu nhà ở, phải thi đua để tạo ra nhiều sáng kiến để có thể xây nhà cho nhân dân sao cho đảm bảo tiết kiệm và đúng đối tượng. Như vậy nhân dân sẽ hưởng ứng tích cực, phong trào thi đua sẽ thực sự nâng cao giác ngộ của quần chúng nhân dân, biến thành hành động tự giác của quần chúng. Trong tác phẩm “Về mặt trận dân tộc thống nhất”, Hồ Chí Minh viết: “việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và như vậy mới thực sự là phong trào quần chúng” [59, tr.37]. Đối với từng đối tượng cũng cần phải biết tổ chức nội dung sao cho phù hợp, không câu nệ hình thức, phô trương.

Để khắc phục tình trạng phát động các phong trào thi đua mang tính hình thức, chạy đua theo “bệnh thành tích”, ít chú trọng đến chất lượng, hiệu quả… cần đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động cũng như công tác cán bộ của các cơ quan thi đua khen thưởng, bằng việc định rõ chức năng, nhiệm vụ và sự chủ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tránh khoán trắng công việc cho một tổ chức, đơn vị… Đồng thời cần thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản pháp quy của nhà nước về thi đua khen thưởng cho phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của công tác thi đua.

Trên cơ sở thống nhất lợi ích của cá nhân, tập thể, lợi ích của người lao động, gia đình, làng, xã với lợi ích của quốc gia, dân tộc… sau mỗi đợt thi đua, cùng với tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm… cần khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc và xứng đáng hơn nữa với tập thể, cá nhân tiêu biểu đã có những đóng góp xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước (theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 khóa X). Đây chính là sự đánh giá, ghi nhận, tôn vinh, của tập thể, của nhà nước nhằm động viên

khuyến khích mỗi người, cùng mọi người cố gắng thi đua hơn nữa. Đồng thời rút ra kinh nghiệm cho việc tổ chức, chỉ đạo công tác thi đua, khắc phục những yếu kém.

Sức mạnh của phong trào thi đua không phải là ở khẩu hiệu mà chính là việc nêu gương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiên tiến điển hình, tiên tiến xuất sắc. Ý nghĩa quan trọng nhất về mặt thực tiễn của thi đua yêu nước chính là như vậy. Qua các phong trào thi đua yêu nước sẽ nhằm tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến, làm cho cái tiêu cực bị đẩy lùi, cái tích cực ngày càng phát triển và ngày càng nhân rộng có sức mạnh lan tỏa sâu sắc, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp văn minh hơn.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc (Trang 94)